Họa sĩ Lê Thiết Cương: Đừng nhìn tranh, ảnh khỏa thân bằng con mắt dung tục

Thứ Ba, 31/10/2017, 6:42 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Lần lượt 2 triển lãm tranh và ảnh nude được cấp phép “danh chính ngôn thuận” trong năm 2017Nhưng phía sau cánh cửa đầu tiên đã được mở ra ấy, còn khoảng tối nào mà đề tài khỏa thân vẫn đang và sẽ tiếp tục đối mặt?

Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lê Thiết Cương để làm rõ hơn vấn đề này.

“Đề tài khỏa thân hiện nay vẫn chưa được các nhà quản lý cũng như công chúng nhìn nhận một cách đúng đắn và công bằng trong sự bình đẳng như bao đề tài khác”, họa sĩ Lê Thiết Cương mở đầu.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Lê Thiết Cương

Chỉ nên từ chối cấp phép khi không đảm bảo chất lượng

*Anh có thể nói rõ hơn về sự thiếu công bằng này không?

- Khỏa thân là một đề tài xuyên suốt trong nghệ thuật. Trên thế giới, đề tài này đã có truyền thống từ hội họa Phục Hưng, điển hình là qua các kiệt tác của Michelangelo (Tượng David, trần nhà nguyện Sistine),…

Ngay tại Việt Nam cũng không thiếu. Trên nắp thạp đồng Đào Thịnh thuộc nền văn hóa Đông Sơn có tượng 4 đôi đang làm tình, đình Phù Lão (Bắc Giang) chạm trổ cảnh ân ái… Thậm chí hội họa khỏa thân còn xuất hiện cả trong thơ Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương hay thơ Hàn Mạc Tử.

Không nên nhìn tranh hay ảnh khỏa thân bằng con mắt “trần trụi”, dung tục. Hãy xem nó như một đề tài của mỹ thuật với các giá trị riêng như bao đề tài khác.

Chú thích ảnh
Tác phẩm chạm trổ cảnh ân ái ở đình Phù Lão, Bắc Giang

*Có nghĩa, việc tranh ảnh khỏa thân vẫn chưa được “rộng đường” nằm ở cái nhìn của người có trách nhiệm cấp phép?

- Trong quy định của Bộ Văn hóa không hề có quy định cấm cấp phép triển lãm tranh, ảnh khỏa thân. Nhưng, thực tế từ trước đến nay các nhà quản lý văn hóa vẫn còn e dè vì sợ  sự phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục. Thật ra, không thể coi là vi phạm thuần phong mỹ tục được - khi chứng tích nghệ thuật của cha ông ta để lại đã có những tác phẩm như vậy.

Theo tôi, chỉ nên từ chối cấp phép với trường hợp tranh, ảnh khỏa thân không có tính mỹ thuật cao. Để làm được điều này thì cần có hội đồng thẩm định với đủ kiến thức chuyên môn.

*Anh có nhận xét gì về triển lãm tranh Phượng” và triển lãm ảnh Tạo tác” của Hạo Nhiên - 2 triển lãm đầu tiên về đề tài khỏa thân đã được cấp phép trong năm nay?

- Thực tế 2 triển lãm trên khi tổ chức vẫn phải “lách” một chút. Triển lãm Phượng đã thay đổi tên cũ từ Nghệ thuật hội họa khỏa thân. Còn khỏa thân như trong Tạo tác của nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên thì chưa đủ để coi là ảnh khỏa thân thực sự.

Cái đóng góp rõ ràng nhất của 2 triển lãm này là đã phá đi “bức tường” của lần đầu tiên. Nhờ đó mà việc cấp phép từ nay trở đi theo tôi sẽ dễ dàng hơn. Nhưng cũng phải cẩn thận, vì khi chưa được triển lãm ai cũng nghĩ tranh, ảnh nude của mình đẹp, hay. Đến khi được triển lãm rộng rãi rồi thì chưa chắc.

Chú thích ảnh
Cảnh nam nữ khoả thân được khắc chạm trong đình Phù Lão

Tính dục không thể thiếu trong nghệ thuật khỏa thân

*Nhắc đến sự dung tục, anh quan niệm thế nào về tính dục trong tranh ảnh khỏa thân?

- Họa sĩ hay nhiếp ảnh gia khi đứng trước người mẫu khỏa thân mà không có nhục cảm thì không thể vẽ hay chụp đẹp được. Nhưng cái tài của người nghệ sĩ là phải biết "phiên dịch" cái nhục cảm ấy trở thành mỹ cảm vào trong tác phẩm. Nếu tranh, ảnh nude mà không có tính dục, nhìn vào chỉ thuần trong sáng thì theo tôi đó là thất bại hoàn toàn. Bởi mỗi đề tài, thể loại lại có đặc thù riêng. Tính dục là đặc thù của nghệ thuật khỏa thân.

*Anh từng nhắc đến dự định tổ chức một triển lãm tranh khỏa thân tập hợp các họa sĩ từ Bắc đến Nam. Anh đã có kế hoạch gì cho dự định này?

Trước triển lãm như tôi chia sẻ đó, tôi muốn làm 1 buổi triển lãm tiền đề với cái tên dự kiến: Lịch sử nghệ thuật khỏa thân của người Việt.

Trong đó tôi sẽ tập hợp, trưng bày mẫu ảnh chụp hoặc hiện vật (nếu có thể) về những “phiên bản” nghệ thuật khỏa thân trong lịch sử người Việt như thạp đồng Đào Thịnh, những mảng phù điêu ở đình Chu Quyến (Ba Vì) mô tả cảnh tắm sen, đĩa gốm Chu Đậu từ thế kỉ 15 có hình cô gái đang tắm,… Nếu làm có lẽ cũng phải 1-2 năm nữa mới thực hiện được.

*Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Không chỉ với hội họa khỏa thân mà bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác, theo tôi công chúng cần chủ động trang bị cho mình nền tảng kiến thức để thưởng thức tác phẩm một cách đúng đắn và trọn vẹn nhất. (họa sĩ Lê Thiết Cương)

Bộc trực như Lê Thiết Cương

Lê Thiết Cương, sinh năm 1962, là họa sĩ, giám tuyển nổi tiếng. Anh tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1987 và rất nhiều triển lãm cả trong và ngoài nước kể từ đó đến nay.

Lê Thiết Cương gây dấu ấn trong giới nghệ sĩ không chỉ bởi sự tài hoa mà còn ở tính cách thẳng thắn, bộc trực. Anh là chủ nhân Galery 39 Lý Quốc Sư, nơi tổ chức các cuộc triển lãm và điểm tụ họp nổi tiếng của giới văn nghệ sĩ Hà Thành.

Lê Thiết Cương mở triển lãm để thức tỉnh các làng nghề

Lê Thiết Cương mở triển lãm để thức tỉnh các làng nghề

Không phải là những bức tranh mà là cuộc trưng bày những tác phẩm design, họa sĩ Lê Thiết Cương muốn khán giả đến với mình trong một diện mạo khác tại triển lãm 'Múa đôi – Duo Design'.

Hà My

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến