'Ký ức Hội An' theo dòng chảy thời gian

Thứ Ba, 20/3/2018, 11:10 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về phố cổ Hội An, một di sản văn hóa của nhân loại theo tiến trình lịch sử suốt 400 năm qua; một thương cảng quốc tế sầm uất một thời mà người dân sinh sống với ba nghề chính là nghề nông, đánh cá và dệt vải - đã được tái hiện sinh động qua chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” trong đêm 18/3 vừa qua tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế. Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo. Hơn 4 thế kỷ qua, Hội An như một điểm nhấn trong dòng chảy giao lưu văn hóa đô thị đặc sắc, giữa Đông - Tây theo đường hải hành. Một chút sâu lắng, nhưng là cả một sự sôi động tiềm ẩn mà hòa lại để chất chứa trong sự hoài cổ trăm năm nơi phố Hội.

Với thông điệp “Một ngày Hội An - Trăm năm hoài cổ”, “Ký ức Hội An” là con thuyền lớn đưa khán giả cập bến thương cảng Hội An thế kỷ 16-17 để chứng kiến những thăng trầm của phố Hội trải suốt dòng thời gian 400 năm lịch sử, nơi giao thoa văn hoá, điểm nối nước Việt vào con đường tơ lụa trên biển.

Chú thích ảnh
Lễ giới thiệu Chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” diễn ra ngày 17/3.

“Ký ức Hội An” được dẫn dắt bởi một cô gái dệt vải, nhân vật tượng trưng của vùng đất cho đức tính cần cù lao động, chịu thương chịu khó làm hậu phương vững chãi để những người đàn ông chinh phục biển khơi. Rồi cuộc sống Hội An cứ thế sinh sôi: Đánh cá, cấy lúa, xây nhà cùng với sự sinh sôi phát triển của dân cư. Đó là thực cảnh được giới thiệu trong màn đầu tiên của “Ký ức Hội An”, đưa khán giả đến với Hội An khi đó còn là một làng mạc quy mô nhỏ: Một tốp người đẹp mặc áo dài trắng, trình diễn catwalk - họ không đại diện cho một thời kỳ nào cụ thể của Việt Nam, mà tượng trưng cho toàn bộ dân tộc Việt Nam. Cùng với đó sẽ dần xuất hiện trước mắt bức họa về phong tục của người Hội An trước đây.

Bức họa về phong tục, lối sống văn hóa của người phố Hội trong những ngày đầu là nền tảng cho sự chuyển mình phát triển sau này. Thương cảng Hội An đã tạo điều kiện cho sự giao thoa văn hóa thời đại Chăm-pa, tiếp nhận những văn minh phương Tây qua các đoàn thủy thủ, thuyền buôn quốc tế. Ở đó, thông qua thể hiện một phiên chợ quốc tế, “Ký ức Hội An” đã miêu tả quá trình Hội An hội nhập với thế giới và cách các nền văn hóa trên thế giới lấy văn hóa Việt làm trung gian dung hòa và phát triển ở Hội An.

Phố cổ Hội An hôm nay, hiện sinh của quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của một di sản văn hóa thế giới. Kiến trúc tổng thể gắn với đời sống Hội An đã chứng tỏ nơi đây là thành phố có lịch sử lâu đời đáng sống và phát triển như thế nào… “Ký ức Hội An” kết thúc, mà cũng là tạm kết thúc thôi bởi dòng thời gian vốn bất tận sẽ khiến mọi thứ hôm nay rồi cũng trở thành ký ức, vì thế mà “Ký ức Hội An” chắc hẳn sẽ luôn được bồi đắp dày thêm với sự vận động, chuyển mình không ngừng của mình.

Thông qua nghệ thuật biểu diễn thực cảnh, khán giả đã được hiểu biết một cách sinh động về vùng đất và con người di sản phố cổ Hội An. Chia sẻ về chương trình “Ký ức Hội An”, Biên đạo múa - Giảng viên Thanh Hằng cho biết: “Biểu diễn thực cảnh luôn đòi hỏi sự chuẩn bị rất tỉ mỉ, công phu, nên chúng tôi phải lập kế hoạch rất cụ thể cho từng giai đoạn: giai đoạn cơ bản, giai đoạn tập luyện nhóm, giai đoạn kết nối hợp thành và giai đoạn thực địa sân khấu. Về chuyên môn, các diễn viên chọn lọc từ ba miền Bắc - Trung - Nam phải đáp ứng nghiêm túc mọi yêu cầu chương trình đặt ra cho khâu vũ đạo. Từ tư thế, điệu bộ cho đến phong cách biểu diễn của nhân vật, tất cả phải làm bật lên được hình ảnh, hình tượng, dòng thời gian, không gian, thời điểm lịch sử... mà vở diễn muốn tái hiện một cách sinh động nhất”.

Chú thích ảnh
“Ký ức Hội An” là chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Chú thích ảnh
Tái hiện cuộc sống của người dân phố cổ Hội An cách đây nhiều thế kỷ.
Chú thích ảnh
Câu chuyện về phố cổ Hội An được tái hiện một cách sinh động qua “Ký ức Hội An”.
Chú thích ảnh
Những cô gái mặc áo dài trong “Ký ức Hội An” là hình ảnh ước lệ tượng trưng cho dòng chảy thời gian trên vùng đất di sản Hội An.
Chú thích ảnh
Phố cổ Hội An như một điểm nhấn trong dòng chảy giao lưu văn hóa đô thị đặc sắc, giữa Đông - Tây theo đường hải hành.
Chú thích ảnh
“Ký ức Hội An” đã miêu tả quá trình hội nhập với thế giới lấy văn hóa Việt làm trung gian dung hòa và phát triển ở Hội An.

 

“Ký ức Hội An” là chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay với không gian biểu diễn trải rộng 25.000m2 bao gồm những công trình kiến trúc đặc trưng phố Hội, thuyền bè, sông nước và hệ thống âm thanh, hiệu ứng ánh sáng tối tân phục vụ cho biểu diễn. Các điển tích tình yêu, các câu chuyện thời cuộc được kể bởi nghệ thuật biểu diễn đỉnh cao của gần 500 diễn viên. Hơn 100 cô gái mặc áo dài bước đi trên sân khấu sẽ là ngôn ngữ kể chuyện chính, là hình ảnh ước lệ tượng trưng cho dòng thời gian biến chuyển. Dự kiến, mỗi suất diễn “Ký ức Hội An” sẽ phục vụ khoảng 3.300 khán giả là du khách trong và ngoài nước.
Ra mắt chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh 'Ký ức Hội An'

Ra mắt chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh 'Ký ức Hội An'

Thành phố Hội An, ngày 18/3/2018, chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” chính thức được ra mắt khán giả. Đây là sự kiện đặc biệt ý nghĩa, góp phần đáng kể vào công tác bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch phố Hội.

Thu Hà

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến