(Thethaovanhoa.vn) - Phiên toàn thể của Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh” đã diễn ra chiều 9/12 tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo khách mời, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch trong nước, quốc tế.
Một trong những nội dung đang được cử tri và giới du lịch quan tâm tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV là việc Quốc hội sẽ thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng nhấn mạnh: Thời gian qua, du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 67/136 năm 2017, năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế. Trong đó các nhóm chỉ số tăng hạng nhiều nhất: Mức độ mở cửa quốc tế (+15); sức cạnh tranh về giá (+13); hạ tầng hàng không (+11) so với năm 2017.
Năm 2019, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp hạng 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới. Việt Nam được bình chọn là Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Hội An được bình chọn là Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2019.
Trong 11 tháng của năm 2019, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 16,3 triệu lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong khi đó lượng khách quốc tế đến châu Á- Thái Bình Dương tăng khoảng 6%, đến Đông Nam Á tăng khoảng 5%. Dự kiến cả năm 2019 du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 720.000 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu Chính phủ đã đặt ra. Hạ tầng ngành du lịch cũng được quan tâm, đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch cao cấp…
Tuy vậy, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng cho rằng: Bên cạnh những tín hiệu tích cực như có tốc độ tăng trưởng tốt, còn nhiều dư địa để phát triển thì ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức để phát triển bền vững. Trước mắt, ngành còn nhiều việc phải tập trung thực hiện để đến năm 2021, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam ở nhóm 50 thế giới.
Cụ thể là: Năm 2019, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam dù được cải thiện nhưng nhiều chỉ số còn bị tụt hạng và ở mức thấp. Nhiều hạn chế, “điểm nghẽn” để phát triển du lịch chưa được giải quyết triệt. Công tác xúc tiến quảng bá chưa thực sự hiệu quả do hạn chế về nguồn lực, cơ chế vận hành, chưa thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Quỹ hỗ trợ và phát triển du lịch chưa được vận hành và đi vào hoạt động. Hạ tầng sân bay có xu hướng quá tải, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng cao về số lượng khách du lịch. Chính sách thị thực nhập cảnh còn hạn chế so với các điểm đến cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, thay mặt Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng chia sẻ: Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam năm 2019 là sự kiện gặp gỡ, đối thoại công - tư quy mô quốc gia nhằm đưa ra sáng kiến, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Từ kết quả thảo luận của diễn đàn, Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp, ghi nhận và cùng với các bên liên quan sớm đệ trình Chính phủ. Hy vọng diễn đàn này không chỉ là nơi gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ các giải pháp phát triển ngành ở tầm quốc gia mà còn thúc đẩy các hợp tác, kết nối, giới thiệu những nét đẹp của Việt Nam với bạn bè trên khắp năm châu; đón nhận, tìm hiểu những điểm thu hút của môi trường du lịch các quốc gia khác muốn quảng bá cho du khách Việt Nam.
“Hiến kế” giúp du lịch Việt Nam thực sự cất cánh
Trong phiên toàn thể, diễn đàn tập trung thảo luận về 2 chủ đề. Đầu tiên là giải pháp để tạo dựng một Việt Nam tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, người dân thân thiện mến khách, nhằm cải thiện thứ hạng của du lịch Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu. Bên cạnh đó là giải pháp thực hiện tốt Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển lượng và về chất, tập trung khai thác các thị trường khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp công tác xúc tiến quảng bá du lịch; thu hút mạnh mẽ khu vực tư nhân tham gia các hoạt động quảng bá. Phấn đấu cùng với khu vực tư nhân thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm.
Chủ đề thứ hai là tập trung xây dựng mối quan hệ hữu cơ và gắn bó chặt chẽ giữa phát triển ngành hàng không và chắp cánh cho du lịch với nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp tháo gỡ nút thắt về hạ tầng hàng không, nâng cao năng lực đón tiếp, chất lượng dịch vụ hàng không tại các sân bay để tạo thuận lợi nhất cho khách du lịch. Đây là chuyên đề đặc biệt của năm 2019 nhằm đưa ra giải pháp đảm bảo tính bền vững cùng sức hút của du lịch Việt Nam.
Có ý kiến đề cho rằng slogan hiện nay "Vietnam Timeless Charms" (Việt Nam vẻ đẹp bất tận) là tốt, có sức gợi mở, nhưng còn khá chung chung chưa thể hiện được đặc thù của du lịch Việt Nam. Nhiều diễn giả nhận định, slogan của ngành du lịch nên được nghiên cứu kỹ lưỡng, có sức khái quát cao để có thể sử dụng trong nhiều thập kỷ sau đó. Việc quan trọng là gợi mở và truyền đạt ý nghĩa của slogan và logo đến với đông đảo du khách. Slogan cần được phát triển ra nhiều nhánh phụ để thể hiện và làm rõ những đặc thù của du lịch Việt Nam.
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ra quốc tế luôn là mối quan tâm hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam. Công tác này dù được đánh giá là có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do kinh phí hạn hẹp. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam đã ra đời, được coi là bước tiến lớn nhằm hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá nhưng đến nay quỹ vẫn chưa thể vận hành.
Về việc này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết, đây cũng là một trong những ưu tiên của Chính phủ. Mô hình của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là hoàn toàn mới và đặc thù, không phải hoạt động theo quỹ ngân sách mà hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Nên quá trình xây dựng và vận hành quỹ gặp nhiều khó khăn, từ tổ chức bộ máy đến cơ chế vận hành. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thiện cơ chế vận hành tổ chức bộ máy của quỹ...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kỳ vọng các sáng kiến, đóng góp của các chuyên gia, nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp trong, ngoài nước tại Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam năm 2019 sẽ tạo ra sức sống mới cho ngành du lịch, tìm ra những hướng đi, cách làm hiệu quả, thiết thực để tạo sự bứt phá, bền vững, góp phần nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành du lịch đến 2025 với tổng thu dự kiến là 45 tỷ USD, đóng góp trên 10% GDP cả nước, đảm bảo phát triển bền vững, cần phải gia tăng mạnh mẽ về chất lượng thì mới có khả năng tạo bứt phá cho ngành du lịch, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thanh Giang/TTXVN