(Thethaovanhoa.vn) - Hiện tượng tranh cướp lộc trong ngày khai hội, xô xát nhau dẫn đến thương tích, chặt chém, lừa đảo… hầu như không còn tồn tại trong các lễ hội song việc đảm bảo cho một mùa hội an toàn, văn minh, giàu bản sắc truyền thống vẫn luôn được Hà Nội đặt ra trong năm 2019. Bởi với trên 1.000 lễ hội lớn, nhỏ trải khắp các quận, huyện, kéo dài nhiều tháng, công tác tổ chức, quản lý lễ hội đối với Hà Nội không đơn giản.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1793/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019.
Để không còn những hình ảnh phản cảm
Trong số các lễ hội lớn, nhỏ tổ chức vào đầu Xuân ở Hà Nội, có lẽ người ta quan tâm nhiều nhất đến Lễ hội Chùa Hương. Bởi lễ hội này mang tầm quy mô quốc gia, kéo dài tới ba tháng, thu hút hàng triệu du khách trẩy hội. Tuy nhiên, lễ hội Chùa Hương cũng đặt ra nhiều vấn đề về việc “cò” vé xuồng đò, an toàn thực phẩm, văn minh nơi thờ tự…
Mùa lễ hội năm 2019, Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương không bố trí điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân di tích. Nếu trước kia, người đi hội phàn nàn về việc các quầy hàng ăn uống treo thực phẩm tươi sống phản cảm, mùa lễ hội này Ban tổ chức cấm quảng cáo, tổ chức dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội. Các hộ phải có tủ bảo quản thực phẩm, không treo móc thịt trong tủ và ngoài cửa hàng gây phản cảm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, năm nay, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cố tình ép giá, ép khách, nhũng nhiễu đòi tiền bồi dưỡng. Lực lượng chức năng cũng kiểm tra, quản lý chặt chẽ vé thắng cảnh, xử lý trường hợp tranh giành, dẫn khách trốn vé...
Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn cũng được biết đến với tục cướp lộc tồn tại nhiều năm nay gây những hình ảnh phản cảm khi mọi người tranh giành cướp lộc, đánh nhau gây thương tích. Từ lễ hội năm trước, thay bằng việc để cướp lộc tập trung ở đền Thượng (đối với lộc hoa tre), đền Mẫu (đối với lộc trầu cau), Ban tổ chức đã chia nhỏ lộc để tán lộc tránh tình trạng lộn xộn.
Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sóc Sơn cho biết, sau khi thay đổi hình thức tán lộc tại lễ hội năm ngoái, nhiều người đã ủng hộ, trong đó phải kể tới sự đồng thuận của cộng đồng dân cư tham gia thực hành nghi lễ, năm nay Ban tổ chức lễ hội vẫn tiếp tục duy trì hình thức này. Công an huyện Sóc Sơn cũng xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trong các ngày diễn ra lễ hội, có phương án tổ chức bảo vệ đoàn rước hoa tre thôn Vệ Linh và trầu cau thôn Đan Tảo theo đúng nghi thức, xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự công cộng. Đồng thời, đảm bảo an toàn giao thông, có phương án chống cướp giật trên núi đảm bảo an toàn cho khách về dự lễ hội.
Tôn nghiêm tại không gian lễ hội
Phát huy và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, phù hợp với thuần phong mỹ tục, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân là mục đích hướng tới tại các lễ hội. Không thể phủ nhận, một số lễ hội bị thương mại hóa, nhiều nghi thức bị biến dạng đang mất dần bản sắc văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị gốc của lễ hội đang được các địa phương và ngành văn hóa định hình lại, vừa đảm bảo tính trang trọng, vừa giữ được truyền thống văn hóa.
Năm 2019 tròn 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, quận Đống Đa sẽ tổ chức trọng thể lễ hội kỷ niệm sự kiện này với các hoạt động ý nghĩa tôn vinh công lao của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ đã chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn tiến công thần tốc, đánh tan hơn 20 vạn quân Mãn Thanh giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Bên cạnh nghi lễ tưởng niệm, chương trình khai mạc lễ hội là màn nghệ thuật giàu chất sử thi tái hiện chiến công của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ trong chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội là hoạt động dâng hương của nhân dân, khách thập phương cùng các hoạt động văn nghệ truyền thống, trò chơi dân gian.
Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn diễn ra trong 3 ngày từ ngày 10 – 12/2 (tức mùng 6 – 8 tháng Giêng) với nhiều nghi lễ truyền thống được trao truyền từ hàng trăm năm nay. Độc đáo nhất là phần rước lễ, tế lễ của các thôn làng trong ngày khai hội với nhiều nét đặc trưng được dân làng gìn giữ từ nhiều đời nay. Ngày kết thúc lễ hội được tổ chức với lễ tế kết thúc, nghi lễ hóa ngựa và voi thể hiện tâm nguyện của dân làng gửi tới Đức Thánh Gióng. Theo Ban tổ chức lễ hội, các nghi lễ tổ chức trang trọng, phần hội đa dạng, phát huy bản sắc văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của lễ hội Gióng đền Sóc.
Mùa lễ hội năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tăng cường công tác quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, cơ quan này phối hợp với các sở ban ngành thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh như: Lưu hành ấn phẩm văn hóa trái phép không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, các dịch vụ điện tử dùng loa có công suất lớn sẽ bị xử lý nghiêm. Đối với việc đặt tiền công đức, tiền lễ đúng quy định cũng sẽ bị nhắc nhở. Lực lượng chức năng cũng kiểm tra chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ.
Để đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, an toàn đồng thời bảo tồn được giá trị truyền thống, bên cạnh những giải pháp mạnh của cơ quan quản lý văn hóa, điều quan trọng hơn cả là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhân dân và khách thập phương, tạo tính bền vững trong tổ chức và quản lý lễ hội.
TTXVN/Đinh Thuận