(Thethaovanhoa.vn) - Hoa hậu Đỗ Thị Hà có dịp cùng nghệ sĩ múa rối nước Phan Thanh Liêm tham gia chuyến đi thực tế và ghi hình chương trình 12 con giáp của Đài Truyền hình Việt Nam.
Hoa hậu Việt Nam 2020 Hà vừa trở về quê hương Thanh Hoa thăm trường cũ. Người đẹp ghi điểm bởi hình ảnh giản dị, hết mình với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường THPT Hậu Lộc 3.
Chương trình được thực hiện với ý nghĩa tiếp nối hành trình gìn giữ những giá trị nghệ thuật cho thế hệ tương lai. Cùng với ê kíp, Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà và nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã đến với các em học sinh trường tiểu học Bình Minh, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình và có những trải nghiệm đáng nhớ tại đây.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã mang sân khấu múa rối nước thu nhỏ do anh sáng tạo để biểu diễn cho các em học sinh. Đây là dịp hiếm hoi các em nhỏ ở xã Hưng Thủy được trực tiếp xem múa rối nước, hơn thế nữa là tận tay sờ, chạm và thậm chí là điều khiển các con rối.
Không chỉ là em nhỏ ở Quảng Bình, mà chính bản thân Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà cũng lần đầu tiên được trải nghiệm với nghệ thuật múa rối nước. Người đẹp rất hào hứng, thích thú khi được nghệ sĩ Phan Thanh Liêm hướng dẫn điều khiển con rối và trò chuyện về loại hình nghệ thuật độc đáo của làng quê Việt.
"Trước đây, em chỉ biết loại hình nghệ thuật dân gian này qua truyền hình, nay được tận mắt xem biểu diễn và còn được tự tay điều khiến con rối, em thấy rất thú vị. Múa rối nước quả thực là một loại hình nghệ thuật rất đặc trưng, thể hiện được vẻ đẹp văn hóa dân gian của người Việt.
Em mong loại hình này sẽ tiếp tục được gìn giữ, phát huy để xứng đáng là niềm tự hào của văn hóa dân gian, của tinh hoa truyền thống dân tộc Việt Nam" - Đỗ Thị Hà chia sẻ.
Hoa hậu Đỗ Thị Hà cho biết, cô sẽ tích cực kêu gọi mọi người, đặc biệt là lớp trẻ, quan tâm và giữ gìn các loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian như múa rối nước.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sinh ra ở Thôn Rạch, xã Nam Chấn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định - một trong những “nôi gốc” về múa rối nước cổ truyền của Việt Nam. Anh là đời thứ 7 trong một gia đình có truyền thống biểu diễn nghệ thuật múa rối nước.
Cha của anh chính là nghệ nhân Phan Văn Ngải, tác giả của nhà thủy đình lưu động đang được các nhà hát múa rối nước từ Trung ương đến các địa phương sử dụng và Bảo tàng Louvre (Pháp) cũng đã trưng bày “Chú Tễu” - một con trò rối nước do ông tạo tác…
Trong thời gian tham gia hoạt động trong đoàn nghệ thuật múa rối nước của gia đình do người cha thành lập, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm nhận ra sự hạn chế của mô hình sân khấu múa rối nước lớn là cồng kềnh, khó di chuyển, không thích hợp với một đoàn biểu diễn có ít người.
Bởi thế, anh mày mò sáng tạo ra mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ và cho ra mắt và năm 2000. Từ đó đến nay, với sân khấu múa rối nước thu nhỏ cơ động của mình, Phan Thanh Liêm không chỉ dễ dàng đi biểu diễn phục vụ tới các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa mà còn liên tục đi ra nước ngoài, giới thiệu một nét độc đáo của văn hóa Việt với bạn bè quốc tế.
Theo GS Hoàng Chương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Phan Thanh Liêm là nghệ sĩ mang con rối đi nước ngoài nhiều nhất Việt Nam.
Trong suốt 20 năm qua, gần như năm nào anh cũng có vài lần mang múa rối nước xuất ngoại, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa ở nhiều nước trên thế giới như Ba Lan, Thái Lan, Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Italia, Anh, Canada, Malaysia, Trung Quốc, Mỹ…
Có những chuyến đi của anh kéo dài gần cả năm trời do các tổ chức quốc tế “đặt hàng”. Anh như một “sứ giả văn hóa” thầm lặng quảng bá văn hóa Việt thông qua loại hình múa rối nước.
Ảnh hưởng dịch Covid-19, những chuyến lưu diễn quốc tế của Phan Thanh Liêm tạm gián đoạn. Thay vì xuất ngoại, anh tập trung biểu diễn phục vụ khán giả trong nước ngay tại nhà riêng của mình ở ngõ chợ Khâm Thiên và Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội).
Đồng thời, anh cũng tranh thủ thời gian này để đào tạo lớp kế cận. Hiện Phan Thanh Liêm hoạt động với vai trò là thành viên của Viện Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.
Chương trình 12 con giáp sẽ phát sóng VTV dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Tiểu Phong