(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên, bản Truyện Kiều do Công Thiện Đường in vào mùa Đông năm Mậu Tuất (1898), thời vua Thành Thái sẽ là chủ đề chính của hội thảo Minh họa Truyện Kiều dưới cách nhìn minh triết Việt. Sự kiện thứ hai cũng thú vị không kém là "Biết thì nói, không thì bói" của Trà Nguyễn - một vở kịch tương tác nhưng có sự góp mặt của nghệ sĩ đàn bầu Ngô Trà My, cùng việc sử dụng những yếu tố của chèo, ca trù và quan họ trong quá trình tương tác.
200 năm qua, "Truyện Kiều" được xem là viên ngọc long lanh trong di sản văn học của Việt Nam. Tác phẩm trác tuyệt này không những làm lay động tâm hồn người Việt, mà nó còn được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ khác và là đóa hoa thắm sắc trên thi đàn thế giới.
Hội thảo Minh họa Truyện Kiều diễn ra lúc 9h ngày 1/8 tại L'Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội); còn kịch tương tác diễn ra lúc 19h30 ngày 28 và 29/7 tại Manzi (14 Phan Huy Ích, Hà Nội).
Không chỉ có minh họa “Kiều”
Bản in Truyện Kiều nêu trên từng được vua chúa nhà Nguyễn ngự dụng, in khuôn màu tía trên giấy Lạc Đô, mỗi trang đều có dấu cát tinh, chữ viết tay rất đẹp. Bản viết tay này từng được Đào Nguyên Phổ mang đến tặng Giá Sơn (tức Kiều Oánh Mậu), sau Công Thiện Đường dựa vào đây khắc in.
Tuy gọi tên chung là minh họa Kiều, nhưng hội thảo sẽ làm khá nhiều việc, với 5 nội dung chính. Đầu tiên là giới thiệu Truyện Kiều, bản kinh ngự dụng mà nhà in Công Thiện Đường dựa vào khắc in như đã đề cập và triển lãm nhiều tranh minh họa Truyện Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn.
Kế đến là nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn sẽ nói về 411 câu thơ có sử dụng các con số trong Truyện Kiều. Dưới góc nhìn minh triết Việt, đâu là ý nghĩa biểu đạt ước lệ của các con số mà Nguyễn Du sử dụng?
Thứ ba là các khảo sát, phản biện và kiến nghị về những hệ lụy từ định đề “hoán thai đoạt cốt” do Đào Duy Anh nêu ra, nơi cho biết Nguyễn Du đã mượn cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) để viết nên Truyện Kiều. Qua đây cũng luận bàn lại phát biểu của Dương Quảng Hàm về Đoạn trường tân thanh trong Việt Nam văn học sử yếu (1943).
Kế đến là tiếp cận văn bản Hán văn để thấy rõ Thanh Tâm Tài Tử và Kim Vân Kiều truyện (bản đánh số A953) là tác giả, tác phẩm của người Việt. So sánh nội dung cuốn A953 của Thanh Tâm Tài Tử và cuốn Kim Vân Kiều truyện của Lý Chí Trung.
Và nội dung thứ năm của hội thảo là phê bình các chú giải lệch lạc về Truyện Kiều trong sách giáo khoa và các ấn bản. Qua đây phản biện và kiến nghị một cách chú giải mới về nguồn gốc Truyện Kiều.
Rõ ràng đây là một hội thảo đầy tham vọng, với những vấn đề lớn lao, hy vọng Trần Đình Tuấn, Lê Nghị và Nguyễn Tuấn Sơn đủ thời gian để trình bày, đủ thuyết phục với người nghe.
"Cô bói sẽ thưa chuyện cập thời"
Vở kịch tương tác Biết thì nói, không thì bói (phiên bản lang thang) của Trà Nguyễn có bài vè mời gọi khá dễ thương. Trong đó có đoạn: “Rằng ai muốn hỏi đằng vận mệnh/ Duyên tình sự nghiệp với tương lơi/ Mời lên gõ trống hay gõ phách/ Cô bói sẽ thưa chuyện cập thời”. Vở kịch có sự tham gia của hai khách mời là nghệ sĩ đàn bầu Ngô Trà My và diễn viên Trần Thiên Tú, với 60 phút trình diễn và 60 phút giao lưu.
Trà Nguyễn tiếp tục chất vấn bản chất kịch nghệ. “Với mục tiêu chính là kể chuyện, nhiệm vụ tối thiết của thoại kịch truyền thống là trình bày: biên kịch trình bày cho đạo diễn, đạo diễn cho diễn viên, diễn viên cho khán giả. Khán giả nhận. Nhà hát chia làm hai nửa: Các cơ thể trên sân khấu có nhiệm vụ truyền tải hết mức và các cơ thể dưới sân khấu có lẽ cũng phải thúc ép mình nhận càng nhiều càng tốt. Tôi thử làm khác đi, mỗi lần diễn mỗi khác, khác từ kịch bản, trình diễn, cho tới cả khán giả, phụ thuộc nhiều vào sự tương tác thực tế tại cảnh diễn” - Trà Nguyễn cho biết.
Trong lần đến Hà Nội kỳ này, vở sẽ cóp nhặt hát chèo, ca trù và quan họ để khán giả cùng tương tác với diễn tiến câu chuyện bằng cách gõ vào trống hoặc phách trên sân khấu. Các lớp diễn có thể liên tục một ý tưởng, hoặc không, có thể kết thúc sau vài phút hoặc dài hơn, không cần biên kịch lẫn đạo diễn. “Vừa thử vừa chơi vẫn muốn vui/ Có diễn ra chăng cái sự đời” - trích từ bài vè quảng bá sự kiện.
Trà Nguyễn là đạo diễn và biên kịch, đồng thời là diễn viên tự học. Từ năm 2018 đến nay, cô đã tổ chức nhiều thảo luận về các cách thực hành sân khấu mới ở Việt Nam. Trà Nguyễn đã dựng nhiều tác phẩm ở Hà Nội, TP.HCM và Tokyo, với sự kết hợp đa ngôn ngữ và đa phương tiện, nổi bật là cách dùng nghệ thuật thị giác trên sân khấu. Hiện cô là thành viên của Xưởng thí nghiệm toàn cầu về biểu diễn và chính trị (ĐH Georgetown); sắp theo học chương trình thạc sĩ nghệ thuật về biên kịch ở ĐH Carnegie Mellon, với hỗ trợ của học bổng Fulbright.
Như Hà