Lại 'nóng' chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Thứ Năm, 15/11/2018, 7:31 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Ngay khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) gửi tới Công ty CP đầu tư phát triển phim truyện Việt Nam công văn số 4974/BVHTTDL- KHTC về việc thực hiện Kết luận Thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), nhiều nghệ sĩ điện ảnh đã lên tiếng bày tỏ bức xúc.

Toàn văn kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Toàn văn kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Chiều tối ngày 20/9, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra “công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam”

Theo đó, đạo diễn Thanh Vân, nhà biên kịch Hồng Ngát và nhiều cán bộ của Hãng phim truyện Việt Nam cho rằng, công văn trên “có nhiều điểm vô lý, đi ngược với kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam”.

Bộ VH,TT&DL yêu cầu báo cáo gấp

Công văn đề ngày 29/10/2018, do Thứ trưởng Lê Quang Tùng ký, yêu cầu Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Ban giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam qua các thời kỳ và người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP đầu tư phát triển phim truyện Việt Nam thực hiện 5 vấn đề lớn liên quan tới công tác cổ phần hóa VFS.

Chú thích ảnh
Hãng phim truyện Việt Nam, nơi trở thành tâm điểm chú ý nhiều tháng qua sau việc cổ phần hóa

Có thể lược kể một số điểm trong các vấn đề này như: Kiểm tra, đối chiếu, xác nhận các khoản công nợ, phải thu phải trả chưa được đối chiếu tại thời điểm cổ phần hóa…; Xử lý dứt điểm các vướng mắc về đất đai…; Yêu cầu thực hiện nội dung theo Kết luận Thanh tra…; Kiện toàn bộ máy lãnh đạo…, yêu cầu nhà nhà đầu tư chiến lược bổ sung nội dung về mục tiêu, kế hoạch…

Điều đáng lưu ý là toàn bộ những nội dung trên, Bộ VH,TT&DL yêu cầu Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam phải báo cáo trước ngày 15/11/2018.

Bất khả thi?

Các nghệ sĩ của VFS cho rằng, văn bản này đi ngược với kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng 14/11 tại Hội Điện ảnh Việt Nam, NSND Nguyễn Thanh Vân - Phó Giám đốc VFS (trước khi cổ phần hóa) dẫn chứng: Điểm 4.2 trong văn bản yêu cầu Nhà đầu tư chiến lược bổ sung thêm về nội dung mục tiêu, kế hoạch, giải pháp về đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, cũng như kế hoạch kinh doanh thời gian tới. Điều này trái với kết luận của thanh tra là thoái lui vốn, tìm nhà đầu tư mới.

Đạo diễn Thanh Vân cho hay: toàn bộ quá trình xác định đất đai vốn kéo dài hai năm, có ban kiểm toán, ban tư vấn, dưới sự chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL… đã làm không đúng. Bây giờ, việc này lại giao cho hai người đại diện cho số vốn Nhà nước tại Hãng phim, không có con dấu, không có vai trò chính danh ngoài việc giữ tiền.

“Chức danh và cơ chế kinh tế, tài chính nào để giải quyết được việc này? Chúng ta phải phối hợp ở tầm vĩ mô hơn, có quyền, có tầm và lực hơn, phải giải quyết ở tầm Bộ VH,TT&DL. Việc Bộ yêu cầu Hãng trong ba ngày phải giải quyết được cho thấy đây là một văn bản bất khả thi”, NSND Nguyễn Thanh Vân khẳng định.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, cựu Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam và hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam, cũng bày tỏ bức xúc: “Muốn xây dựng, muốn tìm một nhà đầu tư chiến lược thì trước hết phải giải phóng nhà đầu tư không đúng quy trình trước đi. Nhà đầu tư cũ chưa rút thì nhà đầu tư chiến lược nào xuất hiện, mà chưa xuất hiện thì sao yêu cầu những điều đó được… Tôi thấy vô lý quá”.

“Mong muốn của chúng tôi là cổ phần hóa lại VFS, giữ lại thương hiệu của Hãng và giữ mảnh đất số 4 Thụy Khuê. Điều chúng tôi quan tâm là Bộ VH,TT&DL đã thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ tới đâu?”, bà Ngát nói, “Vậy nhưng Vivaso chưa rút vốn, không có kế hoạch gì… và chúng tôi đang đợi những câu trả lời đó”, bà Ngát nói thêm.

“Bộ VH,TT&DL có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của Hãng”

Liên quan tới sự việc, chiều 14/11, Bộ VH,TT&DL đã trả lời báo chí về một số vấn đề liên quan đến vụ việc cổ phần hóa VFS khi có ý kiến phản ánh từ cơ quan báo chí và nghệ sĩ.

Ông Trần Hoàng - Vụ trưởng vụ Kế hoạch Tài Chính, Bộ VH,TT&DL - cho biết, văn bản trên được gửi đến Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam nhằm triển khai thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ.

“Tất cả các yêu cầu của Bộ đều thực hiện theo kết luận thanh tra xem thiếu ở đâu, sai ở đâu để bổ sung, giải trình, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân mà thôi”, ông Trần Hoàng cho hay.

Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL - cho biết: Bộ VH,TT&DL sẽ thực hiện nghiêm túc kết luận của Thanh tra Chính phủ. Không hề có việc Bộ cố tình tìm cách cho Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) ở lại như một số báo đã nêu. Tuy nhiên, việc thoái vốn cũng phải thực hiện từng bước theo quy định.

Theo ông Nguyễn Thái Bình, VFS là một đơn vụ thuộc Bộ VH,TT&DL nên Bộ phải có trách nhiệm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Hãng. Mục tiêu cuối cùng của Bộ là làm sao có được điều kiện tốt nhất, hiệu quả hoạt động tốt nhất trong điều kiện có thể cho Hãng phim truyện Việt Nam.

Do sự cố về liên lạc, nên Bộ VH,TT&DL cũng đã có văn bản chính thức gửi tới Hãng phim truyện Việt Nam gia hạn thời gian trả lời các vấn đề của công văn đến ngày 15/12/2018 thay vì ngày 15/11/2018.

T.N

Tiểu Phong

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến