Góc nhìn 365: Tết vẫn sẽ là Tết thôi

Thứ Ba, 7/12/2021, 6:49 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Các cơ quan chức năng vừa chính thức đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ về lịch nghỉ Tết nguyên đán 2022. Trong trường hợp được thông qua, kì nghỉ sẽ kéo dài 9 ngày, bao gồm 5 ngày nghỉ theo quy định và 2 dịp cuối tuần liền kề sau, trước.

Góc nhìn 365: Đừng để 'Tết này Covid xông nhà'

Góc nhìn 365: Đừng để 'Tết này Covid xông nhà'

Chúng ta chỉ còn hơn một tháng nữa là đón Tết Dương lịch, và năm nay, Tết Âm lịch cũng đến rất nhanh, đúng một tháng sau tết dương.

Nếu là vài năm trước, hẳn rất nhiều người sẽ hào hứng khi nghe thông tin về kỳ nghỉ Tết dài hơi như thế.

Nhưng, chữ “nếu” ấy phải đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa diễn ra. Khi đó, trong tâm thức của cộng đồng - đặc biệt là những công chức nhà nước -kì nghỉ Tết vẫn luôn được mong chờ theo hướng càng dài càng tốt, để kéo dài cái sự “vui như Tết” mà chúng ta thường nói.

Còn bây giờ, sau một năm mà rất nhiều người đã trải qua vài kỳ nghỉ bất đắc dĩ - và cũng khá dài ngày - vì bệnh dịch, dường như không phải ai cũng hào hứng với viễn cảnh được nghỉ 9 ngày Tết ấy.

“Nghỉ dịch đã dài, nghỉ Tết cũng dài để làm gì?” Tưởng là đùa, vậy nhưng những chia sẻ kiểu đó đã xuất hiện trên không gian mạng nhiều tới mức một vài nhà xã hội học phải đứng ra phản biện. Rằng, nghỉ dịch không phải là nghỉ Tết, và cũng không thể so sánh một “kỳ nghỉ” mà mỗi người phải tự thích ứng để làm việc tại nhà với chuỗi ngày Tết vốn gắn với phong tục, và cả quyền được nghỉ ngơi của người lao động.

Chú thích ảnh
Hoa đào Nhật Tân đỏ rực ngày cận Tết. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN

Rồi, cũng có cả những tính toán hài hước, rằng nếu Tết này về quê, người ta trải qua 2 ngày đi - về và 7 ngày cách ly (nếu đi từ vùng dịch) là “vừa khớp” 9 ngày. Rồi, có cả những chia sẻ, không hẳn hài hước, rằng sau một năm vất vả vì dịch bệnh, sẽ nhiều người muốn tăng thời gian làm việc trong quãng thời gian đó - cả vì thu nhập và cả vì muốn duy trì cảm hứng với mạch công việc đã bị gián đoạn vừa qua.

***

Người viết tin rằng, những băn khoăn, tranh luận kiểu ấy sẽ còn kéo dài vài tuần nữa, trước khi nó tự động biến mất trong dịp Tết về. Giống như thực tế suốt những năm qua, chúng ta vẫn sẽ có sự mâu thuẫn đáng yêu như thế: Than vãn, lo lắng, chán nản khi Tết đến - rồi lại ngậm ngùi khi chuỗi ngày ấy qua đi.

Bởi chắc chắn, dù ngày Tết của thế kỷ 21 có dần thay đổi so với truyền thống thế nào, chúng ta vẫn luôn biết cách tìm thấy niềm vui và động lực sống của mình từ nó. Bởi, đó không chỉ là chuỗi ngày nghỉ ngơi hay giải trí, mà còn là sự kiện gắn với cảm giác được sum họp vui vầy, được dành trọn tâm trí và thời gian cho gia đình, tổ tiên hay dòng tộc - điều không dễ gặp trong cuộc sống ngày thường.

Và nhìn theo cách ấy, chẳng có gì sai nếu nói rằng những người đã vất vả trên tuyến đầu chống dịch trong suốt một năm qua - cũng như những gia đình đã trải qua cảm giác chia ly, mất mát trong mùa dịch - đang rất cần những ngày nghỉ Tết như vậy để làm hành trang khởi đầu cho một năm 2022 mới.

Có nghĩa, dài - ngắn ở đây chỉ là tương đối, theo hoàn cảnh, cách nhìn và câu chuyện riêng của mỗi người. Thậm chí, trong một chừng mực, kỳ nghỉ Tết dài như vậy lại là cơ hội thuận lợi để mỗi người chủ động lên kế hoạch sử dụng quỹ ngày nghỉ ấy sao cho chủ động và hợp lý nhất, trong bối cảnh vẫn phải tuân thủ những yêu cầu về phòng chống dịch.

Sau một năm có nhiều đảo lộn vì bệnh dịch, ngày Tết đang đến gần, với những tâm sự rất khác nhau của mỗi người. Nhưng hãy tin chắc: Tết vẫn sẽ là Tết thôi!

Cúc Đường

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến