(TT&VH Cuối tuần) - Sau nhiều đêm diễn thử nghiệm, phòng trà Tiếng xưa (442 Cao Thắng nối dài, Q.10, TP.HCM) đã chính thức ra mắt Đêm cải lương phòng trà vào tuần qua (10/12). Đêm cải lương phòng trà với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài danh, những giọng ca hay, những gương mặt triển vọng… sẽ diễn ra vào mỗi thứ Bảy tuần đầu tiên của tháng.
Có cầu ắt có cung
Mở đường cho cải lương đi vào phòng trà phải kể đến nữ nghệ sĩ Tài Linh và ca sĩ hải ngoại Quang Thành. Được sự gợi ý của Quang Thành, phòng trà Tiếng xưa đã mời Tài Linh hợp tác nhân chuyến về nước thăm gia đình của cô vào tháng 4 vừa qua. Và trong ba đêm diễn với các trích đoạn Lan và Điệp, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Nửa đời hương phấn…, Tài Linh và người bạn diễn Quang Thành đã cùng cải lương chinh phục không gian phòng trà vốn khá lạ lẫm với khán giả cải lương. Xét đúng ra, các tiết mục đã được làm mới rất nhiều, không hẳn còn là trích đoạn cải lương mà đã chuyển thành các nhạc cảnh khi tăng cường phần nhạc, giảm bớt các bài bản, chỉ giữ cải lương làm điểm nhấn ở phần “đắt” nhất. Lý giải điều này ca sĩ Quang Thành cho biết: “Cũng giống như khán giả trẻ ở Việt Nam ngày càng xa lạ với cải lương, lớp trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài khó lòng tiếp nhận một tuồng cải lương thực thụ. Để các em tiếp nhận cải lương một cách nhẹ nhàng buộc chúng tôi phải làm “mềm” đi, dẫn dắt các em bằng các bài nhạc dễ cảm, đến đoạn phù hợp chỉ cần một câu vọng cổ, một bản văn thiên tường, một khúc nam ai… vang lên là đủ để các em nhớ và hiểu được “chất cải lương”. Tôi và chị Tài Linh đã biểu diễn những nhạc cảnh này nhiều lần ở hải ngoại và tạo được hiệu ứng khá tốt…”. Tuy chất cải lương có bị pha loãng ít nhiều nhưng những tràng pháo tay hưởng ứng nhiệt liệt của khán giả tại các đêm diễn chính là dành cho những bài bản cải lương ít ỏi đó đã tạo cơ sở tin tưởng cho việc cải lương chính thức vào phòng trà, chất cải lương cũng trở thành chủ đạo trong các chương trình về sau.
Sau hiệu ứng tích cực từ các đêm diễn tiên phong này, phòng trà Tiếng xưa mạnh dạn mời thêm nhiều tên tuổi lớn của sân khấu cải lương như: NSND Thanh Tòng, NSƯT Lệ Thủy, Vũ Linh, Kim Tử Long, Thanh Ngân, nghệ sĩ Kim Tiểu Long, Quế Trân, Trinh Trinh… tham gia biểu diễn. Vọng cổ hay các bài bản lớn đã được thể hiện nhiều hơn, có hẳn những đêm diễn dành riêng cho cải lương (như đêm Hai thế hệ của NSND Thanh Tòng - NSƯT Kim Tử Long - Quế Trân, đêm kỷ niệm sinh nhật NSƯT Ngọc Giàu…). Phòng trà Tiếng xưa “mở đường”, phòng trà WE cũng “nối bước” khi tổ chức “mini show” cho NSƯT Ngọc Giàu vào tối 22/7. Sau live show Khúc tương tư (2008), nữ nghệ sĩ 67 tuổi này như sống lại thời tuổi trẻ với những bản vọng cổ, những trích đoạn cải lương gắn liền với tên tuổi mình cũng như trải lòng cùng khán giả qua những tâm sự về đời, về nghề.
Nghệ sĩ Tài Linh và ca sĩ Quang Thành trong nhạc cảnh cải lương
Lan và Điệp tại phòng trà Tiếng xưa
Khán giả cải lương phòng trà - họ là ai?
Ca sĩ Quang Thành cho biết trong những lần về nước hát tại các phòng trà, anh đã nhận ra nhu cầu muốn được thưởng thức cải lương của một bộ phận không nhỏ khán giả phòng trà, nhất là những người yêu mến dòng nhạc xưa. “Đó là những khán giả say mê cải lương lâu năm, rất am hiểu về cải lương nhưng từ lâu đã không còn giữ thói quen đến rạp thưởng thức cải lương nữa. Họ là khán giả của cải lương thời còn hưng thịnh chất lượng và sang trọng chứ không xô bồ như hiện nay. Với lớp khán giả “cổ điển” này, họ đòi hỏi cải lương cũng phải chuẩn mực, thuần chất, không chiêu trò, biến tấu màu mè - cái đang thịnh hành ở cải lương hiện nay…”. Thực tế, bất chấp việc đã rơi vào khủng hoảng suốt 20 năm nay, nghệ thuật cải lương vẫn cứ là “cái hồn” Nam bộ, làm nhiều người phải “đắm đuối” (điển hình là cuộc thi Chuông vàng vọng cổ luôn nằm trong những chương trình thu hút nhiều khán giả xem đài nhất của HTV). Nhu cầu xem cải lương của khán giả mộ điệu là rất lớn nhưng thực tế lượng và chất của sàn diễn thời gian qua không thể đáp ứng nhu cầu này. Ngay cả những fan hâm mộ cuồng nhiệt nhất sẵn sàng theo thần tượng “trên từng… sô diễn” (những nghệ sĩ có lượng fan đông đảo và “cuồng” nhất phải kể đến: NSƯT Vũ Linh, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, nghệ sĩ Vũ Luân, Tú Sương…) cũng không có dịp bày tỏ tình cảm với thần tượng vì không có chương trình biểu diễn. Vậy chương trình cải lương tại phòng trà hứa hẹn trở thành điểm đến lý tưởng của khán giả “ghiền” cải lương, nhất là khi giá vé (200.000 đồng) lại “mềm” hơn giá vé một sô diễn cải lương khá nhiều? - Có thể lắm chứ!
Còn sân khấu sàn diễn?
Đại diện của phòng trà Tiếng xưa cho biết Tiếng xưa không chỉ ưu ái cho cải lương mà là điểm hẹn của những tâm hồn yêu nhạc xưa, trong đó có những loại hình nghệ thuật dân tộc. Sau cải lương, rất có thể chèo, ca trù, chầu văn… sẽ bước vào phòng trà. Rõ ràng, trước tình trạng gần như… tê liệt của sân khấu sàn diễn hiện nay, những chương trình cải lương phòng trà như thế này sẽ đáp ứng được phần nào nhu cầu của nhiều đối tượng: khán giả, nghệ sĩ và cả đơn vị tổ chức. Đến với không gian sang trọng, ấm cúng của phòng trà, khán giả không chỉ tránh được những phiền nhiễu vụn vặt dễ gặp khi vào rạp hát mà còn được thưởng thức một chương trình cải lương “đậm đặc” với câu vọng cổ ngọt ngào, trích đoạn cải lương nổi tiếng do nghệ sĩ tài danh thể hiện thay vì “chịu trận” những màn ca nhạc, tấu hài xen ngang chỉ để chờ 15 phút tiết mục của thần tượng. Người nghệ sĩ cũng hân hoan khi lại có sàn diễn, lại được đem lời ca tiếng hát tri ân khán giả; những giọng ca “vượt thời gian” vì nhiều lý do đã rời xa sàn diễn cũng được dịp tái xuất đáp lại tấm thịnh tình của khán giả mộ điệu. Đặc biệt, với chủ trương giới thiệu những giọng ca mới, những gương mặt trẻ, phòng trà Tiếng xưa cũng chủ động mời những “huy chương vàng Trần Hữu Trang”, những “chuông vàng vọng cổ”, “bông lúa vàng”… tham gia chương trình, hy vọng từ đây những “mầm non” sẽ “đâm chồi”. Lạc quan mà nói, những đêm cải lương phòng trà sẽ có đóng góp tích cực cho việc giữ gìn và phát triển âm nhạc cải lương.
Thế còn sân khấu sàn diễn thì sao? Rất rõ ràng, sân khấu phòng trà không phải là sàn diễn đích thực. Cải lương là một loại hình ca kịch, kết hợp nhuần nhị giữa ca và diễn, xem và nhìn, là tổng thể những yếu tố tuồng tích, dàn dựng, âm nhạc, diễn xuất… Không gian nhỏ hẹp của phòng trà dĩ nhiên chỉ phù hợp khi người nghệ sĩ ca chay, diễn xuất chỉ phụ trợ. Và dù có thoải mái đến đâu thì việc ngồi trong phòng trà nghe cải lương cũng không thể so sánh với không khí thưởng thức một vở diễn thực sự trên sân khấu lớn. Liệu những giá trị mới nào sẽ nảy sinh khi vẫn ngần ấy những gương mặt “đi cùng năm tháng”, vẫn ngần ấy những bài vọng cổ, những tuồng tích “kinh điển”? Những gương mặt mới liệu có khả năng bật sáng khi cái bóng của những bậc tiền bối là quá lớn, và thay vì tìm hướng đi riêng để bộc lộ cá tính thì họ lại cố gắng sao chép giọng ca, phong cách của người xưa?...
Có thể nói cải lương phòng trà lúc này mang dáng dấp của thuở… sơ khai với người nghệ sĩ biểu diễn salon trong buổi đầu đờn ca tài tử được đưa lên sân khấu. Chừng nào đời sống sàn diễn chưa được khôi phục, sân khấu cải lương chưa trở lại được cung cách hoạt động chuyên nghiệp thì cải lương vẫn cứ còn… ngắc ngoải mà mọi cố gắng như thế này chỉ là giải pháp tình thế, mà không khéo sẽ góp phần vào ảo tưởng: “Cải lương vẫn còn… mạnh lắm” của không ít người làm cải lương.
Ninh Lộc