(Thethaovanhoa.vn) - “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, công trình nghệ thuật gắn gốm ra đời nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được công nhận kỷ lục Guinness những ngày này đang rơi vào tình cảnh… hoang tàn. Nơi rạn nứt, chỗ bong tróc, mảng bị thiêu đốt đen sì, nhiều đoạn còn là nơi người dân vứt rác...
Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Đức, hoạ sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả "Con đường gốm sứ sông Hồng" đang tham dự chuyến thăm quan học hỏi kinh nghiệm tại Đức từ 13 -18/9 tại Berlin.
Hiện trạng nhếch nhác này không chỉ cho thấy sự xuống cấp đáng tiếc của công trình mà còn báo động về cung cách quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng như sự quan tâm, ứng xử văn hóa của xã hội với một tác phẩm nghệ thuật công cộng ít nhiều đã tạo dấu ấn với người dân và du khách khi đến Hà Nội.
Có còn ai nghĩ đây là công trình nghệ thuật?
Được ra đời từ ý tưởng của họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy, “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” ngoài ý nghĩa là món quà dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới, đó còn là tác phẩm đã đoạt giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”.
Phải nhấn mạnh lại lần nữa, đây không phải lần đầu tiên dư luận bức xúc trước hình ảnh những mảng gốm bị rơi rụng, bong tróc, không được sửa chữa kịp thời. Công tác quản lý, vận hành đối với một công trình nghệ thuật công cộng dường như chưa trở thành thói quen, đã khiến cho nhiều đoạn, mảng tranh không còn nguyên vẹn. Thiếu bàn tay chăm sóc, con đường gốm sứ mềm mại đã không còn giữ được nét duyên dáng của những ngày đầu. Tuy nhiên, lần xuống cấp này thì sự xấu xí, nhem nhuốc ở công trình đã khiến người đi đường không chỉ còn dừng lại ở sự ngao ngán. Một người dân sống trên phố Nghi Tàm lắc đầu nói: “Chẳng có thì thôi, đã mất bao công sức để làm nên rồi mà không giữ gìn, để xuống cấp thậm tệ thế này thì chả ai còn dám nói đây là công trình nghệ thuật quảng bá hình ảnh Thủ đô nữa...”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Văn Hóa, sở dĩ trên “Con đường gốm sứ” xuất hiện nhiều mảng gốm bị bong tróc, nứt nẻ, đen xì là do việc đốt rác thải sát đoạn đường gốm vào ban đêm. Nhiệt độ từ những chiếc lốp cao su và rác bị đốt tạo khói đen, lớp gốm thì bị bong tróc, nứt toác. Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả công trình thở dài, như là có bàn tay phá đi tâm sức của biết bao người vậy. Chứng kiến những mảng tranh bị hỏng, có lẽ không ngôn từ nào có thể diễn tả được nỗi xót xa của người nghệ sĩ đã dành nhiều tâm huyết cho tác phẩm.
Con đường gốm sứ kéo dài từ đầu Trần Khánh Dư đến Nghi Tàm, gồm nhiều bức tranh chủ đề khắc họa lịch sử dân tộc từ Đông Sơn qua Lý, Trần, Lê, Nguyễn; tái hiện các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm; tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề Hà Nội - thành phố vì hoà bình; tranh đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế... Đặc biệt, đây là công trình tạo được những ấn tượng mạnh mẽ với du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội qua nhiều hình ảnh khắc họa nét đẹp văn hóa Việt Nam, từ những hình ảnh dân gian truyền thống đến những hình ảnh thời hiện đại, phản ánh thời kỳ đất nước đổi mới, phát triển.
Đã trải qua một vài đợt trùng tu, sửa chữa, nhưng đến nay nhiều đoạn tranh tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng. Từng mảng gốm bị phồng rộp, nứt vỡ, bong tróc, lộ rõ những mảng tường xám xịt bên trong. Chưa kể, nhiều đoạn trên con đường này không biết từ bao giờ còn là nơi người dân tập kết hàng hóa, vứt rác và cả... tiểu bậy. Đáng nói là, sau gần 10 năm từ ngày khánh thành, hiện tượng bong tróc, nứt vỡ trên con đường gốm sứ đã không còn xa lạ với người dân Hà Nội nữa. Chỉ vài cây số nhưng đập vào mắt là những đoạn bức tranh bị biến dạng hoàn toàn. Khi thiết kế và xây dựng, mỗi đoạn tường tại đây đều có nội dung riêng, tạo thành một bức tranh gốm tổng thể. Tuy nhiên việc bong tróc, vỡ nát khiến cho nội dung những đoạn tường này bị phá vỡ.
Đó là sự đối xử thô bạo với một công trình văn hóa
Từng được xem là một trong những công trình nghệ thuật ngoài trời tiêu biểu của Thủ đô thì đáng ra “Con đường gốm sứ” cần phải được trân trọng cũng như nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, bảo vệ chứ. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) cho rằng, là tài sản văn hóa của Thủ đô nên Hà Nội phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản. Ở góc độ ứng xử đối với công trình nghệ thuật công cộng, họa sĩ Vi Kiến Thành nhấn mạnh: “Kéo dài tình trạng này không ổn. Chính quyền địa phương cần phải quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời phải có ngay giải pháp để ngăn chặn tình trạng công trình tiếp tục bị xuống cấp. Chứng kiến những hình ảnh này quả thật rất phản cảm, thậm chí có thể cảm nhận đó là sự đối xử thô bạo với một công trình văn hóa công cộng”.
Trao đổi riêng với Văn Hóa, Ban Quản lý Di tích - danh thắng Hà Nội cho biết đã nắm được tình trạng xuống cấp của “Con đường gốm sứ” thông qua công tác kiểm tra thường nhật, đồng thời cũng nhận được những phản ánh của người dân về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc đốt rác thải sát đoạn đường gốm vào ban đêm. Theo ông Đỗ Hồng Điệp, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích-danh thắng Hà Nội: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp công trình như kỹ thuật, thời tiết, ảnh hưởng của lưu lượng phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể, các bức tranh gốm được gắn trên 2 bức tường ghép vào nhau, phía dưới là tường bằng bê tông chắn đê trước đó, ở trên là bức tường bằng gạch xây bổ sung trong quá trình ghép tranh. Giữa hai bức tường chỉ gắn kết bằng mạch vữa không có trụ, cột, vì thế việc xảy ra rạn nứt là tất yếu...”.
Ban Quản lý Di tích - danh thắng cũng trần tình, sự khắc nghiệt thời tiết cũng tác động một phần không nhỏ đến chất lượng công trình. “Con đường gốm sứ” được xây dựng bên cạnh đường giao thông, có lưu lượng xe qua lại rất đông, gây nên sự rung lắc lớn, khiến nhiều đoạn bị bong tróc, xuống cấp rất nhanh. Đặc biệt là vấn đề ý thức của người dân trong việc ứng xử với các công trình văn hóa chưa cao, rất thiếu văn minh, cụ thể ở đây là “Con đường gốm sứ” ven sông Hồng. Nhiều người vứt rác, đốt lửa ngay cạnh chân công trình, thậm chí còn tiểu tiện cả vào bức tranh, gây phản cảm, mất vệ sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của công trình.
Cũng theo ông Đỗ Hồng Điệp, công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa được triển khai đều đặn. Ban Quản lý Di tích - danh thắng thực hiện việc kiểm tra thường nhật 1h/ngày trên đoạn đường có con đường gốm sứ để nắm bắt tình hình. Năm 2015, Sở VHTT đã triển khai công tác sửa chữa, bảo dưỡng đoạn nằm dọc trên tường đê từ đường Yên Phụ qua đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải và kết thúc tại đường Trần Khánh Dư với độ dài 3,742km. Năm 2016, Sở tiếp tục thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng một đoạn bị ảnh hưởng bong tróc nhiều với độ dài 1,01km chạy dọc theo tuyến đê sông Hồng từ số 1053 phố Hồng Hà đến phố Chương Dương Độ. Với những mảng bong tróc nhỏ, Sở VHTT giao Ban Quản lý Di tích - danh thắng Hà Nội phối hợp cùng Công ty TNHH Tân Hà Nội thực hiện trám vá để đảm bảo tính thẩm mỹ.
“Tuy nhiên, thời gian gần đây việc xuống cấp của con đường gốm sứ thể hiện rõ hơn, các vết bong tróc lớn, các vết nứt, vết nhám đen xuất hiện. Do vậy, Sở VHTT tiếp tục giao Ban Quản lý Di tích - danh thắng Hà Nội xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa đoạn đường có những mảng bong tróc đó trong năm 2020. Trước mắt, Ban sẽ yêu cầu đơn vị Công ty TNHH Tân Hà Nội có biện pháp chuyên môn, kỹ thuật khắc phục tạm thời để đảm bảo tính mỹ quan của công trình...”, Phó Ban Quản lý Di tích - danh thắng Hà Nội Đỗ Hồng Điệp cho biết.
Báo Văn hóa