(Thethaovanhoa.vn) - Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 được tổ chức tại tỉnh Gia Lai vào ngày 30/11-2/12/2018. Đây là dịp du khách tứ phương được chiêm ngưỡng những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên qua nhiều hoạt động, nghi lễ độc đáo được phục dựng một các tỉ mỉ, sinh động. Thời điểm này, khắp các buôn, làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai rộn rã tiếng cồng, chiêng, tấp nập công tác chuẩn bị cho một Festival đầy ấn tượng của cộng đồng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan tổ chức Festival văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên năm 2018.
Xã Ia Ka, huyện Chư Păh là cái nôi của văn hóa cồng chiêng ngàn đời nay. Theo đó, nét văn hóa đẹp của người Jrai trong xã được bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác với một niềm đam mê và nhiệt huyết. Đội cồng chiêng của xã có 35 người, gồm 25 nam diễn tấu cồng, chiêng và 10 nữ múa xoang với đủ các độ tuổi từ 9-76 tuổi.
Gia Lai đang vào mùa thu hoạch cà phê, mặc dù tất bật mùa vụ nhưng bà con Ia Ka vẫn tranh thủ buổi tối, sau khi từ nương rẫy về tập trung ở sân Ủy ban nhân dân xã để tập luyện. Tiếng chiêng ngân vang, nhịp xoang nhẹ nhàng uyển chuyển trong không khí rộn ràng nói cười như có hội làng. Ai nấy đều háo hức, mong chờ đến ngày trình diễn.
Già Rơ Châm Nha, Già làng làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh cho biết: Mặc dù bận rộn mùa màng nhưng anh, chị, em vẫn rất nhiệt tình tập luyện để phục vụ một Festival tốt nhất.
Như một thói quen, cứ mỗi tối, khi tiếng cồng chiêng vang lên, bà con lại tập trung về nơi đang diễn ra công tác tập luyện. Nghệ nhân ưu tú Rơ Chăm H’Mút, làng Mrông Yố 2, chỉnh cho người tập cách cầm chiêng, cồng cho đúng thế đánh rồi loay hoay chỉnh âm trầm bổng của những chiếc chiêng cũ. Đam mê cồng chiêng từ nhỏ nên tiếng cồng, tiếng chiêng như món ăn tinh thần không thể thiếu đối với Nghệ nhân ưu tú Rơ Chăm H’Mút. Thanh niên trong làng thường gọi ông là Thầy bởi nếu có cồng chiêng hư hỏng ông đều tự tay mình chỉnh sửa. Ngoài ra, ông còn là người nhiệt huyết nhất trong công tác truyền dạy cồng chiêng của xã Ia Ka, ai đến học ông cũng nhiệt tình chỉ bảo.
Em Rơ Châm Tứ, sinh năm 2009, Mrông Yố 1, xã Ia Ka, phấn khởi cho biết: Sau giờ học, em thường theo các ông, các chú tập luyện cồng chiêng. Em yêu văn hóa dân tộc mình và sẽ cố gắng học đánh cồng chiêng thật tốt để biểu diễn trong Festival.
Sau khi tập trung ở đội cồng chiêng, những chị lớn trong đội lại sửa từng bước chân, từng cái xoay hông cho các em gái trẻ để làm sao cho ra các động tác xoay uyển chuyển, mềm mại nhất của người Jrai.
Theo bà Rơ Châm H’Ngoan, Phó Chủ tịch xã Ia Ka, huyện Chư Păh, từ khi nhận được thông báo về việc đội cồng chiêng xã Ia Ka sẽ tham gia trình diễn tại Festival cồng chiêng Tây Nguyên 2018, bà con trong làng rất tự giác tập luyện, mong góp phần vào thành công chung của sự kiện. Công tác tập luyện và chuẩn bị đến nay đã hoàn thành và ổn định.
Không chỉ tại xã Ia Ka, huyện Chư Păh mà các buôn làng từ huyện Kbang, Kong Chro, thành phố Pleiku… nơi có những đội cồng chiêng được chọn trình diễn trong Festival cồng chiêng Tây Nguyên 2018 đều có chung không khí rộn ràng chuẩn bị. Đại diện cho đội cồng chiêng của dân tộc Bahnar cũng trình diễn trong đợt Festival này. Anh Đinh Văn Poi, cán bộ văn hóa xã Ia Ma, huyện Kong Chro cho biết: Đội cồng chiêng nhí gồm 60 em nhỏ của xã Ia Ma cũng đang rất háo hức chờ mong đến ngày được trình diễn trong Festival. Các em hăng say tập luyện, cứ hết giờ học là chạy ngay đến nhà Rông để tập luyện.
Đội cồng chiêng nữ tại làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang cũng đang rất hồi hộp mong đến Festival để có dịp quảng bá, giới thiệu văn hóa bản sắc người Bahnar đến với du khách.
Dù là trai, gái, già, trẻ tất cả người con buôn làng các dân tộc trên địa bàn Gia Lai đang háo hức chờ mong đến ngày hội lớn, ngày được tôn vinh giá trị bản sắc dân tộc. Qua Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mới thấy hết niềm tự hào dân tộc, tính cộng đồng, đoàn kết giữa các dân tộc Tây Nguyên.
TTXVN/Hồng Điệp