CỰC SỐC: Hai tranh khỏa thân của Lê Phổ bán hơn 44 tỷ đồng

Chủ Nhật, 26/5/2019, 10:48 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Phiên đấu Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại tiếp tục diễn ra tại Christie’s Hong Kong vào sáng nay 26/5/2019, từ lúc 10h (tức 9h Việt Nam). Với 138/232 lô hàng dành cho nghệ thuật Việt, đây là một sự áp đảo về số lượng. CỰC SỐC: Kết quả có 138/138 lô hàng Việt Nam được bán.

Bức tiêu điểm của Lê Phổ là Khỏa thân (sơn dầu, 90,5cm x 180,5cm, 1931) không nằm ngoài dự đoán từ sớm, đã bán 10.925.000 HKD, tương đương gần 1,4 triệu USD, hơn 32,3 tỷ đồng.

Tranh Lê Phổ, Đấu giá tranh Lê Phổ, Tranh khỏa thân Lê Phổ, Christie’s Hong Kong
Kiệt tác "Khỏa thân" của Lê Phổ - quán quân mới về giá bán công khai của tranh Việt

Bức này có dự đoán ban đầu từ 4.000.000 đến 6.000.000 HKD, thuộc sưu tập của Mr Tuan H. Pham (California, USA), tăng giá hơn 250% giá sàn.

Một tác phẩm khỏa thân độc đáo khác của Lê Phổ là Le Bain de Mer (Tắm biển, lụa bồi giấy, 88cm x 56,5cm, khoảng 1938) đã bán 3.965.000 HKD, tương đương hơn 11,7 tỷ đồng, trong khi giá dự đoán từ 2.000.000 đến 3.000.000 HKD. Bức này cũng thuộc sưu tập của Mr Tuan H. Pham.

Tranh Lê Phổ, Đấu giá tranh Lê Phổ, Tranh khỏa thân Lê Phổ, Christie’s Hong Kong
Bức "Tắm biển" của Lê Phổ mới lạ, táo bạo về bố cục

Cả hai tác phẩm khỏa thân này đều xứng tầm là kiệt tác, vì có ý nghĩa lớn về mặt nghệ thuật, được vẽ từ rất sớm - trước năm 1940 - nên đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử hội họa Việt Nam. Với bối cảnh xã hội và văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ, gần như việc vẽ một tranh khỏa thân là điều không thể tưởng tượng và khó chấp nhận được.

Nếu bức Khỏa thân có bố cục và cảm hứng Tây phương, thì bức Tắm biển có cảm hứng từ nàng Tiên Dung táo bạo, sẵn sàng vượt qua ràng buộc, sẵn sàng “tắm tiên” những nơi mình thích.

Cũng nên lưu ý thêm rằng, thời bấy giờ tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, gần như tất cả mẫu đều là nam giới và đều là tù nhân được đưa ra khỏi nơi giam giữ vài giờ để phục vụ cho việc giáo dục. Vẽ khỏa thân nữ như Lê Phổ không chỉ táo bạo về mặt tư duy hình họa, mà còn là điều khó khăn về nhiều thứ, trong đó có cả chuyện vượt lề thói bảo thủ.

Chú thích ảnh
Bức "Vỡ mộng" của Tô Ngọc Vân đây là bước đột phá về giá bán công khai của danh họa này

Bức Les Désabusées (Vỡ mộng, lụa, 92,5cm x 57cm, 1932) của Tô Ngọc Vân đã bán hơn 27 tỷ đồng, hơn 1,1 triệu USD, tăng gần 400% so với mức sàn.

Không bất ngờ khi kiệt tác này trở nên cao giá nhất của Tô Ngọc Vân và gần như cao giá nhất của cả bộ tứ Trí - Lân - Vân - Cẩn trên thị trường công khai. Chúng tôi sẽ trở lại với bức này trong một dịp gần đây.

Chú thích ảnh
Bức "Gia đình ngư dân" của danh họa Lương Xuân Nhị

Bức Le Pécheur et Sa Famille (Gia đình ngư dân, lụa, 67cm x 110cm, 1940) của Lương Xuân Nhị bán hơn 13,8 tỷ đồng. Đây cũng là một trong vài bức có giá bán công khai cao nhất của danh họa này.

Chú thích ảnh
Bức "Vị quan" của Vũ Cao Đàm

Bức Le Mandarin (Vị quan, lụa, 145,5cm x 71cm, 1942) của Vũ Cao Đàm bán hơn 5,5 tỷ đồng. Đây cũng là một trong vài bức có giá bán công khai cao nhất của danh họa này.

Chú thích ảnh
Bức "Say ngủ" của Mai Trung Thứ

Bức Le Sommeil (Say ngủ, lụa, 65cm x 54,5cm, 1938) của Mai Trung Thứ bán 7,4 tỷ đồng. Bức Femmes (Quý cô, sơn mài, 80cm x 60cm, 1968) của Nguyễn Gia Trí bán hơn 2,7 tỷ đồng. Bức Mère et Enfant (Mẫu tử, lụa, 63cm x 49cm, 1960) của Lê Thị Lựu bán hơn 4,8 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Bức "Mẫu tử" của Lê Thị Lựu
Chú thích ảnh
Bức "Quý cô" của Nguyễn Gia Trí

Bức Múa cổ (sơn mài, 80cm x 95cm, 1974) của Nguyễn Tư Nghiêm bán gần 630 triệu đồng. Bức Vịnh Hạ Long (sơn mài, 40,5cm x 60cm) của Phạm Văn Đôn bán hơn 592 triệu đồng. Bức Mẹ và con (sơn dầu trên toan, 149cm x 149cm, 1999) của Nguyễn Trung bán hơn 592 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Bức "Múa cổ" của Nguyễn Tư Nghiêm

Chừng 6-7 năm trước thôi, khi đứng gần các danh họa trong/của khu vực Đông Nam Á như Affandi (1907-1990), Hendra Gunawan (1918-1983), Lee Man Fong (1913-1988), S. Sudjojono (1914-1986), Adrien-Jean Le Mayeur De Merprès (1880-1958), Willem Gerard Hofker (1902-1981), Fernando Cueto Amorsolo (1892-1972), Raden Saleh Sjarif Boestaman (1807-1880), Arie Smit (1916-2016), Chen Wen Hsi (1906-1991)…, giá bán dự đoán của tranh Việt có ít nhiều lép vế.

Bây giờ đã khác, tình thế ngang ngửa nhiều hơn, đôi khi tiêu điểm như phiên này, khi khởi động đã là nghệ thuật Việt Nam, với 5-6 tác phẩm dẫn đầu về thứ tự và giá bán.

Chú thích ảnh
Bức "Vịnh Hạ Long" của Phạm Văn Đôn

 

Chú thích ảnh
Bức "Mẹ và con" của Nguyễn Trung

Phiên đấu này cũng giới thiệu 17 tác phẩm thuộc sưu tập của Tuấn Phạm (California, Mỹ), trong đó có vài kiệt tác. Tuấn Phạm (Phạm H. Tuấn) tình cờ mua một tranh Lê Phổ tại Nam Florida vào những năm cuối thập niên 1990, tưởng đó là tranh Trung Quốc, do thấy chữ Nho. Nhưng sự tình cờ đó làm nên định mệnh, 20 năm qua ông đã nhanh chóng “càn quét”, để ngày nay trở thành một “gấu bự” tranh Việt.

Chú thích ảnh
Nhà sưu tập Tuấn Phạm (Phạm H. Tuấn). Ảnh trích từ phim của Christie’s

“Tôi bắt đầu Phamatech, một công ty công nghệ sinh học và phòng thí nghiệm, vào năm 1991. Nhiệm vụ của tôi là sử dụng các công nghệ mới và mới nổi để cung cấp nhận thức về sức khỏe tốt hơn, chẩn đoán sớm các điều kiện y tế và nâng cao chất lượng cuộc sống và lựa chọn điều trị cho bệnh nhân. Sau đó, tôi không chỉ có thể đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình trong việc xây dựng một công ty đáng kính và có ý nghĩa, tôi còn có thể chia sẻ thành công của Phamatech bằng cách trả lại cho cộng đồng. Trong nhiều năm, Phamatech là nhà tài trợ thường xuyên cho nhiều sự kiện cộng đồng. Chúng tôi giúp thành lập một nhóm phi lợi nhuận dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, và trong 10 năm qua, Phamatech đã trao học bổng đại học cho nhiều sinh viên kém đặc quyền để đạt được ước mơ của họ trong đại học” - Tuấn Phạm chia sẻ.

Nhà sưu tập Tuấn Phạm nói thêm: “Tôi đã gắn bó với nhiều bức tranh, nhưng giống như họa sĩ vẽ nó, nó thực sự không phải là tranh của tôi, cho nên nó tiếp tục tìm vị trí của nó trong số các nhà sưu tập thực thụ hơn. Hành trình của tôi đã hoàn tất, đã đến lúc để người khác bắt đầu hành trình cá nhân của riêng họ”.

Văn Bảy

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến