(Thethaovanhoa.vn) – Viện Hàn lâm Thụy Điển, tổ chức quyết định người thắng cuộc Nobel Văn học cho biết sẽ không trao giải trong năm 2018 mà thay vào đó, tập trung vào cải tổ nội bộ để khôi phục danh tiếng sau những cáo buộc về quấy rối tình dục và rò rỉ thông tin.
Những vụ bê bối đang đe dọa tới tín nhiệm của giải Nobel Văn học và thu hút sự chú ý chưa từng có tới Viện Hàn lâm Thụy Điển, tổ chức luôn giữ bí mật lý do họ chọn những người chiến thắng và thường khiến người yêu văn chương khắp thế giới bối rối.
Tâm điểm của vụ việc là loạt cáo buộc quấy rối và tấn công tình dục chống lại Jean-Claude Arnault, nhiếp ảnh gia và là nhân vật văn hóa tiếng tăm ở Thụy Điển, chồng nhà thơ đồng thời là thành viên Viện Katarina Frostenson. Ông này cũng bị cáo buộc rò rỉ tên nhiều người thắng cuộc trước khi Viện có thông báo chính thức. Arnault phủ nhận tất cả các cáo buộc.
Các công tố viên vẫn đang tiếp tục điều tra và tháng trước, đã ra quyết định loại bỏ những cáo buộc trong thời gian từ tháng 3/2013 tới 4/2015 vì thiếu bằng chứng và đã qua thời hạn truy tố.
Cáo buộc của 18 phụ nữ chống lại Arnault lần đầu được công khai qua tờ Dagens Nyheter của Thụy Điển hồi tháng 11 năm ngoái. Tờ này cũng cho biết Viện đã tổ chức điều tra nội bộ trước cáo buộc Arnault bảy lần rò rỉ thông tin người chiến thắng giải Nobel Văn học, bao gồm Bob Dylan năm 2016 cũng như Jean-Marie Gustave Le Clezio năm 2008 và Harold Pinter năm 2005.
Tháng trước, Viện cũng thừa nhận nhiều cái tên bị rò rỉ nhưng không nói rõ cụ thể là ai và nguồn rò rỉ từ đâu.
Sau khi cắt đứt quan hệ với Arnault, Viện tổ chức bỏ phiếu quyết định có nên khai trừ Frostenson khỏi tổ chức trước những cáo buộc về xung đột lợi ích và tiết lộ tên người thắng cuộc cho chồng, người có thể đã rò rỉ nó.
Kết quả, Frostenson được phép ở lại, khiến ba trong số 18 thành viên Viện từ chức để phản đối. Trong những tuần tiếp theo, ba người nữa, trong đó có cả thư ký thường trực Viện, Sara Danius và bản thân Frostenson, cũng rút lui.
Tám thành viên Viện trong bức thư gửi báo chí cho biết lý do họ bỏ phiếu không khai trừ Frostenson vì các bằng chứng, trong đó một số từ nguồn vô danh, không đủ thuyết phục.
Frostenson cho tới nay vẫn chưa đưa ra bình luận về vụ bỏ phiếu và các cáo buộc chống lại bà.
Vua Thụy Điển đã đích thân tiến hành cải tổ Viện, tổ chức do vua Gustav III thành lập năm 1786 và ông là người bảo trợ chính thức.
Các thành viên Viện được bổ nhiệm trọn đời và không có quy định chính thức cho phép họ từ chức. Điều này có nghĩa là không thể thay thế sáu người mới rút lui. Tuần này, vua Carl XVI Gustaf đã sửa đổi các nguyên tắc của Viện, cho phép các thành viên từ chức. Ngoài ra, những thành viên không tham gia vào công việc chung của Viện trong hai năm cũng bị coi là từ chức. Các thay đổi khác cũng đang được cân nhắc.
Liên quan tới quyết định hoãn trao giải năm 2018, Viện cho biết họ đã bắt đầu một dự án lớn để thay đổi thể thức hoạt động trong khi vẫn tôn trọng truyền thống. Bên cạnh quyền từ chức, các thủ tục xử lý khủng hoảng và bí mật thông tin cũng được tăng cường. Viện cũng sẽ hiện đại hóa việc truyền thông ra bên ngoài.
Với việc hoãn trao giải Nobel Văn học năm nay, tức là, sẽ có hai tác giả thắng giải Nobel được công bố trong năm 2019. Trước đây, giải cũng từng hoãn hoặc hủy vài lần, như trong Thế chiến II. Lần hoãn gần nhất là lần trao giải cho nhà văn Mỹ William Faulkner, người nhận giải thưởng năm 1949 vào năm 1950.
Rủi ro lớn nhất hiện giờ là danh tiếng của giải, vốn lâu nay được coi là danh hiệu quốc tế quan trọng nhất trong giới văn chương. Quỹ Nobel, đơn vị quản lý di sản của Alfred Nobel, cho biết khủng hoảng của Viện đã gây “ảnh hưởng bất lợi” tới giải Nobel nói chung.
#MeToo, phong trào vì nạn nhân tình dục, đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trên toàn thế giới. Mọi người đã cảm thấy rất sốc khi hàng loạt những tượng đài một thời bỗng lộ nguyên hình là “yêu râu xanh”. Thế nhưng, vụ phanh phui gần đây ở Viện Hàn lâm Thụy Điển vẫn khiến người hâm mộ choáng váng.
Thư Vĩ (Theo Reuters)