(Thethaovanhoa.vn) - Tại cuộc thi Hoa hậu Peru (Miss Peru) 2017, các thí sinh đã “phá lệ”, biến cuộc thi sắc đẹp này thành cuộc phản đối chống lại tình trạng bạo hành phụ nữ ở Peru, một trong những nước Nam Mỹ nguy hiểm nhất đối với phụ nữ.
Trong những bộ váy thanh lịch, 23 thí sinh lọt vào vòng chung kết, diễn ra đêm 30/10 được truyền hình trực tiếp từ Nhà hát Thành phố Lima, đã lên tiếng thay mặt hàng ngàn phụ nữ là nạn nhân của các cuộc quấy rối, lạm dụng tình dục, thân thể và các vụ giết hại.
Thay vì “phô” ra các vòng đo lý tưởng của mình, các thí sinh lần lượt nêu ra những sự thật gây sốc về tình trạng bạo lực phụ nữ ở Peru.
“Tên tôi là Camila Canicoba, tôi đại diện cho Lima và các số đo của tôi là 2.202 trường hợp phụ nữ bị bạo hành trong vòng 9 năm qua ở đất nước chúng ta” – thí sinh Canicoba nói.
Còn thí sinh khác tuyên bố: “81% người tấn công các cô gái trẻ là những người gần gũi với gia đình”.
Một thí sinh khác cho biết: “Cứ 10 phút lại có một bé gái chết vì bị bóc lột tình dục. Hơn 70% phụ nữ ở Peru là nạn nhân của các cuộc quấy rối trên đường phố”.
Mỗi sự thật được nêu ra đều gây sốc khán giả.
“Tôi nghĩ rằng thực tế mà các bạn đang thấy là minh chứng cho khu vực của mình, các thí sinh đã đưa ra những con số thực và những gì đang xảy ra ở đất chúng ta thật đáng báo động. Thật không may khi có nhiều người phụ nữ không biết điều đó và nghĩ họ là những trường hợp riêng biệt” – theo Jeccica Newton, nhà tổ chức cuộc thi, Hoa hậu Peru năm 1987.
Trong năm nay đã có 82 phụ nữ bị giết hại và 156 trường hợp cố gắng giết phụ nữ ở Peru đã được báo cáo – thí sinh Karen Cueto tuyên bố từ sân khấu cuộc thi.
Những con số này cho thấy Peru hiện chỉ đứng sau Bolivia về nạn bạo hành phụ nữ ở Nam Mỹ.
Theo bà Newton, các thí sinh tham gia cuộc thi cũng không là ngoại lệ. Trong số 150 thí sinh tham gia cuộc thi sắc đẹp năm nay, có 5 thí sinh từng là nạn nhân của các cuộc bạo lực, trong đó có cưỡng hiếp.
Bạo lực phụ nữ đã trở thành vấn đề nổi cộm ở Peru sau khi vụ cưỡng bức một người tình nguyện của chương trình điều tra dân số quốc gia. Hai nhà báo truyền hình sau đó đã công khai tuyên bố họ là nạn nhân bạo hành của các đối tác. Còn có rất nhiều câu chuyện khác về phụ nữ bị đánh đập, bé gái tuổi vị thành viên bị cưỡng hiếp.
Tại cuộc thi năm nay, phần thi ứng xử cũng rất khác. Thay vì được hỏi về những sở thích hay các hoạt động từ thiện, thí sinh được hỏi cần có những hành động gì trước nạn bạo lực phụ nữ.
“Ngày nào xem tin tức chúng ta cũng thấy có thêm phụ nữ chết trong bàn tay của những người chồng, bạn trai hoặc những đối tượng cũ của họ. Nếu có cơ hội được thay đổi bộ luật, bạn sẽ áp dụng biện pháp gì cho các tội phạm gây ra cho phụ nữ?” – một trong những câu hỏi được nêu ra cho thí sinh.
Andrea Moberg, người đẹp đại diện cho Loreto, miền Đông Peru, trả lời rằng những kẻ cưỡng bức phụ nữ phải chịu án tù chung thân.
Còn Romina Lozano, đại diện cho Callao, cho biết kế hoạch của cô là thiết lập một cơ sở dữ liệu về mỗi kẻ gây hấn, với từng tội danh liên quan đến phụ nữ. “Với cách này, chúng ta có thể bảo vệ được chính mình”.
Kết thúc đêm thi, Romina Lozano đã được ban giám khảo chọn là Miss Peru 2017.
Vào ngày 25/11 ở Lima, Hoa hậu Peru Lozano và nhiều thí sinh khác tham gia cuộc thi sẽ tham gia cuộc diễu hành nhằm nêu bật nạn bạo lực phụ nữ.
“Hoa hậu quốc gia nhất thiết phải là đại sứ của những người phụ nữ bình thường, của những người phụ nữ không có tiếng nói” – bà Newton khẳng định.
Nicole Kidman đã lên tiếng trước các nghị sĩ Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn nạn bạo hành phụ nữ trên khắp thế giới.
Tuấn Vĩ
Theo AFP