(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều năm qua, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã có những hỗ trợ cho người dân Làng cổ Đường Lâm làm du lịch. Nhiều hộ gia đình phát huy được giá trị di tích, tổ chức các dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách du lịch, tăng thêm thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương... Thông tin này được khẳng định tại Hội thảo "Phát triển du lịch Làng cổ Đường Lâm" do UBND thị xã Sơn Tây tổ chức chiều 22/11.
Mâu thuẫn giữa bảo tồn và nhu cầu cuộc sống người dân tại di tích làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) chưa bao giờ vơi, bởi đây là di tích “sống” với gần 1.500 hộ dân và hơn 6.000 nhân khẩu đang hàng ngày sinh sống, tạo ra sức ép lớn đối với di sản.
Thời gian qua, Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm (thuộc UBND thị xã Sơn Tây) thường xuyên phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam, các công ty lữ hành trong và ngoài nước tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân tại Làng cổ về cách làm các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, triển khai mô hình dịch vụ, du lịch homestay tới các gia đình có nhà cổ. Bước đầu, nhiều hộ triển khai dịch vụ du lịch, có thu nhập ổn định. Đến nay, Đường Lâm có trên 100 hộ tại 5 thôn làm dịch vụ du lịch, tham gia tạo các sản phẩm phục vụ du khách.
Nhằm khuyến khích và hướng dẫn các hộ dân phát triển các mô hình dịch vụ, du lịch cộng đồng, Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm phối hợp với chuyên gia Nhật Bản và các chuyên gia trong nước, công ty du lịch hướng dẫn, giúp đỡ các hộ dân phát triển các sản phẩm du lịch cung cấp cho du khách. Ban Quản lý còn phối hợp với Trung tâm Phát triển du lịch bền vững tổ chức dạy người dân làm cơm chay, làm con giống bằng rơm bán cho du khách, hướng dẫn các hộ dân tại di tích phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, gắn du lịch với phát triển các sản phẩm nông nghiệp như: Trồng rau, hái chè, bắt cá… thu hút đông đảo du khách tham gia. Đơn vị này còn phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) giúp 3 hộ dân tại thôn Cam Lâm phát triển sản phẩm bánh chè xanh, đem lại thu nhập ổn định hàng tháng trên 3 triệu đồng/hộ. Đồng thời, phối hợp với một số tổ chức giúp 6 hộ dân thực hiện đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì cho các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất tương, bánh kẹo tại di tích và hỗ trợ đăng ký kinh doanh cho hộ ông Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Hiền.
Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm đã phối hợp và duy trì tốt mối quan hệ hợp tác với JICA, trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), Tổ chức hợp tác quốc tế vùng Ile - de - France - Cộng hòa Pháp để tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong việc quảng bá, giới thiệu di tích Làng cổ Đường Lâm, sự giúp đỡ tư vấn về kỹ thuật trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm còn tổ chức 5 đợt cho các hộ gia đình tham quan, tìm hiểu các mô hình phát triển du lịch tại làng gốm Bát Tràng; khu du lịch Bản Lác - Hòa Bình; thôn Bái Thượng, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội... Qua các đợt tham quan này, nhiều hộ dân đã học tập và triển khai thực hiện tại di tích Làng cổ Đường Lâm như các hộ: Ông Nguyễn Văn Hùng, ông Nguyễn Văn Vững, bà Nguyễn Thị Thu... bước đầu đã thu được hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.
Thị xã Sơn Tây và xã Đường Lâm đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, giải quyết được nhiều vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm. Đồng thời, xây dựng các tour, tuyến tham quan tại Làng cổ gắn với các di tích trên địa bàn thị xã và các vùng phụ cận. Trong 6 năm gần đây, lượng khách đến với di tích Làng cổ Đường Lâm đạt khoảng 90 vạn lượt khách, thu phí đạt gần 14 tỷ đồng.
Theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, lượng khách đến với Làng cổ Đường Lâm đạt khoảng 15 vạn khách mỗi năm, còn hạn chế so với tiềm năng Làng cổ. Điểm đến du lịch Làng cổ Đường Lâm là du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, do vậy, cộng đồng là chủ thể, phát triển du lịch cần phải gắn với cộng đồng. Trong chiến lược phát triển du lịch của Làng cổ, thành tố quan trọng nhất là người dân tham gia thế nào. Khi đã xác định được vị trí của người dân và hướng phát triển phù hợp, du lịch Làng cổ Đường Lâm mới có sự bền vững.
Khánh Vy