(Thethaovanhoa.vn) - Bằng sự nỗ lực và kiên trì của mình, Trần Tuyết Hàn (sinh năm 1996) đã phát triển đề tài tốt nghiệp tại trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM thành cuốn artbook về lịch sử triều Trần.
Gần 1 năm trước, ở mùa giải Dế Mèn lần 1, hai tài năng nhí là Cao Khải An (12 tuổi) với bản thảo truyện dài Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm và Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi) với chùm tranh về Covid-19 đã được vinh danh ở hạng mục Khát vọng Dế Mèn.
1. Cuốn artbook (sách nghệ thuật) của Tuyết Hàn có tên gọi Hành trình Đông A (NXB Kim Đồng, 2021), hiện được nhận được sự quan tâm của khá nhiều độc giả.
Trần Tuyết Hàn đã chia sẻ về ý tưởng thực hiện đồ án lịch sử triều Trần trong lời tự giới thiệu: “Khi gia đình có cơ duyên sở hữu một căn nhà cổ, tôi lại say mê những hoạ tiết cũ xưa tinh tế và mê hoặc. Mỗi khi ngắm nhìn những cột kèo, xà nhà, tôi lại tự hỏi những hoạ tiết ấy đến từ đâu, có hàm nghĩa gì, làm sao người xưa khéo tay như vậy? Lịch sử và văn hoá bắt đầu lôi cuốn mình theo cách giản dị như thế. Hàng ngày đi qua những con đường mang tên các vị anh hùng, các danh nhân văn hoá, các địa danh vẻ vang suốt ngàn năm lịch sử… tôi càng khao khát muốn tìm hiểu sâu hơn cội nguồn văn hoá của đất nước mình”.
Sau khi tham khảo về những sự kiện lịch sử như: Hội nghị Diên Hồng năm 1284, 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông… đến các nhân vật nổi tiếng của triều Trần như: Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Quốc Toản, nhà giáo Chu Văn An… trong các tài liệu, Trần Tuyết Hàn đã tái hiện lại kiến thức bằng nét vẽ theo phong cách khắc gỗ Việt Nam tinh tế trong từng chi tiết. Điều này giúp thông tin lịch sử “khô cứng” trở nên hấp dẫn, gần gũi và dễ nhớ hơn với các bạn trẻ.
“Sau khi bảo vệ bài tốt nghiệp, mình mong muốn đề tài này sẽ trở thành một sản phẩm thương mại để có thể tiếp cận với nhiều bạn trẻ hơn nên đã gửi bản thảo đến NXB Kim Đồng”– cô bật mí thêm – “May mắn là mình đã được các anh chị hỗ trợ, chỉnh sửa đồ án để xuất bản dưới dạng artbook bằng việc sắp xếp nội dung một cách khoa học, hợp lí hơn và tìm hiểu thêm nội dung, bổ sung chỉnh sửa hơn 60% đồ án hiện có”.
2. Bên cạnh đó, Tuyết Hàn còn tạo sợi dây kết nối giữa lịch sử với bạn đọc trẻ hôm nay để tác phẩm trở nên gần gũi hơn. Thế là câu chuyện nhân vật chính hoá thân thành nhân vật Đông A – hậu duệ đời thứ 40 của Trần tộc - nhờ có món bảo vật là sợi dây chuyền chạm khắc hình rồng thời Trần mà được “xuyên không” trở về quá khứ, tìm hiểu những trận đánh huy hoàng của quân dân nhà Trần, nững làng nghề nổi tiếng, những nét đặc sắc trong phong cách mĩ thuật…
“Điều khó khăn nhất khi thực hiện artbook là nhiều hình ảnh tư liệu hiện không còn, nên mình phải tốn nhiều thời gian, công sức tìm hiểu qua tư liệu hoặc qua thực tiễn điền dã để có phương án tạo hình tốt nhất” – Tuyết Hàn chia sẻ - “Nhưng để được chọn in vào sách thì mình còn phải diễn giải và thuyết phục được các anh chị biên tập viên, cả hai bên sẽ cùng kiểm tra, so sánh nhiều lần đảm bảo cung cấp thông tin chính xác nhất cho độc giả”.
Trong quá trình sáng tác, Tuyết Hàn cũng tập trung tả nét biểu cảm của từng nhân vật tuỳ theo tính cách, tình huống sự kiện lịch sử như: phong thái quyết đoán của một thái sư trong những ngày đầu lập nên nhà Trần của Trần Thủ Độ; Trần Quốc Toản có nét mặt cương trực khi bóp nát quả cam trong hội nghị Diên Hồng; nét từ bi của Phật hoàng Trần Nhân Tông; sự đoan trang của một công chúa vì lợi ích dân tộc với đôi mắt xa xăm nhìn về phương nam của Huyền Trân công chúa… Tất cả những chi tiết nhỏ ấy nhằm giúp sách trở nên ấn tượng hơn.
“Để độc giả không bị nhầm lẫn với phong cách manga Nhật Bản hay truyện tranh Trung Quốc, mình cố gắng đưa những yếu tố thuần Việt như: hoạ tiết trên trang phục hoa văn gốm sứ hoa nâu thời Trần hay các bức chạm khắc bằng gỗ ở chùa Thái Lạc, tiêu chuẩn về vẻ đẹp người phụ nữ của xã hội thời bấy giờ (ví dụ: nhuộm răng đen, đi chân đất)… vào tranh và chăm chút kĩ từng chi tiết, tô đậm vẻ đẹp truyền thống Việt Nam” – Tuyết Hàn chia sẻ.
Được biết, sau dự án này, Tuyết Hàn sẽ tiếp tục đưa độc giả xuyên không lịch sử tìm hiểu các triều đại vẻ vang khác trong những cuốn sách mới của mình.
Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn
Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2 - 2021 do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức sẽ diễn ra trực tuyến vào dịp Tết Thiếu nhi (1/6) tới đây. Từ 117 tác phẩm dự thi hoặc được đề cử, Ban sơ khảo cuộc thi đã chọn được hơn 10 tác phẩm vào chung khảo.
Ngày hôm nay, 27/5, Hội đồng Giám khảo (do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, làm Chủ tịch Hội đồng) sẽ họp phiên cuối cùng để chấm các giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn, Khát vọng Dế Mèn.
|
Thiên Nam