Cuộc đua áo dài đến di sản văn hóa phi vật thể thế giới (Kỳ 3 & hết): Đừng quên áo dài nam truyền thống
(Thethaovanhoa.vn) - Áo dài nam truyền thống - hay áo ngũ thân (nam) đã từng bị gán ghép là tàn dư của chế độ phong kiến, của cường hào ác bá, của sự cổ hủ lạc hậu, dài lê thê và nhếch nhác. Đó là sự quy chụp với định kiến hẹp hòi, thiếu con mắt hiểu và thương.
>>> Cuộc đua áo dài đến di sản văn hóa phi vật thể thế giới Kỳ 1 xem TẠI ĐÂY
>>> Cuộc đua áo dài đến di sản văn hóa phi vật thể thế giới Kỳ 2 xem TẠI ĐÂY
Rất vui là các bài tham luận ở Hà Nội và Huế đã viện ra những bằng chứng lịch sử rõ ràng và tại buổi hội thảo, áo ngũ thân nam truyền thống đã tôn vinh nét đẹp cương nghị đầy chất nam tính như vốn nó từng là.
Cần bước qua định kiến
“Bước qua định kiến, vượt qua cái ngưỡng” là chúng ta đang quay trở về nương tựa vào tổ tiên, là biết gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là khẳng định tính tự chủ, tự cường về văn hóa” - như ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã từng chia sẻ tại buổi hội thảo.
So với các buổi hội thảo khoa học về áo dài được tổ chức trước đó tại Hà Nội, kể từ thập niên 1990, năm 2006 và 2012, lần đầu tiên nhóm Đình Làng Việt mặc thể nghiệm nhưng thuần thục bộ trang phục áo ngũ thân truyền thống trong hội thảo và trình bày tham luận đã khiến nhiều vị lãnh đạo ngỡ ngàng và trầm trồ khen ngợi bởi vẻ đẹp khiêm nhường nhưng đoan nghiêm, lịch lãm và trang nhã của sắc phục truyền thống. Không khí buổi hội thảo trở nên sôi nổi và cuốn hút lạ thường.
Như đã nói, nếu đem so sánh với trang phục thời Lê - Trịnh trước đó như áo tứ thân, áo giao lĩnh, hay áo tấc (được dùng phổ biến cho các nghi lễ tâm linh thờ cúng), bộ áo ngũ thân ra đời rõ ràng là một cuộc cách mạng tiến bộ về trang phục. Với riêng đàn ông, chiếc áo 5 thân, cổ đứng (1 tấc - 4cm), cài khuy, bó chẽn tay đã khiến cho phom (form) dáng của người đàn ông trở nên đường vệ, oai nghiêm, gọn gàng và linh hoạt. Áo ôm vào người hơn nhiều so với chiếc áo giao lĩnh rộng thùng thình và ống tay cũng rộng chừng 38 - 48cm, lại dài quá bàn tay chừng 10 - 20cm.
Cũng phải thừa nhận rằng, cổ áo tròn, lập lĩnh (đứng thẳng), cao 4cm, là sự kế thừa từ chiếc áo tấc trước đó làm cho người đàn ông khi mặc áo ngũ thân sẽ thêm phần đoan trang, đĩnh đạc và hấp dẫn lạ thường. Bộ áo lót màu trắng (áo cặp, hoặc áo cánh) lấp ló ẩn hiện ở cổ áo vừa như làm tôn vẻ đẹp của chiếc áo ngũ thân mặc bên ngoài, vừa làm cho người đàn ông trở nên lịch lãm, nho nhã và kín đáo hơn.
Số mét vải để may áo ngũ thân (cho cả nam và nữ) so với các bộ trang phục trước đó đã tiết kiệm đi phần nào. Xã hội đương thời đã khoác lên mình bộ y phục tươi trẻ làm cho con người trở nên năng động và hoạt bát hơn.
Giá trị biểu tượng và bản sắc của áo dài nam truyền thống
Thời Nguyễn (các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn) đặc biệt trọng Nho giáo. Tam cương, ngũ thường đối với nam giới; tam tòng, tứ đức với phụ nữ đã trở thành nền tảng đạo đức xã hội và luân lý để mọi thế hệ con cháu noi theo. Sự ra đời của chiếc áo 5 thân cũng chịu sự ảnh hưởng chung của tư tưởng Nho giáo ấy.
Ngày nay chúng ta vẫn còn thấy nhắc đến hai chữ “song thân", chỉ bố mẹ sinh thành, hay “tứ thân phụ mẫu” chỉ bố mẹ bên chồng và bố mẹ bên vợ. Nên khi gọi là áo ngũ thân, vừa có nghĩa đen là một tấm vải được ghép nối viền với tấm vải khác, khâu lại với nhau mà thành chiếc áo hoàn chỉnh nhưng nó cũng được liên tưởng tới: Hai thân trước (vạt cả) tượng trưng cho cha mẹ sinh thành, hai vạt sau tượng trưng cho cha mẹ người hôn phối và tấm thân con nằm bên trong vạt phía tay phải người mặc tượng trưng cho người mặc áo, tức là người con. Và dĩ nhiên, phận làm con phải giữ trọn đạo hiếu với “tứ thân phụ mẫu”. Chẳng thế mà các cụ xưa vẫn nhắc nhở con cháu: “Y phục xứng với kỳ đức” đó sao?!
Năm chiếc khuy được đính trên bộ thường phục, dù được làm bằng chất liệu gì, từ sừng, vàng, bạc, đồng, xương, ngọc trai, đá quý thì nó cũng có hàm ý liên tưởng đến đạo lý mà người đàn ông thời đó phải thuộc nằm lòng. Đó là ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Thảng hoặc, theo triết lý âm dương, ngũ hành phương Đông: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Đối với chiếc khăn vấn/đóng hình chữ nhân: Nhân (người) biểu trưng cho nhân phẩm, nhân cách làm người. Cách vấn khăn thứ 2 theo hình chữ nhất: Nhất, có cách gọi khác là hình lưỡi con trai (ao, hồ, sông). Về biểu tượng, chữ Nhất tượng trưng cho sự chân thành, cương trực và quyết đoán.
Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một loại trang phục truyền thống riêng mà chỉ cần nhìn cách phục sức của họ, chúng ta có thể nhận biết họ thuộc quốc gia nào. Nếu người Nhật Bản có kimono, người Hàn Quốc có hanbok, người Ấn Độ có achkan (hay còn có tên là sherwani), người Trung Quốc có sườn xám… thì Việt Nam chúng ta có bộ trang phục nào được chọn làm đại diện cho “màu cờ, sắc áo”?
Câu thành ngữ: “Quen sợ dạ, lạ sợ quần áo”, ở vế thứ hai, trong lần đầu tiếp xúc, cái đập vào mắt người đối diện là trang phục. Sự thán phục hay chê cười, sự kính trọng hay coi khinh, sự tò mò cuốn hút hay thờ ơ lãnh đạm, đẳng cấp hay thấp hèn… cũng vì thế phát sinh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bộ trang phục không chỉ được hiểu là tấm áo, manh quần che đậy cơ thể mà nó còn biểu hiện tính cách, gout thẩm mỹ, tâm hồn và tư duy thời đại của dân tộc ấy.
Một đất nước được mệnh danh là “ngàn năm văn hiến”, “ngàn năm văn vật” mà vẫn còn loay hoay chưa thống nhất, lựa chọn được bộ “Quốc phục” đại diện cho dân tộc mình là sao nhỉ? Trong khi đó chúng ta đã từng có bộ trang phục áo ngũ thân, được chọn làm “Quốc phục”, đồng hành với đất nước, kéo dài liên tục suốt hơn 200 năm có lẻ, kể từ thời điểm chúa Nguyễn Phúc Khoát lên nắm quyền (1738 - 1765).
Áo ngũ thân nam truyền thống là trang phục mang nét trang trọng, lịch lãm, cương nghị nhưng nhu hòa, nghiêm cẩn tạo nên tâm hồn, cốt cách của người đàn ông đất Việt xưa nay.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, áo ngũ thân giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh con người Việt Nam mà còn chứa đựng cả linh hồn dân tộc. Không chỉ là trang phục truyền thống, áo dài nam còn thể hiện những giá trị tốt đẹp về đạo đức, thẩm mỹ và là một di sản quý báu. Chúng ta, những thế hệ trẻ hãy cùng chung tay giữ gìn và bảo tồn những giá trị nhân văn trong trang phục truyền thống để biết trân quý những giá trị nhân bản, cao thượng và ước vọng vươn tới sự độc lập, tự chủ về văn hóa mà ông cha ta muốn gửi gắm.
Lời kết
Khởi thủy, bộ trang phục áo ngũ thân, lập lĩnh, khuy cài, tay chẽn dùng cho cả 2 giới nam, nữ được chúa Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc lệnh cải tổ cùng thời điểm. Ấy vậy mà vào thời điểm diễn ra hội thảo vừa rồi, vẫn có những vị còn mơ hồ về sự hiện hữu của áo ngũ thân nam truyền thống.
Phần lớn các nhà nghiên cứu, nhà quản lý chuyên ngành, nhà thiết kế thời trang, may mặc… mặc định trong tiềm thức khi nhắc đến áo dài thì ngầm hiểu đó là áo dài nữ. Đơn vị tổ chức cũng hy vọng qua buổi hội thảo này, tập hợp đầy đủ tư liệu, hình ảnh và ý kiến đóng góp của những người trình bày tại hội thảo để xây dựng bộ hồ sơ đưa áo dài nữ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để áo dài được nhà nước vinh danh, chuyện không khó nhưng cần một cách tiếp cận toàn diện và khoa học hơn.
Nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường