(Thethaovanhoa.vn) - Một phần ba LH Sân khấu thử nghiệm quốc tế đã đi qua, khi lần lượt 5/16 vở diễn được ra mắt kể từ ngày 12/11. Và tất nhiên, với 2 chữ "thử nghiệm", người ta có thể đúng, có thể sai, hoặc có thể... khiến khán giả không đồng ý với những phép thử của mình.
Cũng cần nhắc lại, kể từ lần tổ chức đầu tiên cách đây tròn 15 năm, LH SKTNQT luôn đặt ra một tiêu chí thống nhất: khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo về nội dung và hình thức thể hiện, từ đó phần nào giúp sân khấu tự làm mới và thoát ra khỏi cách tư duy trì trệ, cứng nhắc đã thành thói quen.
Muôn cách "thử nghiệm"
Con tàu này không trôi mãi là vở diễn quốc tế đầu tiên tính tới chiều 14/11. Mang "quốc tịch" Panama, nhưng khán giả VN có vẫn không khó để nắm bắt nội dung của vở diễn gần như... không có lời thoại này.
Bởi, những động tác hình thể, cùng đôi lời dẫn dắt, là đủ để dựng lên câu chuyện trong không gian của một con tàu, với cơn bão nổi lên giữa biển, với người phụ nữ đang mang thai, với thủy thủ đoàn đang bấn loạn.
Dưới cát là nước (kịch Quân đội) lại là một câu chuyện khác, khi "tung" ra sân khấu rất nhiều diễn viên, nhưng chỉ có 3 nhân vật chính. Số còn lại, tùy từng lớp diễn, được cách điệu thành dàn đế, thành gió, thành những hồn cát triền miên. Trên cái nền đặc biệt ấy, 3 nhân vật chính lần lượt chia sẻ những cảm xúc thù hận, yêu đương, hối cải và bao dung của mình.
Dưới cát là nước – vở diễn gây ra nhiều tranh luận tại hội thảo chiều 14/11
Nhưng, gây ấn tượng nhất về cảm giác lạ vẫn là trường hợp của IONHA (nhà hát Galaxy) và vở rối Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Múa rối Thăng Long) Ra đời từ gần một năm trước, IONHA (viết ngược của 2 chữ Hà Nội) thu hút sự tham gia của nhiều cái tên "khủng" như biên đạo múa Trần Ly Ly, đạo diễn Trần Hoàng Nam, nhạc sĩ Quốc Trung.
Và chắc chắn, kinh phí để đầu tư cho vở diễn này cũng không hề thấp, khi lần lượt trong vở diễn, khán giả được chứng kiến liên tục màn nghệ thuật tổng hợp về múa, kịch, xiếc, hip-hop, nghệ thuật thị giác, kỹ xảo ánh sáng...trong câu chuyện về một cô gái rơi vào thế giới siêu thực do chính mình tạo ra.
Còn với Hồn Trương Ba, da hàng thịt, bản thân việc đưa vở chính kịch của Lưu Quang Vũ lên sân khấu rối – vốn mạnh về chất liệu dân gian và chức năng giải trí- cũng đã đủ chứng minh về tính chất "thử nghiệm" của vở.
Ở đó, các nghệ sĩ quen điều khiển quân rối cũng phải học diễn xuất để bước ra sân khấu như các diễn viên bình thường. "Bạn diễn" của họ, chính là những quân rối được điều khiển, để người và rối cùng tạo thành một câu chuyện với âm hưởng riêng.
Và... tranh cãi
Nhưng, như chia sẻ của giới chuyên môn, từ "lạ" đến "hay" luôn là một khoảng cách không dễ lấp đầy. Và trong buổi hội thảo chuyên môn ngày 14/11, nhiều tranh luận gay gắt đã được đặt ra.
Chẳng hạn, với Con tàu này không trôi mãi, có diễn giả cho rằng đạo diễn Panama đã rất cao tay khi dựng lên biểu trưng đầy ý nghĩa về một thế giới biến động, hỗn loạn và rất cần sự đoàn kết, yêu thương. Nhưng, cũng có chuyên gia lại phản đối, với ý kiến rằng vở diễn này thực chất chỉ là một vở... kịch câm đơn thuần. Nghĩa là chưa đủ "lạ".
'Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III - 2016' do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức chính thức khai mạc tối 13/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tương tự, tác giả Nguyễn Quang Vinh (Dưới cát là nước) cho rằng vở diễn của anh độc đáo bởi đi sâu vào thân phận con người, điều ít thấy ở các vở diễn truyền thống về chiến tranh cách mạng của Nhà hát kịch Quân đội. Lập tức, rất nhiều ý kiến khác phản ứng, với quan điểm như vậy thì chưa thể gọi là "thử nghiệm". Ngoài ra, cách xử lý sân khấu của đạo diễn Lê Hùng trong vở diễn cũng chưa đủ "lạ" so với... những vở diễn mà chính anh từng dàn dựng.
Riêng IONAH và Hồn Trương Ba, da hàng thịt, hầu hết các ý kiến tranh luận cũng đều công nhận những thử nghiệm của người dàn dựng. Nhưng, Hồn Trương Ba, da hàng thịt bị cho là quá lạm dụng kịch nói, dẫn tới việc át đi chất đặc thù của nghệ thuật rối. Còn IONAH dù độc đáo, nhưng cốt truyện không đủ đầy đặn, nên vẫn chưa thoát khỏi cảm giác về một vở diễn thập cẩm, thiên về "khoe" kĩ thuật biểu diễn và công nghệ, thay vì dẫn dắt cảm xúc của người xem.
Nghĩa là, "nghiệm" thu về ở những vở diễn đầu tiên ấy vẫn chưa đủ để thuyết phục tuyệt đối người xem, và cả giới chuyên môn, như một vài vở ở 2 kì LH trước.
Đó cũng là điều dễ hiểu, và bình thường, bởi trong chuyện thử nghiệm của nghệ thuật, không phải phép thử nào cũng có thể thành công tuyệt đối. Giới chuyên môn vẫn còn gần chục vở diễn nữa để tìm kiếm hi vọng cho mình.
Bất ngờ như "Hamlet" Không tuyên bố tính chất "thử nghiệm" khi dàn dựng, vậy nhưng vở diễn Hamlet (Nhà hát kịch VN) lại được các chuyên gia quốc tế đánh giá khá tốt tại LH.
Những ý kiến khen ngợi đều nhắc tới nghệ thuật xử lý sân khấu, việc áp dụng trò múa Xuân Phả vào vở diễn, hoặc thậm chí là "thêm thắt" một số lớp vốn không có trong kịch bản. Câu chuyện ấy càng cho thấy: để bước đầu thành công, một vở diễn thử nghiệm cần rất nhiều yếu tố về kịch bản, đạo diễn và cả diễn viên, thay vì chỉ tập trung cho việc xử lý sân khấu. |
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa