(Thethaovanhoa.vn) - Có đến bốn đạo diễn sân khấu được lựa chọn tham gia dự án dàn dựng Truyện Kiều, theo đó nhân vật nàng Kiều sẽ được kể một cách riêng qua lăng kính sáng tạo sân khấu thử nghiệm và với góc nhìn hôm nay ở từng tác phẩm của mỗi đạo diễn.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh ra mắt tác phẩm “Truyện Kiều” bản dịch tiếng Nga nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh tác giả - Đại thi hào Nguyễn Du (1766 - 2016).
Bốn đạo diễn gồm Như Lai (Nhà hát Tuổi Trẻ), Trần Lực (đoàn kịch xã hội hóa LucTeam), Hồng Vân (Sân khấu kịch Hồng Vân) và nữ đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer.
Từ mê đắm “Truyện Kiều”…
Nghệ sĩ Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, người được phân công phụ trách dự án này cho biết: “Viện Goethe và Nhà hát Tuổi Trẻ đã từng hợp tác để dàn dựng nhiều vở. Lần này, Viện tiếp tục hợp tác với chúng tôi. Truyện Kiều đã được dịch sang nhiều thứ tiếng trong đó có bản dịch tiếng Đức. Ông Wilfried Eckstein là Viện trưởng Viện Goethe đã đọc và đánh giá rất cao giá trị văn học, ý nghĩa mang tầm nhân loại của tác phẩm. Ông cho biết là vô cùng xúc động khi nói về thân phận của nàng Kiều. Thực hiện đề án này, phía Viện Goethe mong muốn các đạo diễn sẽ tìm hiểu tác phẩm và mỗi người dựng nên những lát cắt về thân phận người phụ nữ theo cách nhìn hiện đại”.
Ý định dàn dựng Truyện Kiều trên sân khấu thử nghiệm đương đại đã được ông Wilfried Eckstein ấp ủ nhiều năm nay, cho đến khi ông gặp đạo diễn Sĩ Tiến và cùng đồng cảm với quan điểm sẽ chung tay xây dựng Dự án Nàng Kiều theo nhiều phiên bản khác nhau để làm sao khắc hoạ được thân phận nàng Kiều một cách đa chiều. Amélie Niermeyer là nữ đạo diễn rất nổi tiếng của Đức đã có rất nhiều tác phẩm thành công khi đề cập tới hình tượng người phụ nữ. Đạo diễn, NSƯT Trần Lực là một trong những đạo diễn sân khấu tạo được sự chú ý của dư luận thời gian qua với nhiều tác phẩm sân khấu mang những cách tân, đổi mới thành công. Chính cách làm của Trần Lực cũng đã thu hút được sự chú ý của người nước ngoài.
Đạo diễn Bùi Như Lai là một đạo diễn trẻ sáng giá của Nhà hát Tuổi Trẻ, anh cũng có nhiều vở diễn đáng chú ý trong một số dự án có sự tài trợ của nước ngoài về đề tài giới trẻ, giới tính. Việc lựa chọn đạo diễn Hồng Vân cũng là mục đích muốn dự án vươn bàn tay mở rộng ra địa bàn ở TP.HCM với một sân khấu có thương hiệu và uy tín như Sân khấu kịch Hồng Vân.
Một đơn “đặt hàng” đầy… cân não
Với một “đề bài” khá thú vị, dự án yêu cầu mỗi tác phẩm có thời lượng khoảng 20 phút, mỗi đạo diễn tự lựa chọn tái hiện lại một giai đoạn trong cuộc đời của nàng Kiều hoặc có thể kết cấu Truyện Kiều theo một cách riêng để biểu đạt được ý đồ sáng tạo của mình. Sự thành công của từng tác phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều qua lăng kính của đạo diễn cũng như phong cách dàn dựng của từng đơn vị nghệ thuật. Chính điều này đã tạo nên sự cạnh tranh trong nghệ thuật và tạo nên sự hào hứng đối với từng đạo diễn khi tham gia dự án.
Về ý tưởng triển khai, đạo diễn Lê Quốc Nam của sân khấu Kịch Hồng Vân cho biết anh sẽ viết kịch bản về phân đoạn khi Kiều đã về với Từ Hải. “Lát cắt về Kiều trong trích đoạn này là khi cuộc sống đã có sự viên mãn, con người sẽ nghĩ đến sự báo thù, đó là cái xấu nhất của Kiều mà ít người nào để ý. Đó cũng là bản chất riêng của người đàn bà cho dù ở thời đương đại hay trong thời buổi phong kiến”, đạo diễn Lê Quốc Nam chia sẻ. Chưa bao giờ dựng Truyện Kiều, đạo diễn, NSƯT Trần Lực tỏ ra rất hứng thú với đề tài này. Anh chia sẻ vẫn trung thành với lối dựng kịch sử dụng ngôn ngữ sân khấu biểu hiện ước lệ, một phong cách riêng của Luc Team, sẽ dựng Truyện Kiều theo một lối tư duy làm sân khấu đương đại.
Không khai thác sự bi luỵ, truân chuyên của thân phận nàng Kiều mà mong muốn mang tới cho khán giả một hình tượng nhân vật tràn đầy nghị lực sống. Dẫu bị cuộc đời luôn vùi dập thì nàng Kiều vẫn vượt qua tất cả. NSƯT Trần Lực cũng lựa chọn dựng giai đoạn Kiều gặp Từ Hải. Đạo diễn trẻ Bùi Như Lai gọi dự án như một đơn đặt hàng đầy… cân não khiến mỗi đạo diễn đều cảm thấy bị thách thức và vô cùng hào hứng sáng tạo. “Câu chuyện về Truyện Kiều đã tồn tại hàng trăm năm trong văn hoá Việt Nam vì vậy khi dựng lại phải làm sao để tiếp cận được với khán giả và nói được quan điểm của người làm nghệ thuật hôm nay khi khai thác tác phẩm này. Tôi suy nghĩ rất nhiều để làm sao tìm được “format” mới, sẽ không làm cổ trang mà phải mang được tư duy hiện đại đưa vào trong dàn dựng cũng như lựa chọn nói gì từ thân phận nàng Kiều đối với khán giả hiện đại”.
Đạo diễn Bùi Như Lai cho biết bản diễn anh dựng trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ với 4 tiêu đề chính: Định mệnh, tình yêu, sự chịu đựng, tự do. Tinh thần khao khát tự do sẽ được Bùi Như Lai làm nổi bật trong tác phẩm. Ngay trong trang trí vở anh sẽ sử dụng rất nhiều dây thừng, điều này cũng thể hiện sự bị trói buộc của thân phận nàng Kiều. Sẽ có lúc nhân vật dùng cây kéo để cắt đi những sợi dây trói, để cởi trói cho mình sự gò bó trong suy nghĩ và cả trong sự éo le của tấn trò đời mà nàng Kiều phải chịu đựng. Như Lai không lựa chọn dựng Kiều ở từng giai đoạn như các đạo diễn đàn anh mà anh tìm sự bao quát trong thân phận và số phận của nàng Kiều, sẽ có lúc Kiều gặp lại toàn bộ những người đã khiến thân phận của cô phải “ba chìm bảy nổi”.
Tháng 10 tới khán giả TP.HCM và Hà Nội sẽ được thưởng thức 4 tác phẩm về nàng Kiều. Chưa nói mức độ thử nghiệm sáng tạo thành công đến đâu nhưng chắc chắn bản thân giá trị của tác phẩm văn học và những chia sẻ từ những người tham gia dự án dàn dựng Truyện Kiều đã khiến những khán giả yêu nghệ thuật cũng như mê Truyện Kiều có quyền hi vọng và chờ đợi sẽ được xem những tác phẩm hay.
Thúy Hiền - Bảo Hạnh/ Báo Văn hóa