(Thethaovanhoa.vn) - Đọc và yêu thơ Lưu Quang Vũ mới chỉ khi gần 15 tuổi, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - người khởi xướng tuần thơ Se sẽ chứ nhân dịp sinh nhật ông (17/4) - nhận ra rằng mình có thể yêu, có thể khóc, có thể hạnh phúc và có thể tìm thấy mọi câu trả lời cho những thắc mắc của tuổi trưởng thành trong thơ, trong trang viết của Lưu Quang Vũ.
Với NSND Lê Khanh cùng nhiều thế hệ Nhà hát Tuổi trẻ, họ cứ lớn lên và trưởng thành dần qua mỗi vở diễn, đêm diễn của Lưu Quang Vũ.
Se sẽ chứ đơn giản là cơ hội để Nguyễn Hoàng Điệp có thể lan tỏa và chia sẻ niềm yêu thích, sự khám phá của bản thân đến với mọi người.
“Khởi đầu của Se sẽ chứ chính là mong muốn làm một bộ phim về Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh nhưng tôi thấy quá khó. Và tôi đang tiến hành “làm phim” về họ theo một cách khác. Tôi đã làm rất kiên trì, 3 năm, 4 mùa Se sẽ chứ và tôi đang “làm phim” theo cách này đây. Tất cả mọi người đều đang đóng góp vào bộ phim ấy” - người khởi xướng Se sẽ chứ, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.
Ai cũng có một đám “mây trắng” trong đời
Quãng năm 1997, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bắt đầu đọc thơ của Lưu Quang Vũ một cách rất tình cờ trong một tập thơ mang tên Bầy ong trong đêm sâu. Trong tập thơ, người khởi xướng Se sẽ chứ đã đọc được bài thơ Giấc mơ của anh hề. Khi ấy, chị đã phải thốt lên rằng: “Trời ơi, tôi có thể tìm ra mọi câu trả lời trong những băn khoăn của tuổi mới lớn ở đây”. Kể từ đó cho đến tận những năm 2000, thơ Lưu Quang Vũ gần như đã trở thành tập sách gối đầu giường của chị.
“Tôi tìm thấy được sự an ủi, tôi tìm thấy được vẻ đẹp và tôi tìm thấy được cả sự dũng cảm. Tôi nghĩ bất cứ ai khi đọc thơ Lưu Quang Vũ đều có thể đồng ý với tôi về điều này” - Nguyễn Hoàng Điệp nói.
Có lẽ ngày ấy, những câu thơ của Lưu Quang Vũ đã dạy cho một cô bé chỉ mới đôi mươi với đầy những thắc mắc về cuộc sống rằng, nên nhìn thấy “Đời sống là bờ/ Những giấc mơ là biển/ Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa”, rằng nên mơ một giấc mơ như “Mơ thấy em trong lành/ Như ngày mười sáu tuổi/ Mơ thấy giấc mơ con người trên mặt đất/ Nắm tay nhau”, mơ thấy giấc mơ như là “Con tàu nối bờ và biển cả”, để “Những bài thơ mãi mãi ra khơi”.
Đến sau này, khi Nguyễn Hoàng Điệp bước vào con đường làm phim chuyên nghiệp, tưởng chừng điện ảnh sẽ là nơi chị tìm thấy sự an ủi, sự bám víu cho tâm hồn. Nhưng không! Chị tìm được sự an ủi nhiều nhất lại chính từ trong thi ca. “Điện ảnh là nơi tôi tìm kiếm, học tập cho nghề nghiệp của tôi, tôi tìm thấy nhiều sự chia sẻ khác nhau. Còn sự chia sẻ về mặt tinh thần có lẽ vẫn nằm ở thơ. Và tôi luôn nghĩ rằng đến một ngày nào đó tôi sẽ phải làm một ngày thơ hoặc một tuần thơ và làm có thể chỉ với một quy mô rất nhỏ như sự chia sẻ với mọi người về nhà thơ mà mình rất yêu quý” - nữ đạo diễn giãi bày.
Sau “cái chạm” với thơ Lưu Quang Vũ, Nguyễn Hoàng Điệp tìm hiểu nhiều về nhà thơ “nhưng cũng vừa vừa” như bất cứ ai yêu một tác giả nào đó. Cô biết câu chuyện về gia đình, cô biết câu chuyện về tình yêu, biết về hoàn cảnh sáng tác những bài thơ của Lưu Quang Vũ… mọi thứ đều rất vừa phải. Bởi Nguyễn Hoàng Điệp quan niệm: “Se sẽ chứ không phải là một nơi để nghiên cứu sâu xa về vấn đề thi ca, tác giả, tác phẩm mà là cơ hội để tôi có thể lan tỏa và chia sẻ niềm yêu thích của mình với mọi người”.
Bằng trải nghiệm, Nguyễn Hoàng Điệp thấy, “gần như bất kỳ một câu nào, dòng nào, bài nào mà người đọc tìm thấy trong bất cứ tập thơ nào của Lưu Quang Vũ đều xứng đáng để đọc lên như những điều đẹp đẽ nhất. Tôi yêu thích rất nhiều câu thơ của Lưu Quang Vũ. Nhưng có 4 câu thơ tôi vẫn thường hay chia sẻ với mọi người bởi tôi có cảm giác rằng nó giống với lý tưởng sống mà tôi rất ngưỡng mộ. Tôi gọi đó là lý tưởng sống theo tinh thần mây trắng: “Trên mái nhà, cao vút rừng cây/ Trên rừng cây, những đám mây xô dạt/ Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng/ Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”.
Chị tâm niệm:, “Ai cũng sẽ có một đám “mây trắng” trong cuộc đời của mình. Tôi mong rằng mọi người tham gia vào Se sẽ chứ chính là lúc mỗi người tìm ra được một đám mây trắng cho riêng mình. Đám mây trắng đó không nhất thiết phải là thi ca, mà có thể là điện ảnh, là hội họa… có thể là bất cứ thứ gì họ say mê trong cuộc đời và làm cho họ được trở thành chính họ”.
“Bắt đầu học yêu thơ”
Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, trong thời đại ngày nay, để “rủ” một ai đó đọc thơ là rất khó. Không phải ai cũng cảm thấy dễ chịu với “lời mời” tham gia một tuần thơ. Họ sẽ nghĩ rằng: “Làm như vậy quá sến, quá mộng mơ, thậm chí là lạc thời”.
Thực tế này dẫn đến một cách làm mới của Se sẽ chứ, đặc biệt là trong năm 2021, để có thể “thuyết phục” người yêu thơ.
“Se sẽ chứ là một hình thức vừa hiện đại vừa hợp lý lại vừa lãng mạn vừa có tinh thần nhân văn. Đó là sự kiện của cộng đồng, vì cộng đồng và do cộng đồng tổ chức cho nên dự án hoàn toàn có thể đi được đường dài. Đó cũng là lý do vì sao sau 3 mùa Se sẽ chứ, tôi đã nghĩ đến việc nên rút ra khỏi vai trò độc quyền tổ chức. Thay vào đó là nên chia sẻ bản quyền, cấu trúc chương trình cho tất cả mọi người cùng tiếp cận và tổ chức Se sẽ chứ” - Nguyễn Hoàng Điệp cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, “khi cộng đồng tiếp cận Se sẽ chứ, tôi cũng có nhiều sự lo lắng. Ví dụ, tôi nhìn về thơ của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh ở một góc độ nào đó, nhưng mọi người không nhìn như tôi thì sao? Ngay lập tức tôi phải bỏ ý nghĩ đó ra khỏi đầu. Bởi chúng ta không thể ích kỷ và đóng kín trong đầu một định kiến của cá nhân và cho rằng chỉ mình mới có thể hiểu đúng vấn đề”.
“Thêm nữa, nghệ thuật không phải là thứ đúng duy nhất, nghệ thuật không bàn về chuyện đúng sai mà nghệ thuật là góc nhìn, góc cảm nhận riêng và càng có nhiều sự cảm nhận bao nhiêu thì nghệ thuật càng có đời sống lâu bền bấy nhiêu. Đó là lý do chúng ta cần phải lan tỏa nghệ thuật không phải với tinh thần để đúng, để sai, để thắng, để thua. Chúng ta lan tỏa nghệ thuật vì chúng ta tin vào vẻ đẹp của nghệ thuật, tin vào sức mạnh chữa lành của nghệ thuật, tin vào sức mạnh của nghệ thuật có thể làm cho chúng ta đẹp hơn. Đó là những suy nghĩ khi tôi làm Se sẽ chứ” – chị chia sẻ.
“Tại một số điểm thơ Se sẽ chứ 2021, có những bạn sinh viên dùng tiếng Anh đến 90% thời gian ở các trường quốc tế nhưng khi tham gia tổ chức Se sẽ chứ với 10% vốn tiếng Việt còn lại, các bạn trẻ bắt đầu học yêu thơ. Bên cạnh những nhà thơ nước ngoài, các bạn trẻ đã dành cho Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh một vị trí rất đáng kể” - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho hay. “Tuy nhiên, đó không phải là mục đích cuối cùng của tôi, mục đích cuối cùng của tôi là các bạn trẻ sẽ mở rộng trường quan tâm với thi ca và lan tỏa tình cảm đó đến với những người xung quanh. Thỉnh thoảng tôi đọc trên Facebook mọi người chia sẻ đã bắt đầu thích thơ, bắt đầu học cách đọc thơ, bắt đầu có thói quen mở một tập thơ ra đọc. Có lẽ đó chính là những điều mà tôi cần nhất khi làm Se sẽ chứ”.
Mặt khác, “Tôi có những đứa con trai đang ở tuổi lớn, chúng dùng tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt. Tôi nghĩ phải có một cách nào đó để mọi người yêu quý và trân trọng tiếng Việt theo một lối tự nhiên nhất có thể. Cái tự nhiên nhất có thể là được nói ngôn ngữ mẹ đẻ với toàn bộ tình yêu và niềm tin rằng ngôn ngữ mẹ đẻ vô cùng đẹp” - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bày tỏ.
Ở điểm thơ Se sẽ chứ Hội An, có một dàn đồng ca thơ là các em nhỏ chỉ khoảng từ 5 - 7 tuổi. Các em nhỏ đã đọc những bài thơ giàu vẻ đẹp tiếng Việt như Chuyện cổ tích về loài người của nhà thơ Xuân Quỳnh. Ai nhìn thấy dàn đồng ca thơ đó, nghe thấy những giọng đọc của những em bé vùng Quảng Nam thì sẽ đều thêm yêu tiếng Việt, yêu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Và cũng sẽ hiểu được mong muốn của những người làm Se sẽ chứ.
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, “bất cứ một ngôn ngữ nào cũng có vẻ đẹp của nó. Điều này dễ thấy ở điểm thơ Se sẽ chứ L'Espace khi lần đầu tiên thơ của Lưu Quang Vũ được dịch và đọc bằng 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Đó là món quà tuyệt vời dành cho nhà thơ, dành cho bất cứ ai yêu thi ca và yêu ngôn ngữ. Tôi nghĩ rằng không có ngôn ngữ nào đẹp hơn ngôn ngữ nào. Nhưng trong lòng tôi, ngôn ngữ mẹ đẻ - tiếng Việt - là ngôn ngữ tôi mong muốn có thể chia sẻ với con cái, chia sẻ với gia đình, chia sẻ với bạn bè như một niềm tự hào”.
Công Bắc