45 năm ngày mất Lý Tiểu Long: 'Mở cửa' những sân chơi của người da trắng

Thứ Năm, 19/7/2018, 7:9 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Lý Tiểu Long không chỉ phá vỡ các rào cản cho chính mình mà ông còn góp phần đưa võ thuật đến với những người Mỹ gốc Phi. Nhân kỷ niệm 45 năm ngày mất của Lý Tiểu Long (20/7/1973), cùng Thể thao và Văn hóa tìm hiểu thêm những câu chuyện về huyền thoại võ thuật này.

1. Lý Tiểu Long không chỉ đối diện với nạn phân biệt chủng tộc khi ông là một người Mỹ gốc Hoa ở Hollywood toàn người da trắng trong những năm 1960. Ông còn phải khắc phục cả tính cố chấp của người da trắng đối với người Mỹ gốc Phi khi nhận một số người da màu làm môn đệ võ thuật.

Theo cuốn tiểu sử mới Bruce Lee: A Life của nhà báo Matthew Polly, học trò võ thuật đầu tiên của Lý Tiểu Long là người Mỹ gốc Phi Jesse Glover. Nhưng thời điểm đó một số người theo võ thuật truyền thống đã phản đối mạnh mẽ việc Lý Tiểu Long dạy võ cho người Mỹ gốc Phi.

Chú thích ảnh
Huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long

Bà Châu Mã Song Kim, chủ nhà hàng nơi Lý Tiểu Long từng làm việc, tin rằng bằng việc nhận các môn đệ là người Mỹ gốc Phi, Lý Tiểu Long đang đưa những người Mỹ gốc Hoa vào nguy hiểm. Trong cuốn tiểu sử Bruce Lee: A Life, Polly đã trích lời bà nói với Lý Tiểu Long: “Nếu cậu dạy những chàng trai da màu đánh võ theo cách đó, họ sẽ vận dụng nó để đánh lại người Trung Quốc".

Nhưng Lý Tiểu Long biết võ thuật có thể truyền bá tình yêu và sự tôn trọng với nền văn hóa của đất nước mình. Trên tất thảy, Lý Tiểu Long tin vào võ thuật và ông có nhóm học trò đa dạng nhất ở Mỹ.

Một phần vì điều đó, một nhóm chỉ trích Lý Tiểu Long đã mời một bậc thầy võ thuật khác là Hoàng Trạch Dân (Wong Jack Man) đấu võ với Lý Tiểu Long. Cuộc đấu này diễn ra trong một phòng đóng kín cửa và chỉ có một số ít người được chứng kiến. Thắng thua thuộc về ai hiện vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong giới võ thuật mặc dù Polly viết Lý Tiểu Long đã đánh bại đối thủ của mình một cách dễ dàng.

Đặc biệt, trong cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, nhiều người hâm mộ võ thuật người Mỹ gốc Phi đã xem Lý Tiểu Long như một thần tượng, người đã vượt qua được nhiều "chướng ngại vật" không thể tin nổi nhờ làm việc hăng say và sức mạnh của ý chí.

Chú thích ảnh
Lý Tiểu Long (trái) và học trò người Mỹ gốc Phi Kareem Abdul Jabar trong phim "Tử vong du hý"

2. Khi Lý Tiểu Long cố gắng thâm nhập vào Hollywood, các nhà sản xuất đã cố tình giao cho ông những vai diễn nhỏ, giống như các vai diễn thường giao cho các diễn viên người Mỹ gốc Phi.

Trong phim Green Hornet, Lý Tiểu Long thủ vai Kato mặc dù khả năng chiến đấu của ông vượt xa mẫu người hùng này. Hay trong phim Longstreet, Lý Tiểu Long giúp nhân vật chính học cách đấu võ và đưa ra lời khuyên "hãy là nước, bạn của tôi".

Lý Tiểu Long đã bị tuột khỏi tay vai chính, chiến binh Kwai Chang Caine trong loạt phim truyền hình Viễn Tây Kung Fu. Vai diễn này được giao cho David Carradine, một diễn viên da trắng.

Bạn có thể nghĩ rằng khả năng võ thuật ưu việt của Lý Tiểu Long khiến ông dễ dàng được các nhà sản xuất Mỹ để mắt tới và giao vai chính trong phim Hollywood hoặc chương trình truyền hình. Nhưng thực tế khắc nghiệt hơn nhiều. Có những lúc các nhà sản xuất lấy lý do về giọng nói của Lý Tiểu Long và có lúc họ nói rằng khán giả da trắng chưa sẵn sàng đón nhận một người châu Á đóng vai chính trong phim.

Trong bối cảnh đó, Lý Tiểu Long trở về Hong Kong (Trung Quốc), nơi ông trưởng thành, thủ diễn chính trong các bộ phim của công ty sản xuất Golden Harvest. Những bộ phim đó đã đưa Lý Tiểu Long trở thành ngôi sao võ thuật lớn nhất thế giới. Khi nổi tiếng Lý Tiểu Long cũng tạo danh tiếng cho nhiều người khác.

Lý Tiểu Long đã chọn học trò Kareem Abdul Jabar đấu võ cùng ông trong Tử vong du hý (Game of Death), bộ phim cuối cùng của ông. Hay Lý Tiểu Long đã góp phần tạo danh tiếng cho Jim Kelly, ngôi sao người Mỹ gốc Phi của loạt phim Black Belt Jones. Rapper, diễn viên, nhà làm phim Mỹ gốc Phi Rza (49 tuổi) tuyên bố Lý Tiểu Long là nguồn cảm hứng lớn của anh.

Có được vai diễn trong phim Hollywood vẫn không phải là việc dễ dàng đối với diễn viên châu Á, nhưng Lý Tiểu Long là một trong những diễn viên châu Á đầu tiên chứng minh rằng nước Mỹ đã sẵn sàng mở lòng đón nhận những siêu sao không phải là người da trắng.

Cái chết bí hiểm

Lý Tiểu Long đã qua đời đột ngột vào ngày 20/7/1973 khi đang quay dở phim Tử vong du hý. Sau nhiều cuộc thảo luận và tranh cãi, các bác sĩ đã công khai nguyên nhân tử vong của Lý Tiểu Long là "chết do tai nạn bất ngờ do bản thân tự gây ra", cụ thể là sưng não bất thình lình do phản ứng bởi sự pha trộn những chất khác cùng với thuốc Equagesic.

Cuốn sách The Death of Bruce Lee: A Clinical Investigation (Cái chết của Lý Tiểu Long: Một điều tra y khoa) cho biết, cơ thể Lý Tiểu Long đã không chịu được loại thuốc Equagesic khi ông bị động kinh vào ngày 10/5/1973. Lý Tiểu Long tránh dùng loại thuốc đó cho tới buổi tối định mệnh ngày 20/7/1973, khi ông dùng Equagesic do bị đau đầu dữ dội và sau đó đã chết vì sưng não.

Nhưng trong cuốn tiểu sử mới, Polly lại đưa ra nhận định Lý Tiểu Long đột tử do sốc nhiệt. Trong lần gục quỵ đầu tiên, Lý Tiểu Long đã đổ mồ hôi, sốt cao, nôn mửa, mất ý thức và đó là những triệu chứng của sốc nhiệt.

Được biết, trước đó vài tháng Lý Tiểu Long đã cắt bỏ các tuyến mồ hôi ở nách (vì cho rằng xuất hiện trên màn bạc nách ướt sũng mồ hôi trông không đẹp mắt), bởi vậy khả năng tiêu tan nhiệt của ông bị giảm đáng kể.

45 năm ngày mất Lý Tiểu Long – Một huyền thoại võ thuật, một 'vị thần' trong đời thường

45 năm ngày mất Lý Tiểu Long – Một huyền thoại võ thuật, một 'vị thần' trong đời thường

Ngôi sao võ thuật Thành Long bắt đầu sự nghiệp với vai trò là diễn viên đóng thế và từng đóng vai phụ trong phim Tinh võ môn (Fist of Fury – 1972) và Long tranh hổ đấu (Enter the Dragon - 1973) của Lý Tiểu Long. Sau này, Thành Long đã nhớ lại những gì lớn nhất mà ông học hỏi được từ huyền thoại võ thuật.

Việt Lâm (tổng hợp)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến