Bổ sung quy định về bảo tồn trong dự án Luật Kiến trúc

Thứ Tư, 22/5/2019, 8:23 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Góp ý cho dự án Luật Kiến trúc vào chiều 21.5, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến của các đại biểu nhất trí rằng dự án Luật phải bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Cần hướng tiếp cận mới trong bảo tồn văn hoá các dân tộc

Cần hướng tiếp cận mới trong bảo tồn văn hoá các dân tộc

Đây là vấn đề được đặt ra trong hội thảo bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá dân gian của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, chiều 14/12, tại Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội).

Dự án Luật Kiến trúc gồm  5 chương, 41 điều. Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết về quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc (Điều 5) và bảo tồn, khai thác công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa (Điều 13), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần bổ sung quy định có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam cho phù hợp.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật

“Uỷ ban thường vụ Quốc hội  nhận thấy, việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc, giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật không thể mô tả cụ thể các nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung cũng như bản sắc văn hóa của từng dân tộc nói riêng trong kiến trúc, bởi vì đây là những yếu tố hết sức đa dạng và phong phú. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 5 quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc”, ông Dũng nói.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì Điều 5 sẽ bổ sung theo hướng: Bổ sung một điều về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc của địa phương; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng. Đồng thời, giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy định nội dung về yêu cầu bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với địa phương do mình quản lý.

Chú thích ảnh
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kiến trúc

"Có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc bảo tồn, phát huy giá trị công trình kiến trúc chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa. Uỷ ban thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết bổ sung quy định về vấn đề này vì hiện nay đang tồn tại nhiều công trình kiến trúc có giá trị, có ý nghĩa về kiến trúc, lịch sử, văn hóa… nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Vì thế, không ít công trình này đã và đang xuống cấp và bị xâm hại; việc tu bổ, phục hồi chưa phù hợp", ông Dũng cho biết.

Góp ý cho dự án Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng qui định về bản sắc văn hóa trong kiến trúc là hết sức quan trọng và đặc biệt có ý nghĩa với đất nước có lịch sử hàng ngàn năm phát triển, có 54 cộng đồng dân tộc anh em như nước ta. Tuy nhiên trong khi ở các nước khác, chỉ cần xem qua trên tivi cũng có thể thấy được rằng đó là hình ảnh của Pháp, Đức, Ý, Nhật hay Trung Quốc thì ở ta còn chưa thấy điều này.

Cũng theo đại biểu này, việc xây dựng bản sắc trong Kiến trúc là rất quan trọng. Tuy nhiên qui định này đòi hỏi phải có sự am hiểu sâu sắc, về văn hóa dân tộc phù hợp với từng vùng, miền. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa Luật theo hướng giao Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ VHTTDL phối hợp xây dựng qui định để đảm bảo qui định về bản sắc văn hóa dân tộc và tính văn hóa thống nhất.

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng qui định về bản sắc văn hóa dân tộc trong dự án Luật Kiến trúc là cần thiết

Đại biểu Trí cũng cho rằng, chỉ khi chúng ta thực hiện tốt các qui định thì kiến trúc Việt Nam mới khắc phục được tình trạng “kỷ nguyên nhà ống”, “nhà quan tài”, nhà siêu méo, siêu mỏng đang rất thịnh hành trên cả nước, nhất là ở các thành phố lớn như hiện nay.

Trong khi đó đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng mỗi một quốc gia sẽ có một đặc trưng riêng về kiến trúc nhưng ở nước ta hiện nay kiến trúc đang ngổn ngang, mỗi nơi một kiểu. “Tôi rất mừng khi đọc dự thảo, thấy Luật đặt ra qui định về định hướng kiến trúc Việt Nam. Tôi cho rằng đây là qui định quan trọng và nếu chúng ta xây dựng định hướng kiến kiến trúc tốt thì sau một quá trình thực hiện, các đô thị, nông thôn… sẽ mang đậm kiến thức thuần Việt, kiến trúc nhà cửa khu vực sinh sống của đông bào dân tộc thiểu số cũng sẽ mang đậm nét văn hóa của mình”, đại biểu Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại biểu Thành cũng băn khoăn vì đọc hết dự thảo vẫn không biết định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam là như nào, nội dung ra sao, do ai xây dựng trong khi đó đối với qui chế quản lý qui định kiến trúc tại các địa phương lại qui định rõ ràng mà một trong những yêu cầu đó là phải phù hợp với định hướng kiến trúc Việt Nam…

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) lại cho rằng, cần bổ sung một điểm mang tính nguyên tắc là việc qui hoạch thiết kế xây dựng các công trình kiến trúc phải bảo đảm kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa dân tộc hiện đại và phải có tiêu chí thế nào là bản sắc văn hóa dân tộc…

Làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự án Luật.

Theo Báo Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến