(Thethaovanhoa.vn) - Tối 20/7, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Trị - Số 1A đường Hùng Vương, phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra Lễ Khai mạc Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh 2019 do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị và các đơn vị liên quan tổ chức. Lễ Khai mạc được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Trị.
Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh (9/7/1968 – 9/7/2018), sáng 9/7, tại Nghệ An, Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo “Chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh: Tầm vóc và bài học lịch sử”. Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội thảo.
Đã trở thành thông lệ và qua nhiều lần đổi tên, năm nay, Tiếng hát Đường 9 Xanh đã trở lại đúng với tên gọi đầu tiên. Thành phố Đông Hà, Quảng Trị - “khúc ruột” miền Trung trong cái nắng chói chang cũng không ngăn nổi khí thế của 10 đơn vị nghệ thuật trên khắp mọi miền đất nước với hơn 700 nghệ sĩ, diễn viên đã hội tụ về mảnh đất này trong những ngày tháng 7 lịch sử.
Đến dự Lễ Khai mạc, về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có: NSND Nguyễn Quang Vinh – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan; NSND Ứng Duy Thịnh – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam. Về phía tỉnh Quảng Trị, có: Ông Nguyễn Đăng Quang – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Ông Hồ Đại Nam – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Trị, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cùng đông đảo bà con nhân dân trong tỉnh.
Phát biểu Khai mạc Liên hoan của Trưởng Ban Tổ chức - NSND Nguyễn Quang Vinh về mong muốn tiếp tục duy trì, phát triển dòng âm nhạc cách mạng trong giai đoạn nghệ thuật thị trường đang có dấu hiệu chiếm lĩnh đời sống xã hội đồng thời khuyến khích các nghệ sĩ trên toàn quốc tiếp tục đầu tư tâm huyết cho dòng nghệ thuật ca múa nhạc cách mạng; sáng tác và biểu diễn các tác phẩm mới về đề tài đấu tranh cách mạng, ca ngợi công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong quá khứ và hiện tại với phong cách mới, phù hợp với thẩm mỹ nghệ thuật của khán giả hôm nay và cũng là dịp để lớp khán giả trẻ sinh ra và trưởng thành trong hoà bình được ôn lại quá khứ bi hùng của dân tộc thông qua tác phẩm nghệ thuật, xây đắp thêm niềm tự hào về quá khứ ông cha, từ đó cùng chung sức chung lòng, cống hiến nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt lãnh đạo Tỉnh, ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Trị đã phát biểu chào mừng: “Sự có mặt của toàn thể quý vị đại biểu, của các đoàn nghệ thuật quốc tế và trong nước hôm nay thực sự là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đối với quê hương Quảng Trị thân yêu trên bước đường phát triển và hội nhập” đồng thời chúc thành công gửi tới các lãnh đạo, các nhà quản lý, các nghệ sĩ, diễn viên trong những ngày giao lưu trên mảnh đất Quảng Trị.
Hội đồng Nghệ thuật của Liên hoan lần này là những nhà quản lý, nghệ sĩ nổi tiếng của cả 3 lĩnh vực ca – múa – nhạc, gồm: TS. NSƯT Quốc Hưng, Trưởng Khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng; các ủy viên: Nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam, NSND Thu Hiền - Nguyên Trưởng đoàn ca nhạc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, NSND Hà Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh và Nhạc sĩ Lê Quang.
Ngay sau Lễ Khai mạc là chương trình mở màn của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội với chủ đề “Bản hùng ca giữ nước” được xây dựng thành một trường ca liền mạch, xuyên suốt vô cùng hào hùng nhưng cũng không kém phần khốc liệt từ thủa Văn Lang dựng nước, Thánh Gióng đánh giặc, thời nhà Trần oanh liệt, vua Quang Trung đại phá quân Thanh để giành Đất Việt trường tồn trước vó ngoại xâm (phần 1).
Tiếp đến là thời lịch sử hiện đại gắn liền với công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ của những người anh hùng “đứng lên từ bùn đất” đã lập nên những chiến thắng vang dội Điện Biên hay trên dải đường Trường Sơn “hỏa tuyến” trong Tượng đài của thế kỷ XX (phần 2). Và cuối cùng là Khát vọng hòa bình (phần 3) trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay trước “thế trận lòng dân” quyết bảo vệ, giữ gìn biên giới, biển đảo quê hương và một niềm tin vào tương lai tươi đẹp với sự kế thừa và phát triển những giá trị mà thế hệ cha ông đã để lại, đem “lời ca nâng bước quân hành”…
Các đơn vị thi diễn tiếp sau lần lượt là: Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang, Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Trị, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Kon Tum, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh Tiền Giang, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trong các buổi: sáng từ 9h30 và tối từ 20h00 các ngày 21 đến ngày bế mạc 25/7. Đêm bế mạc sẽ có sự tham dự giao lưu với tư cách khách mời của các đoàn nghệ thuật đến từ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia.
Cũng trong khuôn khổ hoạt động của Liên hoan, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Cung đường huyền thoại” sẽ công diễn vào 20h ngày 26/7 tại Quảng trường Nghĩa trang Đường 9 Khe Sanh với ý nghĩa tri ân các anh hùng liệt sĩ, có sự tham gia, dàn dựng, biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng do NSND Nguyễn Quang Vinh làm Tổng đạo diễn.
Chương trình dự kiến được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị.
PV