Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 2): ‘Dark Was The Night...’ - Nỗi cô đơn vĩnh cửu

Chủ Nhật, 15/9/2019, 7:22 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trước câu hỏi về sự sống ngoài trái đất, năm 1977, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng vào không gian hai tàu thăm dò Voyager 1 và Voyager 2 thuộc chương trình The Voyager, mang nhiệm vụ khám phá hệ Mặt trời ngoài kia.

'Dark Was The Night, Cold Was The Ground': Giai điệu để đến với hành tinh khác

'Dark Was The Night, Cold Was The Ground': Giai điệu để đến với hành tinh khác

Trôi nổi trong vũ trụ vô định, vượt khỏi hệ mặt trời đến tận không gian cách trái đất hiện nay khoảng 16 tỷ km, con tàu Voyager 1 mang theo sứ mệnh lịch sử của loài người là chiếc đĩa vàng với thông điệp lạnh lẽo về nỗi cô đơn.

Nhưng ngoài là một nhiệm vụ khoa học, chương trình Voyager còn mang sứ mệnh văn hóa và nghệ thuật về cư dân trái đất, được lưu trữ trong hai đĩa vàng Voyager Golden Record.

Voyager Golden Record, gắn vào cạnh mỗi tàu Voyager kèm máy đọc, được chế tạo để có thể tồn tại được tới 1 tỷ năm! Trong đĩa chứa âm thanh và hình ảnh mà NASA tin là mô tả tính đa dạng của sự sống và văn hóa trên trái đất.

Một trong những tác phẩm âm nhạc trongVoyager Golden Recordlà ca khúc Dark Was The Night, Cold Was The Ground của Blind Willie Johnson.

Chú thích ảnh
Cặp đĩa “Voyager Golden Record” được làm bằng đồng mạ vàng, đường kính 30cm. Vỏ bọc đĩa là nhôm và được mạ điện đồng vị uranium-238 siêu tinh khiết có chu kỳ bán rã lên tới 4,468 tỷ năm

Đĩa vàng về nhân loại

“Đây là món quà từ một thế giới xa xôi, nhỏ bé, biểu hiện âm thanh của chúng ta, nền khoa học của chúng ta, những hình ảnh của chúng ta, âm nhạc của chúng ta, suy nghĩ của chúng ta và cảm giác của chúng ta. Chúng ta đang nỗ lực lưu giữ thời đại, để chúng ta có thể sống trong họ” - cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nói về cặp đĩa đặc biệt này.

Voyager Golden Record chứa nhiều thông tin trực quan liên quan tới trái đất như ảnh Vạn Lý Trường Thành, người mẹ, cá heo, hoàng hôn… kèm lời chào bằng 55 ngôn ngữ cổ đại và hiện đại cũng như những âm thanh quen thuộc như tiếng bước chân, tiếng cười hay tiếng tim đập. Bên cạnh đấy là một phần quan trọng, gây ít nhiều tranh cãi trong lựa chọn - âm nhạc. 

Âm nhạc không phải một thứ trực quan để định lượng, mà ngược lại, là một dạng biểu tượng, khiến nó có thể được hiểu theo cả những cách đối ngược nhau. Việc lựa chọn, do đó, cần rất cẩn trọng. 

Carl Edward Sagan - nhà khoa học thuộc Đại học Cornell, người đứng đầu hội đồng tuyển chọn nội dung cho đĩa vàng -đã cùng với Linda Salzman Sagan, Frank Drake, Alan Lomax, Ann Druyan, Jon Lomberg, Timothy Ferris và Jimmy Iovine -  nhận nhiệm vụ chọn nhạc. Họ đã đi từ những nhà soạn nhạc vĩ đạiđược thời gian của con người kiểm chứng như J.S. Bach, Mozart, Beethoven và Stravinsky tới những nhân vật mang tính thời đại như Chuck Berry. Ở giữa đó là mảng nhạc từng ghi dấu thời đại nhưng phần nào đã trôi vào quên lãng theo thời gian.

Tất cả những bản được lựa chọn ở đây không chỉ đặc sắc và điển hình về âm nhạc, mà như tất yếu của các kiệt tác, đều ẩn chứa trong mình những câu chuyện. Hãy bắt đầu bằng ca khúc Dark Was The Night, Cold Was The Ground của Blind Willie Johnson. 

Đêm trường

Dark Was The Night, Cold Was The Ground là ca khúc buồn bã đã đi vào xương tủy của lịch sử Mỹ, do nghệ sĩ blues hát nhạc Phúc âmBlind Willie Johnson sáng tác và biểu diễn.

Nó được lựa chọn vào Voyager Golden Record bởi theo Ferris, “ca khúc của Johnson liên quan tới tình cảnh mà ông đã nhiều lần phải đối mặt: Đêm xuống mà không có chỗ để ngủ. Kể từ khi con người xuất hiện trên trái đất, bóng đen của đêm chưa ngày nào không phủ lên một người đàn ông hay phụ nữ cùng cảnh ngộ khốn cùng đó”.

Nhưng nỗi buồn màn đêm của Johnson chẳng đơn thuần là cảm giác bơ vơ không nơi nương tựa khi mặt trời khuất núi, mà nó là nỗi cô đơn vĩnh cửu không thể cứu vãn được nhờ mặt trời lên, bởi ông là một người mù. Nó cũng tựa như đau khổ và mất mát là thứ không thể tách rời khỏi lịch sử loài người nếu cần phải giới thiệu.

Johnson sinh năm 1987 tại Texas, Mỹ, không phải người mù bẩm sinh nhưng đã bị mất thị lực từ nhỏ. Nguyên nhân của khuyết tật này không chắc chắn nhưng hầu hết các sử gia về ông cho rằng đó là bởi hành động của mẹ kế, theo lời góa phụ Angeline Johnson.

Bà nhớ rằng vụ việc xảy ra khi cha Johnson động chân, động tay với vợ vì nghi ngờ tính chung thủy của bà và trong cuộc cãi vã, mẹ kế của Johnson đã làm văng dung dịch kiềm vào mắt nghệ sĩ, khiến ông bị tổn thương vĩnh viễn. Cũng có một vài ý kiến khác giải thích sự suy giảm thị lực của Johnson như ông đeo sai kính hoặc do đã xem nhật thực một phần - có thể quan sát ở Texas vào năm 1905 hoặc kết hợp cả hai phỏng đoán này.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ mù Blind Willie Johnson đã mang hết tài năng và nỗi niềm của mình vào “Dark Was The Night, Cold Was The Ground”, gợi nên nỗi bi ai mênh mang trong đời người

Nhưng dù lý do thật sự là gì thì mù lòa đã truyền niềm tin mạnh mẽ cho Johnson rằng ông được sinh ra là để làm nhà thuyết giáo và hát nhạc blues phúc âm. Được cha tặng cho chiếc đàn guitar hộp xì gà năm lên 5 tuổi, Johnson sớm bộc lộ tài năng cả về giọng hát và khả năng chơi đàn. Tuy nhiên, sự nghiệp âm nhạc của Johnson chỉ bắt đầu khi người săn tìm tài năng của Columbia Records là Frank Buckley Walker phát hiện và đưa ông tới phòng thu vào năm 1927.

Johnson được đánh giá là bậc thầy về blues, đặc biệt là blues phúc âm. Ông sở hữu “giọng ngực” trầm, gằn và mạnh đủ để người đi bộ trên phố có thể nghe thấy. Đặc biệt, phải nhắc tới kỹ thuật slide trong guitar (trượt ngón tay từ nốt này qua nốt khác) sẽ ảnh hưởng lớn tới các thế hệ về sau. Cả hai điều này đều được thể hiện rõ ràng nhất trong chính ca khúc Dark Was The Night, Cold Was The Ground - kiệt tác của ông. 

Dark Was The Night, Cold Was The Ground mượn cấu trúc từ Gethsemane, một bản thánh ca tiếng Anh hồi thế kỷ 18. Gethsemane, hay Vườn Cây Dầu, chính là nơi Chúa Jesus và các tông đồ đã cầu nguyện vào đêm trước khi Ngài bị đóng đinh. Lời bài hát, do đó, là câu chuyện bi ai đêm đó, nơi “Đêm tối đen, mặt đất lạnh lẽo/Nơi Chúa nằm lên/ Mồ hôi Ngài như máu rơi xuống/Trong đau đớn, Ngài cầu nguyện”. Tuy nhiên, nó được thể hiện theo lối “rền rĩ đồng âm”, phổ biến trong hát thánh ca thời đó; trong đó, mục sư và ca đoàn hát ngân nga âm thanh không lời. 

“Một người mù sẽ hăm hở muốn gặp ai đó biết rằng bóng đêm dài vô tận” - như Albert Camus viết - Johnson đã hát lên Dark Was The Night, Cold Was The Ground với tất cả nỗi niềm cuồng nhiệt và đau đớn của một người mù và của một người truyền giáo. Cơn bi ai mênh mang, cộng với độ nứt của bản ghi, theo Sagan, rất hợp với không gian rộng lớn, mơ hồ mà các tàu Voyager đang hướng tới. 

Các tàu Voyager, lấy năng lượng từ pin hạt nhân, sẽ phải dừng hoạt động, có thể, trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, sứ mệnh của chúng sẽ vẫn tiếp tục. Chúng sẽ chuyển động quanh trung tâm dải Ngân hàng thêm hàng tỷ năm nữa, là đại sứ của trái đất với Ngân hà, mang bản lưu trữ giúp nhân loại tồn tại mãi. 

Một ngày nào đó trong tương lai, có thể khi Homo Sapiens - loài người hiện nay trên trái đất - đã diệt vong, biết đâu một người ngoài hành tinh, hoặc chính thế hệ con người trái đất trong tương lai, sẽ tìm thấy một trong những tàu Voyager, mở đĩa vàng và biết về văn hóa nhân loại - khi đó đã trở thành nền văn minh cổ đại. 

Nếu công nghệ tiên tiến hơn, như chúng ta đang tìm hiểu văn minh cổ đại, họ cũng truy tìm ra nguồn gốc của văn hóa lưu trữ năm 1977. Nếu như vậy, họ sẽ tìm được một câu chuyện rất ý nghĩa. Còn không, sức mạnh biểu tượng của âm nhạc cũng sẽ cho họ thấy nỗi niềm bi ai thần thánh của con người trong Dark Was The Night, Cold Was The Ground. 

Vài nét về nghệ sĩ Blind Willie Johnson 

Mặc dù thành danh và lưu danh, trở thành cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ lớn về sau như Eric Clapton, Bod Dylan hay Led Zeppelin, nhưng nỗi niềm màn trời chiếu đất trong Dark Was The Night, Cold Was The Ground vẫn vận vào Johnson ở cuối đời. 

Năm 1945, nhà ông bị thiêu rụi, không còn nơi nào để đi, Johnson phải tiếp tục sống trong đống đổ nát ẩm ướt của ngôi nhà và vì đó, ông bị sốt rét. Không bệnh viện nào cho ông nhập việnvì thị lực suy giảm, và như Angeline Johnson nói trong một buổi phỏng vấn, vì ông là người da đen. Tình trạng ngày một xấu đi khiến ông qua đời không lâu sau đó, vào ngày 18/9/1945.

Là một người mộ đạo, không rõ Johnson ở đâu trong đêm tối ngoài kia sau khi qua đời. Về Voyager, không lâu sau khi tàu thăm dò được phóng đi, nhạc sĩ Steve Martin đùa rằng có một thông điệp gửi về trái đất với yêu cầu: “Gửi thêm nhạc của Blind Willie Johnson nhé”. Một câu đùa rất thật!

Thư Vĩ (Tổng hợp)
 

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến