(Thethaovanhoa.vn) - UBND thành phố Hà Nội vừa công bố dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Một trong những điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt là quy định ứng xử văn hóa, không nói tục, chửi bậy, ăn mặc phản cảm...
Điều này nhằm gìn giữ, phát huy hiệu quả một trong những không gian văn hóa tiêu biểu của Thủ đô, đưa nơi đây trở thành mẫu mực về ứng xử thanh lịch, văn minh, nơi tôn vinh, quảng bá những giá trị ngàn năm của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.
Sau ba năm triển khai thí điểm, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã được thành phố Hà Nội đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 1/1/2020 và ngày càng trở thành một thương hiệu, nơi thu hút hàng vạn du khách và người dân tới vui chơi, trải nghiệm vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, việc triển khai không gian đi bộ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Ùn tắc giao thông; kinh doanh, dịch vụ lộn xộn; biểu diễn nghệ thuật tự phát; lời nói, hành vi ứng xử chưa phù hợp...
Mở cửa trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thu hút đông đảo công chúng và du khách đến vui chơi, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Cùng với sự trở lại của không gian đi bộ, người dân dành nhiều sự quan tâm tới việc thành phố lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, trong đó có những quy định về cung cách ứng xử, phát huy hiệu quả không gian văn hóa tiêu biểu của Thủ đô.
Cụ thể, ngay tại Mục 1, Điều 4, Chương 2 của dự thảo Quy chế có yêu cầu, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tại không gian đi bộ “thực hiện nếp sống văn minh, quy tắc ứng xử nơi công cộng, có thái độ ứng xử văn hóa...”. Điều này nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân.
Khi các quy định này được ban hành, quận Hoàn Kiếm, sẽ niêm yết ở nơi dễ thấy, dễ đọc; đồng thời, tăng cường phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát thường xuyên, kịp thời nhắc nhở, xử lý những vi phạm, từng bước đưa không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trở thành không gian mẫu mực về văn hóa ứng xử, nơi tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa của Thủ đô.
Các quy định ở đây được hiểu là lời nói, hành vi phù hợp với hoàn cảnh, chẳng hạn không thể có lời nói suồng sã, thiếu tôn trọng nhau hay mặc quần, áo phản cảm mặc đồ ngủ như trong phòng riêng... thậm chí cởi trần khi ra nơi công cộng. Nếu mỗi người đều ý thức đúng về chuẩn mực chung và với tinh thần “ăn cho mình, mặc đẹp cho người khác”, nơi công cộng sẽ đẹp hơn, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận ra đời nhằm chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế nêu trên. Dự thảo gồm 4 chương, 24 điều, quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong không gian đi bộ cũng như nguyên tắc, nội dung quản lý, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý toàn diện hoạt động tại khu vực này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, không gian đi bộ ra đời nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa của Thủ đô, trong đó có những nét đẹp trong cung cách ứng xử thanh lịch, văn minh. Mục tiêu này sẽ khó thành hiện thực, nếu xuất hiện những lời nói, việc làm đi ngược lại tiêu chí văn hóa. Để phát huy hiệu quả, thành phố Hà Nội nên có một bộ nhận diện về lời nói, hành động để căn chỉnh.
Thảo Vy