(Thethaovanhoa.vn) -
Ngày 28/6 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1) đã khai mạc triển lãm Những phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật, gồm 73 bức - phần nào phác họa được diện mạo và sức làm việc bền bỉ của danh họa này. Bên cạnh sự kì công và niềm hân hoan mà triển lãm đã mang lại cho công chúng, thì vẫn còn đó những băn khoăn, không chỉ cho bảo tàng, mà cho cả nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Đơn cử như câu hỏi: Di sản nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí rất đồ sộ, vậy bây giờ có thể xem ở đâu?Nhiều tư liệu để lại cho thấy những năm 1970, tài sản của Nguyễn Gia Trí là hàng ngàn cây vàng, nhưng ông đã dành gần như toàn bộ cho sáng tạo sơn mài, đến khi ra đi, ông chỉ còn vài tấm tranh cùng phác thảo và căn nhà dột mưa ở TP.HCM. Chi tiết này cho ta thấy tài sản sơn mài của ông là không ít, nhưng hiện nay tại Việt Nam không còn nhiều, qua lại chỉ khoảng 5-7 tranh khổ lớn, 15-20 bức khổ nhỏ, phần lớn những bộ tranh 3 tấm, 4 tấm, 5 tấm, 6 tấm tiêu biểu của đời ông đã ở nước ngoài.
Từ cuối thập niên 1980, tranh của Nguyễn Gia Trí đã được xem là di sản quốc gia, cấm mang ra khỏi Việt Nam, nhưng đây đó vẫn có những móc nối để giao dịch. Nhìn mặt tiêu cực thì việc này cho thấy hiện tượng chảy máu nghệ thuật vẫn liên tục, nhưng nhìn ở khía cạnh khác, cho thấy tác phẩm của Nguyễn Gia Trí vẫn đầy hấp lực trên thị trường. Nếu không nhờ thị trường nhanh chóng săn đón (từ thập niên 1940), chắc chắn vị thế của Nguyễn Gia Trí trong biểu đồ nghệ thuật quốc tế và lịch sử nghệ thuật Việt Nam sẽ không lớn lao như ngày nay.
Danh họa Nguyễn Gia Trí. Ảnh NC
Bơ vơ… phác thảo
Triển lãm Những phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật là một nỗ lực đáng khen ngợi của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, khi mà họ đã chứng tỏ được hai điều: Cố gắng sưu tập và cố gắng quảng bá. Bên cạnh 73 phác thảo, mà nhiều bức có thể đứng độc lập như một tác phẩm, triển lãm còn giới thiệu lại những tư liệu, bài viết, hình ảnh… để người xem hiểu hơn về danh họa. Tuy nhiên phần lớn những phác thảo này không có tên và không ghi năm hay giai đoạn sáng tác, một chi tiết gần như bắt buộc để hiểu về con đường nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí.
Thiếu sót này cho thấy bản thân danh họa cũng không chú trọng việc ghi chú; mà Việt Nam lại đang thiếu những nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật để xác định thời gian, danh tính. Cho nên, khi sưu tập xong, bảo tàng chỉ còn biết “để nguyên hiện trạng” mà trưng bày, không thể tự tiện thêm bớt.
Về phong cách, Nguyễn Gia Trí chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa ấn tượng của châu Âu cho tới phong cách thủy mặc, dân gian, truyền thống mỹ nghệ của châu Á và Việt Nam. Thập niên cuối đời, ông còn đi sâu vào chủ nghĩa trừu tượng, một phong cách mà ông từng thể nghiệm qua vài tác phẩm từ sau năm 1954. Vì không xác định được thời gian của phác thảo, nên triển lãm chấp nhận phân loại tàm tạm, đôi khi lộn xộn, để trưng bày; có phòng gồm cả phong cách hiện thực và trừu tượng.
Tác phẩm Vườn Xuân Trung Nam Bắc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Trong ghi chép đề ngày 28/3/1976, Nguyễn Gia Trí viết: “Cái chính là hướng vẽ đúng. Kỹ thuật cũng giống như xe đạp anh dùng để đi. Chú ý nhiều đến xe thì sẽ trở thành thợ máy. Phải có xe riêng của mình, tất cả kỹ thuật đều chỉ là phương tiện. Khi vẽ phải vứt bỏ mọi thành kiến. Thành kiến đầy rồi thì rót gì vào cũng chỉ tràn ra. Mỗi chất liệu có sở trường, sở đoản riêng. Phải biết tận dụng nó”, trích Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt ghi, NXB Văn học, 1998. Có lẽ suy nghĩ này đã theo ông đến hết cuộc đời, nên phần lớn phác thảo ông ít ghi chú điều gì, trừ chữ ký?
Chính vì vậy, đi giữa một không gian trưng bày bề thế, với đa số các phác thảo còn lành lặn, vậy mà vẫn cảm thấy bơ vơ. Bơ vơ vì nó chỉ giúp người xem hình dung một phần về thẩm mỹ của tác giả, mà chưa giúp định hình được quá trình và lịch sử sáng tác. Điểm này rất cần sự tiếp tay bổ túc của nhiều nhà nghiên cứu và cả những người như Nguyễn Xuân Việt, được xem là học trò cuối cùng của Nguyễn Gia Trí (?).
Tác phẩm Giáng sinh tại tu viện Mai khôi
Hiếm hoi còn ở lại
Chưa có một con số chính xác về số tác phẩm mà Nguyễn Gia Trí đã sáng tác, nhưng có một ước đoán: phần lớn tác phẩm của ông đang được lưu trữ ở nước ngoài.
Một số tranh sơn mài đáng chú ý của Nguyễn Gia Trí trong giai đoạn 1938 đến trước 1945 là: Chợ Bờ, Dọc mùng, Bên hồ Gươm, Đêm Bồ Tùng Linh, Khỏa thân, Cảnh thiên thai, Chùa Thầy, Đèn Trung thu, Thiếu nữ bên hồ sen, Giáng sinh… Đặc biệt bức Thiếu nữ trong vườn, gồm 6 tấm, tổng cộng 12m2, bán cho ông Giám đốc Sở Điện - Nước miền Bắc Đông Dương.
Nếu bạn ở TP.HCM, thì có thể xem một số tác phẩm nổi tiếng của ông. Đầu tiên là mua vé vào Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nơi trưng bày bức Vườn Xuân Trung Nam Bắc (200 x 540cm), gồm 9 tấm, từng được bảo tàng này mua với giá 600 triệu đồng, tương đương 100 ngàn USD hồi 1991.
Theo nhà thơ Hoàng Hưng: “Lúc tranh (Vườn Xuân Trung Nam Bắc) đang làm dở, có người trả 14 lượng vàng ông không chịu bán. Mãi cho đến năm 1990, khi UBND TP.HCM quyết định mua tác phẩm, nó vẫn chưa hoàn chỉnh như ý đồ của họa sĩ. Một phần vì khó khăn về nguyên liệu (bà Trí phải bán dần vóc và son để mua từng thếp vàng cho tranh). Phần quan trọng là vì họa sĩ bắt đầu lâm bệnh: trận tai biến mạch máu não đầu tiên xảy ra vào năm 1988, sau đó còn hai lần nữa trước khi ông qua đời. Do đó khâu làm vàng mặt tranh ông phải giao phó cho học trò là Nguyễn Xuân Việt”, trích từ bài Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật. “Dấu ấn” của Nguyễn Xuân Việt và vài chỗ chưa hoàn chỉnh trong tác phẩm hiện vẫn còn nhìn thấy, ví dụ như áo dài mất màu của thiếu nữ trong tấm thứ 4, hay của cây đàn tranh trong tấm thứ 5, từ trái sang. Tuy vậy, tác phẩm này vẫn xứng đáng là kiệt tác của sơn mài Việt Nam.
Tác phẩm nổi tiếng Thiếu nữ bên cây phù dung tại Bảo tàng Đức Minh
Lúc sinh thời, Nguyễn Gia Trí có tâm nguyện giữ lại 3 bức sơn mài khổ lớn là Hoài niệm xứ Bắc, Trừu tượng, Múa dưới trăng (sáng tác giai đoạn 1968 - 1969), do bà Trần Lệ Xuân mua định tặng Nhật hoàng. Hiện nay tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM (69 Lý Tự Trọng, Q.1) có treo một bức khổ lớn của Nguyễn Gia Trí tên Hoài niệm xứ Bắc (1969), nhưng do thời gian và cách bảo quản trong điều kiện bình thường, màu đôi chỗ đã bị phai. Cũng rất tiếc là chưa có một nghiên cứu đầy đủ về tác phẩm này.
Nếu không nhờ thị trường nhanh chóng săn đón, chắc chắn vị thế của Nguyễn Gia Trí trong biểu đồ nghệ thuật quốc tế và lịch sử nghệ thuật Việt Nam sẽ không lớn lao như ngày nay |
Một tác phẩm độc đáo khác là
Giáng sinh (130 x 237cm, 1941, 3 tấm), nơi ông đã Việt hóa và tân thời quang cảnh cùng các nhân vật trong Kinh Thánh. Hiện tác phẩm này treo ở nhà nguyện của tu viện Mai Khôi (44 Tú Xương, Q.3), dễ dàng đến xem vào sáng Chủ nhật, sau các giờ lễ.
Một tác phẩm nổi tiếng khác là Thiếu nữ bên cây phù dung (129 x 176cm, 1944), hiện được nhà sưu tập Bùi Quốc Chí treo ở Bảo tàng Đức Minh (31C Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM).
Ngoài ra, Nguyễn Gia Trí còn có một số tác phẩm tiêu biểu sau năm 1954 như Hai Bà Trưng, Trận Bạch Đằng, Địa linh hoán tượng, Ba Vua… Nguyễn Gia Trí còn là nhà biếm họa sắc sảo, nhà đồ họa quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam
“Thầy” của Nguyễn Gia Trí Họ là Joseph Inguimberty (1898 -1971) và Alix Ayme (1894-1989), những giảng viên đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Thử hỏi, nếu ban giám đốc trường không thông qua và những họa sĩ như Joseph Inguimberty, và đặc biệt là Alix Ayme, không có quyết tâm nghiên cứu, giảng dạy sơn mài, liệu Nguyễn Gia Trí có nhanh chóng đưa sơn mài mỹ nghệ thành sơn mài nghệ thuật không? Chắc là không!
Trong cuốn Mỹ thuật hiện đại Việt Nam (NXB Mỹ thuật, 1996), trang 23, họa sĩ Quang Phòng viết: “Trong sự phát triển sơn mài, Joseph Inguimberty là người có công rất lớn. Ông nghiên cứu sâu sắc về chất “sơn An Nam” (laqued’Annam) và sành sỏi không kém gì bác Phó Thành (tức nghệ nhân sơn mài Ðinh Văn Thành 1898–1977), người mà ông gần gũi trong suốt 20 năm dạy học ở Hà Nội. Nguyên là giảng viên chính môn sơn dầu, ông chểnh mảng nhiệm vụ để chỉ say sưa triền miên theo dõi các sáng tác sơn mài của sinh viên, hướng dẫn họ các giải pháp hiệu quả nhất trong việc thể hiện những cảnh người gồng gánh qua đình, qua quán, qua cầu, trên đồng ruộng, những đề tài mà ông thích thú thể hiện bằng sơn dầu...”. Alix Aymé đang làm sơn mài
Người có ảnh hưởng (nhất là về cảm hứng sơn mài) đến Nguyễn Gia Trí là Alix Ayme, đương thời nữ họa sĩ này sáng tác nhiều tranh sơn mài. Bà giảng dạy trong các năm 1934-1939, còn năm mà Nguyễn Gia Trí tốt nghiệp là 1936. Cũng xin nói thêm, Nguyễn Gia Trí học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hai lần: khóa 4 (1928 - 1933), nhưng nghỉ nửa chừng, sau đó học lại khóa 7 (1931 - 1936), tốt nghiệp bằng một tác phẩm lụa.
Trong cuốn L’Indochine: Un Lieu D’écharge Culturel? Les Peintures Française Et Indochinois (Đông Dương: nơi giao lưu văn hóa? Những họa sĩ Pháp và chuyến du hành sang Đông Dương) xuất bản tại Paris năm 1997, trang 164, nhà nghiên cứu Nadine Andre-Pallois cho biết: ngoài việc vẽ sơn mài, Alix Ayme còn viết rất nhiều bài nghiên cứu lịch sử và kỹ thuật sơn mài ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, An Nam, in trên các tạp chí chuyên ngành ở Pháp và để giảng dạy cho sinh viên. |
VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần