(Thethaovanhoa.vn) - Bảo tàng là một trong những thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động học tập suốt đời cho Nhân dân. Đây vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ được Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa chú trọng thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Chỉ thị số 19/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang phải tự làm mới để thích ứng và duy trì hoạt động.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến các hoạt động chuyên môn và đặc biệt là việc đón và phục vụ khách tham quan, tuy nhiên, Bảo tàng tỉnh đã tranh thủ những thời điểm dịch bệnh được khống chế để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, thu hút sự quan tâm của du khách và Nhân dân.
Theo đó, đơn vị thường xuyên mở cửa các phòng trưng bày và bố trí cán bộ trực phục vụ, hướng dẫn khách tham quan trong dịp các ngày lễ, tết. Đồng thời, tổ chức trưng bày chuyên đề “Một thoáng tết xưa - tết nay” dịp Tết Tân Sửu 2021; hoàn thành đưa vào phục vụ khách tham quan 2 cuộc trưng bày “Cổ vật tiêu biểu tại Bảo tàng Thanh Hóa” và “Đời sống thời bao cấp của Nhân dân Thanh Hóa”; đang nghiên cứu xây dựng nội dung trưng bày lưu động “Truyền thống lịch sử văn hóa Thanh Hóa”...
Từ những hoạt động thiết thực, ý nghĩa đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, bảo tàng đã đón và phục vụ 10.597 lượt khách tham quan (đạt 78% kế hoạch); số ngày mở cửa là 160 ngày (đạt 94% kế hoạch); trưng bày tại chỗ 3/2 cuộc (đạt 150% kế hoạch). Điều đáng nói là, ngoài việc mở cửa và tổ chức trưng bày để phục vụ Nhân dân và khách tham quan, hoạt động của bảo tàng luôn gắn việc quảng bá di sản văn hóa với giáo dục học đường.
Từ định hướng đó, bảo tàng đã tích cực phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động giáo dục thông qua trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa; đồng thời, tổ chức học tập về lịch sử, văn hóa địa phương ngay tại bảo tàng; đa dạng các hoạt động tương tác, trải nghiệm và liên tục đổi mới, nhằm từng bước đưa bảo tàng trở thành điểm đến của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong 10.597 lượt khách tham quan, thì đối tượng khách là học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT và sinh viên, chiếm số lượng lớn.
Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khiến hoạt động trưng bày, triển lãm và đón khách tham quan gặp nhiều bất lợi; Bảo tàng tỉnh đã tập trung vào các hoạt động chuyên môn như nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật, nhằm phục vụ đối tượng khách đến nghiên cứu, tra cứu thông tin hiện vật tại hệ thống kho bảo quản. Theo đó, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã nhập kho bảo quản được 120 hiện vật; phiên âm, dịch nghĩa 33 tài liệu hiện vật từ tiếng Pháp sang tiếng Việt; thuê chuyên gia bảo quản được 42 hiện vật chất liệu kim loại, hữu cơ; khảo sát sưu tầm, mượn 200 tài liệu, hiện vật cho trưng bày chuyên đề “Đời sống thời bao cấp của Nhân dân Thanh Hóa”.
Cùng với đó, đã tiến hành bàn giao cho Kho Kiểm kê – Bảo quản 120 hiện vật khai quật khảo cổ tại di tích chùa Am Các (thị xã Nghi Sơn); hướng dẫn huyện Thạch Thành xây dựng phòng trưng bày “Di tích khảo cổ học hang Con Moong và vùng phụ cận”; hướng dẫn huyện Như Thanh xây dựng đề cương trưng bày phòng truyền thống của địa phương. Ngoài ra, đơn vị cũng đang xin chủ trương xây dựng đề án “Đổi mới hoạt động Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021–2025, tầm nhìn đến năm 2030”; tích cực vận động các cá nhân hiến tặng di vật, kỷ vật gắn liền với các sự kiện lịch sử của đất nước cho bảo tàng...
Để thường xuyên giới thiệu hình ảnh, hoạt động của đơn vị đến đông đảo Nhân dân và du khách, Bảo tàng tỉnh đã duy trì hiệu quả hoạt động của website baotang.thanhhoa.gov.vn; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá hoạt động của bảo tàng trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhất là trên các mạng xã hội facebook, zalo...
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Trịnh Đình Dương, cho biết: Để duy trì các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và đón, phục vụ khách tham quan trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Bảo tàng tỉnh đã triển khai nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh, nhất là “nguyên tắc 5K”. Đồng thời, chú trọng xây dựng cơ quan văn hóa và văn minh công sở, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, nêu cao tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của cán bộ, nhân viên, người lao động trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và nhất là hoạt động đón, phục vụ, hướng dẫn khách tham quan.
Xác định, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên cùng với việc duy trì mở cửa các phòng trưng bày, phục vụ đối tượng khách nghiên cứu lịch sử, văn hóa; thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tăng cường viết bài tuyên truyền trên website của đơn vị, nhằm giới thiệu, quảng bá hoạt động của bảo tàng đến Nhân dân và du khách. Đồng thời, hoàn thành bộ trưng bày lưu động “Truyền thống lịch sử văn hóa Thanh Hóa” (thuộc chương trình phát triển du lịch năm 2021), bảo đảm tiến độ để tổ chức trưng bày lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành tái bản sách “Sưu tập cổ vật tiêu biểu Văn hóa Đông Sơn Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa”.
Hoàn thành dự án sửa chữa, cải tạo Bảo tàng tỉnh bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ được giao đến tháng 12-2021, để nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo quản hiện vật, trưng bày triển lãm của đơn vị; đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động tương tác, trải nghiệm nhằm thu hút ngày càng đông khách tham quan đến với Bảo tàng tỉnh.
Thảo Nhi