(Thethaovanhoa.vn) - Sắp tới đây, ngày 17 - 18/8/2019 tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) và ngày 23/8 tại Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng), tuồng cải lương kinh điển Lan và Điệp sẽ tái dựng với diện mạo mới.
Vào lúc 16h và 20h ngày 4/9/2011, vở diễn "Ngôi trường số 13" (KB: Gia Bảo, ĐD: NSƯT Bảo Quốc - Gia Bảo) sẽ công diễn tại chi nhánh Kịch IDECAF (7 Trần Cao Vân, Q.1, TP.HCM).
Bản dựng lần này quy tụ được nhiều tên tuổi như NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Thanh Điền, NSƯT Thanh Hằng, NSƯT Trọng Phúc, nghệ sĩ Phượng Liên, NSƯT Tú Sương, nghệ sĩ Chí Tâm, danh hài Minh Nhí, ca sĩ Phương Thanh…
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Gia Bảo - đạo diễn của vở cải lương nói trên.
Nghệ sĩ Gia Bảo từng tổ chức chương trình cải lương đầu tiên Chút tình gửi lại nhân gian với hai tuồng gắn liền với tên tuổi cố NSƯT Thanh Nga là Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa. Sau đó anh tiếp tục tái dựng các tuồng cải lương kinh điển Nửa đời hương phấn (diễn năm 2015), Đời cô Lựu (2018).
* Nằm trong chương trình “Tài danh đất Việt”, từ tuồng “Nửa đời hương phấn” đến “Đời cô Lựu” cách nhau 3 năm, nhưng tại sao chỉ mới hơn 1 năm anh đã thực hiện “Lan và Điệp” và tại sao lại là tuồng này?
- Chương trình Tài danh đất Việt không có tính định kỳ, khi thấy đủ duyên sẽ làm, rồi lần nào làm cũng cảm thấy như lần cuối, do các nghệ sĩ đã lớn tuổi.
Tuồng cải lương Lan và Điệp ra đời trong cơ duyên hơi kỳ lạ. Tôi định đăng ký tham gia Kịch cùng bolero năm nay nên tìm hiểu và chuẩn bị rất kỹ, coi tất cả các bản dựng Lan và Điệp đã có, nhưng cuối cùng nhà sản xuất lại không tổ chức. Tôi để đó, rồi một ngày tình cờ nghe lại Lan và Điệp, bỗng nghĩ tại sao không dựng tuồng này, vậy là bắt tay vào làm.
Đến thời điểm này thì mọi thứ đang thuận lợi. Tôi mừng vì mời được cặp diễn Lan và Điệp ngày xưa là Chí Tâm và Thanh Kim Huệ. Trước đó, tôi không hề biết đã 45 năm, cô Thanh Kim Huệ từ chối diễn lại vai Lan. Tôi và chú Thanh Điền (cố vấn chương trình) đang rất hợp ý nhau.
* Phiên bản 2019 này có gì mới?
- Tôi chỉ tiết lộ một ít thôi. Sau hai nhân vật chính là Lan và Điệp, Thúy Liễu do ai thủ vai cũng được rất nhiều khán giả quan tâm. Ban đầu, tôi tính mời nghệ sĩ Tú Trinh cho vai này, nhưng giữa tháng 8, cô bận. Nếu không có Tú Trinh thì bản Lan và Điệp này sẽ dựng Thúy Liễu với một màu khác hẳn các bản cũ.
Tôi nghĩ, đây phải là một nhân vật lẳng và lạ, nên mời nghệ sĩ Hồng Đào. Cô đẹp và sang, rất hợp với vai Thúy Liễu. Nói gì thì nói, đây là con quan phủ, ít nhất phải sang và có cốt cách tiểu thư. Vai này ca không nhiều, nên tôi nghĩ cô Hồng Đào sẽ diễn rất tốt. Lâu rồi khán giả không được xem Hồng Đào diễn một vở dài, nên có thể cô là sự chờ đợi của khán giả.
Các bản nhạc sẽ được phối mới, cả 4 bản đều được đưa vào tuồng. Bài 4 của Hamlet Trương viết gần đây rất “hot”. Đây là bài ca duy nhất nói lên nỗi lòng của Điệp, sẽ đưa vào đoạn Điệp lên chùa tìm Lan. Ca sĩ Phương Thanh sẽ hát một bài không ai ngờ, tôi xin giữ bí mật đến phút cuối.
Người dẫn chuyện và hát: “Tôi kể người nghe, chuyện Lan và Điệp một chuyện tình cay đắng” không phải Lan hay Điệp, vì tôi nghĩ không ai lại kể về mình như vậy. Nhân vật bé Xuân (em của Lan) sẽ là người kể, vì hồi đó những đứa em hay làm “chim xanh” cho anh chị mình, nên biết toàn bộ câu chuyện tình ấy.
Những gì kinh điển chúng tôi không dám bỏ, các câu thoại sẽ được giữ đúng, nhưng cách thoại với tinh thần khác. Hình ảnh tâm lý của ba má Điệp được nhấn mạnh hơn. Bản gốc 90 phút, chúng tôi dựng khoảng 150 phút nên có điều kiện làm “đậm đà” thêm tâm lý các nhân vật so với bản thu âm năm 1974 và tôi nghĩ cái kết mới của Lan và Điệp sẽ đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
* Ngoài việc họ là những ngôi sao, anh còn mời các nghệ sĩ vào tuồng này vì những điều gì nữa?
- Điều tôi muốn là nghệ sĩ phải thuộc và thương yêu Lan và Điệp, những người tôi mời có điều ấy. Rất đông khán giả đã thuộc từng lời từng chữ tuồng này rồi, nghệ sĩ hát sai một chữ là “biết tay” với khán giả ngay. Các nghệ sĩ ngôi sao sẽ biết cách làm cho nhân vật của mình không mờ nhạt, vì vậy ở đây không có khái niệm vai lớn, vai nhỏ, cũng không có ai làm “ông bà trùm” trong các buổi tập hoặc các suất diễn.
* Các chương trình của anh đầu tư sản xuất đều thành công về khán giả. Điều này cho thấy các tuồng cải lương kinh điển và nghệ sĩ ngôi sao vẫn còn sức hút lớn phải không?
- Theo tôi, khán giả đến với các tuồng này vì nó đã là kinh điển, có giá trị tự thân, họ muốn xem thử có gì mới để so sánh. Đây sẽ là một bảo chứng về doanh thu. Thứ hai, khán giả muốn gặp lại những nghệ sĩ ngôi sao một thời (bây giờ họ vẫn là ngôi sao), nếu không đi coi có thể thời gian sẽ không cho phép họ gặp được nữa. Thứ ba, tôi cố gắng làm đúng kiểu cải lương ngày xưa, không dùng màn hình led và các hiệu ứng quá đà.
Khán giả không chỉ mua vé xem hát, mà còn đó là những chiếc vé trở về ký ức của chính họ. Những tuồng cải lương kinh điển đã là tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ Việt Nam. Cuối cùng, giá vé mà chúng tôi đưa ra cũng khá vừa túi tiền của phần nhiều khán giả. Tôi không muốn đầu tư những vở với giá vé chỉ dành cho người giàu có, nhưng cũng không muốn bán giá quá “bèo bọt”.
* Xin cảm ơn anh!
Một hậu duệ của đại bang cải lương
Gia Bảo sinh năm 1988, tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. HCM, là thế hệ thứ 4 của đại bang cải lương Thanh Minh - Thanh Nga. Anh được biết đến là một diễn viên kịch nói, chuyên diễn vai hài.
Từ năm 2014, anh dựng lại các tuồng cải lương kinh điển, khởi xướng chương trình cải lương Tài danh đất Việt. Bên cạnh việc đầu tư các vở cải lương kinh điển, Gia Bảo vẫn là diễn viên tại Kịch Thế giới trẻ, Kịch IDECAF và tham gia các chương trình truyền hình, đóng phim.
|
Lam Hạnh (thực hiện)