Bảo tồn di sản: biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Thứ Năm, 8/3/2012, 7:19 (GMT+7)

Bảo tồn di sản đang lâm vào tình trạng nghịch lý khi cả cơ quan quản lý lẫn cộng đồng đều thiếu hiểu biết về di sản, trong khi các nhà nghiên cứu lại không có nhiều tiếng nói trong hoạch định chính sách.

Câu chuyện bảo tồn di sản lại được bàn thảo trở lại đầy bức xúc trong các hội thảo thuộc Tuần lễ văn hóa và phát triển (kéo dài đến hết ngày 9-3 tại Hà Nội).



Cồng chiêng trong lễ mừng lúa mới tháng 12 được dựng lại để trình diễn cho khách xem vào tháng 3 - Ảnh: Hà Hương

Một trong những chuyên gia gắn bó với việc bảo tồn di sản - TS Lê Thị Minh Lý cho rằng: không thể đưa ra một khuyến nghị chung chung cho tất cả mà phải có những giải pháp cụ thể cho từng vấn đề. Bảo tồn di sản cũng đang lâm vào tình trạng nghịch lý khi cả cơ quan quản lý lẫn cộng đồng đều thiếu hiểu biết về di sản, trong khi các nhà nghiên cứu lại không có nhiều tiếng nói trong việc hoạch định chính sách. Nhưng không nói không được khi sự biến tướng của di sản đang lan tràn như một bệnh dịch.

Du lịch: lợi thế hay nguy cơ của di sản?

“Nếu chỉ nghe cồng chiêng đơn thuần thì chỉ nghe ba bài chiêng du khách đã bỏ về rồi. Chúng tôi buộc phải làm cho hấp dẫn, rộn ràng hơn bằng các tiết mục nhạc mới có mang âm hưởng Tây nguyên”, đó là câu chuyện day dứt về số phận của cồng chiêng trong làn sóng du lịch ở Lâm Đồng của ông Păng Ti Mút (CLB cồng chiêng Liên Mút, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Để làm ra được những tiết mục mới đó, các nghệ nhân cao tuổi - những người nắm giữ kho tàng quý báu của cồng chiêng - bị gạt ra ngoài. Đó cũng chưa kể đến sức ép của các công ty du lịch về giá, về thời lượng chương trình. Kết quả cuối cùng là nghệ nhân bị ép và cồng chiêng cũng chẳng thể bảo tồn theo cách đó.

Đó không chỉ là câu chuyện của riêng cồng chiêng mà còn là câu chuyện của quan họ, ca trù và cả hát xoan - những di sản đã được Unesco công nhận. Một báo cáo của nhóm dự án thuộc Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam nhìn nhận: Du lịch đôi khi cũng biến một số loại hình văn hóa thành hàng hóa đơn thuần vì mục đích kinh tế. Quan niệm phổ biến của các nhà quản lý văn hóa và người dân là di sản phải gắn với phát triển du lịch và phát triển du lịch thì phải “nâng cấp di sản”, có quy mô hoành tráng, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí... Báo cáo này cũng nhìn nhận phát triển du lịch đang là thách thức cho bảo tồn văn hóa. PGS.TS Nguyễn Chí Bền (chủ nhiệm dự án) cho rằng du lịch cũng có tính hai mặt của nó. Việc cải biên các tiết mục cổ truyền, tạo ra sản phẩm theo sở thích của du khách, chiều lòng công ty du lịch đang khiến giá trị văn hóa ngày càng suy giảm.

“Di sản là tài nguyên của phát triển du lịch. Tuy nhiên, chúng ta phải có sự phân tích để thấy rõ sẽ phát triển du lịch theo kiểu như thế nào, đối tượng nào là du lịch phổ thông, đối tượng nào là du lịch có chọn lọc”, TS Lê Thị Minh Lý (nguyên phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa) khẳng định. Một ví dụ được rất nhiều nhà nghiên cứu đưa ra là việc hồi sinh văn hóa truyền thống người Chăm kể từ khi các loại hình múa, nhạc, thủ công mỹ nghệ được đưa vào hoạt động du lịch dưới chân tháp Bà (Nha Trang, Khánh Hòa). Dù vậy, nguy cơ về việc biến đổi của những giá trị văn hóa, tâm linh vẫn còn tiềm ẩn.

Theo GS Nguyễn Văn Huy (ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia), câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển không phải là vấn đề mới nhưng đang ngày càng trở nên bức bách và khẩn thiết hơn. Một câu chuyện cũ được xới lại nhiều lần nhưng lần nào cũng bị bỏ lửng. GS Nguyễn Văn Huy nhận định: chưa bao giờ câu chuyện xung đột này được giải quyết thấu đáo trên phương diện lý thuyết lẫn chính sách văn hóa. Cũng bởi du lịch đang trên đà chạy theo lợi nhuận, còn cộng đồng không phải lúc nào cũng đủ kiến thức và sự tỉnh táo trước sức cám dỗ của lợi ích.

Nhà nước không nên can thiệp và cải biên lễ hội?

Đề xuất thẳng thắn của ông Nguyễn Đức Thanh (bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) nhân câu chuyện bảo tồn di sản tại cộng đồng khiến không ít người ngỡ ngàng. Ông Thanh nói: “Hiện hội Gióng chưa có cải biên nhưng tôi lo ngại nếu không có định hướng trước thì không thập niên này cũng sẽ là chuyện của thập niên khác. Đặc biệt, Nhà nước không thể can thiệp vào việc lựa chọn vai, tổ chức lễ hội vì đó là việc của cộng đồng. Nhà nước chỉ nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh trật tự, vì hội Gióng là hội đánh trận nên cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhận định: “Khi có sự can thiệp của Nhà nước thì di tích bị biến dạng rất nhiều. Còn khi sân khấu hóa các di sản phi vật thể thì thất bại luôn nhiều hơn thành công”. Ông Dương Trung Quốc cũng đưa ra dẫn chứng về sự tranh cãi của hai cây đại thụ làng sử học trong việc xây dựng cáp treo tại các khu chùa Hương, Yên Tử: “Khi còn sống, GS Trần Quốc Vượng rất kiên quyết: bước qua xác tôi mới được đặt lên. Nhưng chính GS Đinh Xuân Lâm lại nói: làm xong cho tôi đi đầu tiên nhé. Tranh cãi như thế nhưng hiện trạng cáp treo và các hệ lụy của nó thì chúng ta đều đã chứng kiến”.

Đi ngược lại quan điểm này, ông Nguyễn Đắc Thủy (phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ) lại cho rằng: “Đối với di sản vật thể, phải có sự can thiệp của Nhà nước chứ để dân tự làm thì họ sẽ làm theo ý mình ngay. Kể cả di sản phi vật thể, Nhà nước cũng phải hỗ trợ. Chứ nếu vào những năm mất mùa, con cái đi làm ăn xa, các cụ bảo không làm lễ hội nữa thì cỡ năm năm không làm chúng ta sẽ mất lễ hội”. Còn ông Nguyễn Hữu Toàn (phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL) khẳng định: “Nếu giao cho cộng đồng tôi đảm bảo tan ngay”.

Trong khi đó, tại hội thảo, nhiều chuyên gia vẫn chưa thống nhất quan điểm có nên xếp hạng di tích hay tiến hành bảo tồn có chọn lọc hay không. Ý kiến phản đối cho rằng nếu xếp hạng sẽ tạo nên sự bất công giữa các di sản. Tuy nhiên, không ít ý kiến đồng tình và cho rằng với các di tích cách mạng, di sản có thể làm du lịch thì vẫn phải ưu tiên, nếu không bảo tồn có trọng điểm thì nhiều di sản sẽ biến mất...

Câu chuyện giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển di sản văn hóa ở Việt Nam sẽ được tiếp tục tại các hội thảo tiếp theo cho đến hết ngày 9-3.

Theo Tuổi trẻ


GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến