(Thethaovanhoa.vn) - Tại Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội; đánh giá kết quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2019 do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến tiếp tục băn khoăn về phương án tổ chức đối với một trong những lễ hội “điểm nóng”: Hội Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ).
Tại Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội; đánh giá kết quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2019 do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến tiếp tục băn khoăn về phương án tổ chức đối với một trong những lễ hội “điểm nóng”: Hội Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ).
Cho đến thời điểm này, loay hoay vẫn là tình thế của chính quyền địa phương khi vẫn tiếp tục phải bàn thảo với cộng đồng để tìm giải pháp tổ chức lễ hội năm 2020.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Phan Văn Ngọc, sau một năm triển khai Nghị định 110 dù đã có nhiều chuyển biến nhưng với các lễ hội còn tiềm ẩn những nguy cơ như lễ hội Cầu trâu xã Hương Nha, xã Xuân Quang và đặc biệt là hội Phết, xã Hiền Quan. Lãnh đạo huyện vẫn đang phải tập trung chỉ đạo, tìm giải pháp. Mùa lễ hội xuân 2019, hội Phết Hiền Quan là một trong những lễ hội thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận khi cam kết của BTC về phương án bảo vệ an ninh trật tự, không để xảy ra các hiện tượng phản cảm, chen lấn, xô đẩy... đã không thành hiện thực. Lãnh đạo huyện Tam Nông cho hay, đến thời điểm hiện tại, địa phương vẫn đang bàn thảo với cộng đồng để tìm giải pháp cho mùa lễ hội tới. Nhưng phải thú thực là rất khó.
Cũng theo ông Phan Văn Ngọc, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hiền Quan xây dựng kế hoạch, đề án đổi mới phần đánh phết. Nhưng từ năm 2016-2019, nội dung này vẫn liên tục bị “vỡ trận” mặc dù đã có nhiều phương án được đưa ra. Cảnh tượng hỗn loạn, chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau gây phản cảm, mất an ninh trật tự, vi phạm quy định tại Nghị định 110 vẫn diễn ra. Mặc dù trong các phương án xây dựng cũng đã có nhiều nội dung được thay đổi, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh nhưng do phần đánh phết là một nội dung đã ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng nên khi quả phết được đưa ra, chỉ sau khoảng 20-30 phút là nhân dân và du khách lại ùa vào tranh cướp, dẫn đến cảnh hỗn loạn, phản cảm.
Mặc dù rất mong muốn có được một phương án lý tưởng để tổ chức một mùa lễ hội êm ả nhưng với thực tế hiện nay, lãnh đạo huyện Tam Nông thừa nhận vẫn chưa chốt được phương án cuối cùng . Khả năng lại tiếp tục “vỡ trận” khi đánh phết cũng là một tình huống mà các nhà quản lý không thể không nghĩ đến nếu vẫn chưa có được một giải pháp mang tính bước ngoặt.
Cũng có thể nói văn bản yêu cầu dừng đánh phết mà chính quyền địa phương huyện Tam Nông ban hành mùa lễ hội vừa qua là một quyết định mạnh bạo, quyết liệt. Tuy nhiên, cũng chính từ đây, chính quyền địa phương đã vấp phải một hàng rào khác là sự phản ứng từ cộng đồng. Phó Chủ tịch huyện Tam Nông Phan Văn Ngọc cho biết, UBND huyện đã phối hợp với Sở VHTTDL tổ chức một hội nghị nghe UBND xã Hiền Quan báo cáo kế hoạch tổ chức lễ hội năm 2020. Theo đó, UBND xã này vẫn không xây dựng được phương án mới. Việc vẫn theo phương án của những năm trước khiến cho lo ngại không thể đảm bảo an ninh, an toàn tiếp tục được đặt ra.
“Các đại biểu dự hội nghị thống nhất để UBND xã Hiền Quan tiếp tục xin ý kiến các ngành, nhân dân để nghiên cứu, xây dựng phương án mới cho mùa lễ hội năm 2020. Nếu UBND xã Hiền Quan không xây dựng được phương án mới đảm bảo quy định, huyện Tam Nông sẽ đề xuất chuyển đổi hình thức tổ chức phần đánh phết. Theo đó, năm 2020, không tổ chức đánh phết như các năm mà chuyển sang trưng bày phết, giới thiệu về truyền thống luyện quân của Nữ tướng Thiều Hoa xưa kia. Đồng thời để nhân dân và du khách chạm phết lấy may như cách mà xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã làm…”, theo lãnh đạo huyện Tam Nông.
Ông Phan Văn Ngọc khẳng định thêm, để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội theo đúng Nghị định 110, huyện Tam Nông sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc nội dung Nghị định để các địa phương hiểu và nghiêm túc chấp hành. Việc UBND xã Quan không có phương án mới có thể sẽ tiếp tục dẫn đến việc dừng nội dung đánh Phết năm 2020 để xem xét chuyển đổi hình thức, phù hợp với nét văn hóa đương đại.
Như vậy, những nan giải ở lễ hội Hiền Quan có thể nói vẫn đang là một trong những bài toán phức tạp nhất đặt ra đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội cho mùa 2020. Lựa chọn “có” hoặc “không” tổ chức, nếu tổ chức thì theo phương án nào… vẫn là câu hỏi đang được đặt ra cho các nhà quản lý.
Theo Báo Văn hóa