(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan phim Việt Nam định kỳ 2 năm diễn ra một lần đã góp phần tôn vinh những tác giả, tác phẩm, nghệ sỹ điện ảnh xuất sắc nhất của nước nhà. Đây cũng là thời điểm mà toàn ngành điện ảnh nước nhà cùng nhìn lại thành quả sau 2 năm nỗ lực để tìm ra hướng đi mới, tạo ra nhiều hơn nữa những tác phẩm chất lượng, tạo ra luồng sinh khí mới cho điện ảnh nước nhà.
Tối 23/11, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khai mạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”.
Không có thắng thua mà là cuộc tôn vinh nghệ sỹ
Các kỳ liên hoan đều là cuộc hạnh ngộ lớn của các nghệ sỹ khắp các vùng miền Tổ quốc. Họ hân hoan gặp gỡ, sánh bước cùng nhau trên thảm đỏ và hạnh phúc trong sự chào đón của công chúng yêu điện ảnh.
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Bài Bình chia sẻ, hầu như năm nào ông cũng tham gia các liên hoan phim lớn nhỏ. Mỗi lần tham dự ông đều có những cảm xúc riêng biệt không giống nhau. Nếu như kỳ liên hoan nào có phim tham dự thì hồi hộp chờ đón giải thưởng, còn nếu không có thì vô tư hơn vì lúc đó thuần túy là niềm vui gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp. Thực ra các văn nghệ sỹ nói chung khi làm phim đều mong được công chúng và giới chuyên môn ghi nhận. Đó là niềm hạnh phúc nhất với mỗi nghệ sỹ.
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Bài Bình thường được các đạo diễn “đóng đinh” vào vai anh bộ đội hiền lành, chân chất như phim: “Bức tường không xây”, “Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh”, “Thị trấn yên tĩnh”, “Lấy nhau vì tình”, “Ẩn diện thiền cô”, “Sơn ca trong thành phố”, “Ngày Chủ nhật vắng Chúa”, “Mưa dầm ngõ nhỏ”… Phải đến khi ông tham gia vai Hòa trong “Mùa ổi” của đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh mới thực sự tạo ấn tượng mạnh trong lòng công chúng. Với vai diễn này, Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Bài Bình đã nhận được giải “Diễn viên nam xuất sắc” nhất trong Liên hoan phim lần thứ 13, góp phần đưa bộ phim được giải A, Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Quý Bình là một nam diễn viên trẻ đa năng ở miền Nam với nhiều vai diễn trong các bộ phim truyền hình dài tập và phim truyện như “Đam mê”, “Đường đua”… Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX năm 2017, Quý Bình đã giành giải thưởng “Diễn viên nam chính xuất sắc nhất” với bộ phim "Bao giờ có yêu nhau".
Tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI, nam diễn viên trẻ rất vui, hạnh phúc với cương vị là người nghệ sỹ, diễn viên. Đây là dịp để các anh chị em văn nghệ sỹ hội ngộ, khẳng định tên tuổi của từng cá nhân, đơn vị, tạo động lực cho mọi người có thêm niềm phấn khởi, tiếp tục sáng tạo, cống hiến nhiều hơn, cho ra đời những tác phẩm đỉnh cao.
Niềm vui của nam diễn viên được nhân đôi khi Quý Bình được sánh đôi cùng nữ nghệ sỹ Kaity Nguyễn kéo cờ liên hoan phim tại lễ khai mạc. Với anh, đây thực sự là niềm vinh dự, không dễ có được khoảnh khắc như vậy. Điều đó cho thấy những cố gắng, trau dồi, rèn luyện của người nghệ sỹ đã được đền đáp và khán giả công nhận. Đối với người diễn viên đó là hạnh phúc trong công việc mà mình yêu mến, dấn thân…
Còn với Nhan Phúc Vinh – gương mặt sáng của làng phim Việt ở kỳ liên hoan phim năm nay được đề cử ở hạng mục “Diễn viên nam chính xuất sắc nhất”. Chia sẻ niềm vui này, anh cho biết bản thân rất vui vì nỗ lực được ghi nhận nhưng anh cũng không quá coi trọng giải thưởng bởi với người nghệ sỹ cho ra đời tác phẩm hay là sự cống hiến với nghề, phục vụ được đa dạng khán giả, góp phần làm cho bức tranh điện ảnh Việt Nam phong phú hơn, nhiều màu sắc hơn. Nếu không được giải thưởng thì Nhan Phúc Vinh vẫn vui mừng chúc mừng các đồng nghiệp được xướng tên, bởi giải thưởng cũng là bước đệm để mỗi nghệ sỹ có thêm động lực để tạo ra những sản phẩm tốt hơn nữa.
Kỳ vọng “cú” bắt tay công – tư
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI đánh dấu sự trở lại của dòng phim có sự đầu tư của nhà nước với 4 phim truyện. Đó là các phim "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Thạch Thảo" (70% vốn nhà nước, 30% kinh phí xã hội hoá); "Nơi ta không thuộc về" (Điện ảnh Quân đội) và "Hợp đồng bán mình" (Hãng phim Giải Phóng). Đây vẫn là con số khiêm tốn so với 12 bộ phim thuộc dòng tâm lý thiên về giải trí, có doanh thu “khủng” do các hãng phim tư nhân sản xuất,phát hành. Nhưng theo đánh giá của Ban tổ chức và giới chuyên môn, đây là dấu hiệu đáng mừng bởi lẽ nhiều mùa liên hoan trước còn ít hơn, thậm chí không có phim do nhà nước đầu tư.
Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng: Sự trở lại của phim nhà nước đầu tư thực sự là tín hiệu vui, đáng mừng, góp phần khích lệ đội ngũ làm phim đang miệt mài, kiên trì, kiên nhẫn đi theo dòng phim chính luận. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu, bởi sự bắt tay giữa nhà nước và tư nhân trong sản xuất phim là một hướng đi đúng đắn trong lộ trình mà các nhà làm phim trẻ dòng phim chính luận hướng tới để phim tiếp cận gần hơn với công chúng. Nữ đạo diễn tin rằng trong những liên hoan phim tới đây sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa tác phẩm mang dấu ấn nhà nước...
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần này với bộ phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” mới “ra lò”. Anh cho biết, với các đạo diễn trẻ như anh thì luôn cố gắng tìm tòi cách kể chuyện của riêng mình. Trong thời hội nhập như hiện nay thì người làm phim không nên quá băn khoăn về việc mình làm phim hay như các nhà làm phim quốc tế hay không, có kể chuyện giống họ hay không, có lỗi thời với thế giới hay không mà quan trọng nhất vẫn là việc làm thế nào để giữ được bản sắc cá nhân của mỗi đạo diễn cũng như của văn hóa, con người Việt Nam trong mỗi bộ phim.
Theo đánh giá của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: 16 phim tham dự kỳ này lần này là những phim tốt nhất của điện ảnh Việt Nam trong 2 năm qua, trong đó có những phim ăn khách. Các phim này đã phản ánh khá bao quát tình hình hiện nay của điện ảnh nước nhà. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng mong muốn sau liên hoan phim lần này, các nhà làm phim, nhà quản lý, phát hành sẽ có cái nhìn tổng quan nhất điện ảnh, đưa ra những hướng đi mới để kì liên hoan tiếp theo sẽ có nhiều bộ phim tốt hơn, đa dạng về đề tài, thể loại hơn nữa. Anh cũng hy vọng có thêm nhiều kịch bản hay được duyệt để các hãng phim nhà nước, tư nhân cùng chung tay sản xuất.
Trong số 16 phim truyện điện ảnh tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI có tới 12 bộ phim do các hãng tư nhân sản xuất. Đây đều là những phim dòng tâm lý, tính giải trí cao, đáp ứng được thị hiếu của số đông khán giả trẻ, nhiều phim đạt doanh phòng vé rất tốt như “Hai Phượng” (200 tỷ), “Cua lại vợ bầu” (191,8 tỷ), “Lật mặt: Nhà có khách” (117,5 tỷ)... Đạo diễn Đức Thịnh cho rằng việc các nhà sản xuất tập trung vào dòng phim tâm lý dành cho giới trẻ là điều hết sức bình thường. Bởi lẽ theo nghiên cứu thì có tới 75% khán giả tới rạp xem phim hiện nay ở độ tuổi từ 17-25. Thế nhưng, trong tương lai vẫn cần da dạng hóa các thể loại phim để khán giả có cơ hội thưởng thức nhiều “món ăn” ngon hơn nữa.
Nam diễn viên Nhan Phúc Vinh cho rằng: Việc tự “co cụm” đối tượng khán giả thì việc thực hiện chủ đề, kịch bản phim sẽ bị hạn chế hơn, đó cũng là sự hạn chế sáng tạo các nhà biên kịch, nhà làm phim trước những đề tài mở rộng sang đối tượng khán giả khác. Để thay đổi tình hình làm phim thiên về giới trẻ như hiện nay trong một sớm một chiều thì khá khó khăn.
Những người làm phim trong đó có diễn viên như Nhan Phúc Vinh luôn mong muốn gu thẩm mĩ của người xem cũng đối tượng khán giả ủng hộ phim Việt, quan tâm đến sự phát triển của phim Việt ngày càng đa dạng hơn. Chỉ khi có sự tin tưởng và ủng hộ của khán giả, đặt niềm tin cho phim Việt thì các nhà sản xuất mới có niềm tin, sự sáng tạo thực sự để mở rộng đề tài, tiếp cận những đề tài gai góc trong xã hội, mang nhiều tính nghệ thuật hơn...
Thanh Giang - TTXVN