(Thethaovanhoa.vn) - Giống như tuổi thơ của biết bao nhiêu chàng trai, ca sĩ Hoàng Bách đến với trái bóng trên những khoảng cỏ, sân trường và cả trên lưng anh trai – cầu thủ năng khiếu của đội Nam Định năm nào.
Nam Định những năm 1980 trở về trước, anh của Hoàng Bách khi ấy thay mẹ chăm sóc em những lúc mẹ đi làm. Cứ thế, Bách theo chân anh “lê la” trên khắp các sân đá phủi khác nhau.
Trong vali lưu diễn luôn có đôi giày thể thao
Bách không biết mình yêu bóng đá từ khi nào,để rồi từ nhỏ đến lớn không có khoảng thời gian nào xa rời trái bóng, có thể đá từ sân nhỏ đến sân lớn. Thậm chí đến bây giờ khi đã trở thành nghệ sĩ, đi lưu diễn ở trong hay ngoài nước thì trong vali của anh lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một đôi giày thể thao để tranh thủ giao lưu bóng đá với mọi người.
Hoàng Bách (trái) và cựu cầu thủ Hồng Sơn
Bởi yêu bóng đá, nên năm 2010, anh thành lập đội bóng nghệ sĩ Sai Gon Artist United với những thành viên ban đầu là ca sĩ Phương Thanh – chủ tịch danh dự, ca sĩ Phạm Anh Khoa, Tiến Đạt hay sau này là ca sĩ Lương Viết Quang, ca sĩ Ngọc Minh Idol hay diễn viên Văn Anh…Trải qua nhiều những thay đổi về nhân sự cũng như cách thức hoạt động, cho đến giờ này đội bóng vẫn hoạt động đều đặn hàng tuần và cứ cách 1 tháng lại có 1 trận du đấu ở tỉnh.
“Tâm sự” về tình yêu của mình với bóng đá, Hoàng Bách kể rằng, anh phải lòng một đội tuyển suốt từ EURO 1988, đó là Hà Lan. Đó cũng là năm lên ngôi của màu áo cam đẹp mắt cùng lối chơi “bay bổng”.
Ai yêu bóng đá đều biết Hà Lan là một đại diện của bóng đá đẹp, bóng đá tổng lực, của những bóng đá không toan tính và tấn công đều khắp mặt sân. Hoàng Bách nghĩ nóhợp với nhân sinh quan của anh: Sống là cống hiến và phải chơi cho hết mình - và chơi thật đẹp mắt.
Đội tuyển Hà Lan đã chạm vào trái tim anh như thế. Dù rằng đội tuyển này không mang nhiều thành tích, song họ mang đến cái đẹp trong bóng đá. Họ coi đó là sứ mệnh của bản thân mình trong cuộc sống.
Rồi Hoàng Bách yêu đội tuyển Anh chậm hơn, vào khoảng những năm 1995-1996 khi Giải bóng đá ngoại hạng Anh tràn vào Việt Nam. Câu lạc bộ Bách yêu thích là Man United,cũng vì thế mà Bách theo dõi và yêu đội tuyển Anh lúc nào không biết.
Với đội tuyển Anh, Hoàng Bách nhìn ở họ sự nhiệt tình, lòng quả cảm mặc dù họ cũng không liên tục giành chiến thắng như đội tuyển Đức, Italyhay Brazil nhưng có lẽ những cái kết không trọn vẹn lại khiến những người làm nghệ thuật như Bách nâng niu và nhìn thấy ở đó nhiều cảm hứng sống, nhiều điều nên học.
Năm 1996, Anh là nước chủ nhà của EURO. Lần đầu tiên, hai đội tuyển mà Hoàng Bách yêu thích gặp nhau. Hoàng Bách“chia” mình ra làm đôi và lúc ấy anh mới biết mình dành tình cảm cho đội Hà Lan nhiều hơn. Nhưng rồi sau tất cả, Hoàng Bách vẫn luôn song hành, ủng hộ hai đội tuyển này.
Đến giờ, ca sĩ Hoàng Bách chưa thể xa rời trái bóng Cũng “du đấu” dịp EURO
Nhớ lại những hồi ức về EURO, Hoàng Bách không thể quên năm 1996, năm đặc biệt nhất với anh, bởi đó là kỳ xem EURO cuối cùng ở quê hương Nam Định, trước khi anh chuyển hẳn vào Nam sinh sống và lập nghiệp. Đó là cả những xáo trộn lớn về tâm lý của một chàng trai bắt đầu lứa tuổi thanh niên, giã từ tuổi thiếu niên và có nhiều suy nghĩ về cuộc đời, bóng đá và nơi mình sống.
Tuổi thơ đã chấm dứt như thế và Bách xem bóng đá theo một cách khác, tận hưởng cuộc sống và chơi với cuộc sống theo cách khác hơn.
Trở về với hiện tại, mùa EURO năm nay, đội bóng nghệ sĩ cũng tổ chức một sự kiện đặc biệt. Một thành viên trong Sai Gon Artist Unitedsẽ tổ chức đám cưới vào đúng dịp này. Cả đội sẽ tới Nha Trang, một là chia vui cùng cô dâu chú rể, hai là tham gia du đấu ngay tại đó. Tình anh em, bạn bè gắn bó với nhau cả trên sân cỏ lẫn ở ngoài đời.
Ý nghĩa hơn cả, đội bóng nghệ sĩ cũng nhận lời tham gia nhiều trận đấu với tinh thần thiện nguyện trên nhiều tỉnh, thành. Thay cho lời kết, Hoàng Bách chia sẻ rằng với anh, bóng đá là cơ hội để mọi người kết nối với nhau, không chỉ bởi họ có chung niềm đam mê mà ở đó, họ cùng nhau sẻ chia và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Lý Phương Linh
Thể thao & Văn hóa