(Thethaovanhoa.vn) - Trong suốt 1 năm theo dõi những hoạt động văn hóa trong nước, dưới đây là 10 sự kiện, vấn đề văn hóa trong nước do Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) bình chọn.
Dưới đây là 10 sự kiện di sản văn hóa Việt Nam tiêu biểu năm 2018 và 5 vấn đề "nóng" về di sản văn hóa tạo sự chú ý của dư luận trong năm 2018 do Thế giới Di sản bình chọn và lựa chọn.
1. Thêm hai di sản của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Đó là Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4; và tập Hoàng hoa sứ trình đồ được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 30/5.
2. Các nhà văn Việt Nam liên tiếp được vinh danh với những giải thưởng danh giá của thế giới. Nguyễn Quang Thiều trở thành nhà thơ Việt Nam đầu tiên được Hội đồng giải thưởng văn học quốc tế Hàn Quốc Changwon 2018 trao giải thưởng thơ. Nhà văn Bảo Ninh được Trung tâm Văn hóa châu Á tại Hàn Quốc (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hàn Quốc) trao Giải thưởng Văn học châu Á. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận giải thưởng Liberaturpreis 2018 của Đức dành cho cuốn Cánh đồng bất tận. Trước đó, nhà thơ Mai Văn Phấn đã được trao giải Cikada của Thụy Điển.
3. Phim độc lập Việt Nam gặt hái được nhiều thành công ở các LHP Quốc tế. Phim Người vợ ba giành giải thưởng Phim châu Á xuất sắc nhất (Best Asia Film) do NETPAC tài trợ tại LHP Toronto ở Canada; tiếp theo đó là giải Phim hay nhất (Best Film) tại phần thi quốc tế tại LHP Kolkata International (Ấn Độ). Trong khi đó, bộ phim về người chuyển giới Finding Phong (Đi tìm Phong) cũng giành hàng loạt giải thưởng quốc tế trước khi được công chiếu ở Việt Nam.
Người vợ ba là tác phẩm do nữ đạo diễn Ash Mayfair (Nguyễn Phương Anh) cùng hợp tác với nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc thực hiện với bối cảnh Việt Nam ở thế kỷ 19, xoay quanh cuộc sống của người phụ nữ phải chịu bất hạnh trong hôn nhân.
Finding Phong được nhắc tới khá nhiều khi liên tục gây chú ý tại nhiều LHP trên thế giới. Và nhà phát hành cho Finding Phong không ai khác chính là Blue Productions của diễn viên Hồng Ánh - đơn vị từng là "bà đỡ mát tay" cho Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng 4 năm trước.
4. Người đẹp Việt Nam đạt thành tích ấn tượng tại một số cuộc thi sắc đẹp thế giới. Không chỉ công chúng Việt Nam mà rất nhiều người trên thế giới đã kinh ngạc khi H'Hen Niê - cô gái người dân tộc Ê Đê, 26 tuổi - đã lọt vào Top 5 của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm 2018. Trước đó, thành tích cao nhất của Việt Nam tại cuộc thi này mới chỉ là Top 10.
Không chỉ có H'Hen Niê, hàng loạt người đẹp Việt cũng ghi dấu ấn trong năm này. Á hậu Phương Khánh bất ngờ đăng quang Hoa hậu Trái đất. Hoa hậu Trần Tiểu Vy, Á hậu Phương Nga cũng dành vị trí cao ở các cuộc thi sắc đẹp thế giới… Chuyên trang sắc đẹp uy tín quốc tế Global Beauties đã đưa ra danh sách 10 quốc gia có thành tích nổi trội trong năm 2018. Theo đó, Việt Nam lần đầu đứng ở vị trí thứ 8.
5. Hai nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng quốc tế. Với những màn biểu diễn “chồng đầu” đầy nghị lực, khát vọng, tuy không giành giải cao tại Britain’s Got Talent 2018 nhưng họ đã được khán giả Anh khó tính công nhận đã là một thành tựu lớn, và trên tất cả, họ đã đạt được mục tiêu ấp ủ bao năm nay: Mang hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới với bạn bè quốc tế.
Cùng với những màn diễn ngoạn mục ở nhiều nơi, Quốc Cơ – Quốc Nghiệp đã lập thêm một kỷ lục Guinness thế giới nữa tại Italy với động tác chống đầu, bịt mặt đi xuống và đi ngược 10 bậc thang trong 53,97 giây.
6. 2018 tiếp tục là năm "bội thu" của phim truyền hình Việt. Những bom tấn truyền hình có thể kể đến như: Gạo nếp gạo tẻ, Quỳnh búp bê... Quỳnh búp bê là bộ phim phản ánh những mảng tối của xã hội, trong khi đó Gạo nếp gạo tẻ là bộ phim đề tài gia đình, được mua bản quyền từ Hàn Quốc.
Sự trở lại của những bộ phim Việt là tín hiệu đáng mừng sau thời gian dài màn ảnh nhỏ bị phủ sóng bởi phim ngoại.
7. Lần đầu tiên ngành văn hóa cấp phép cho triển lãm ảnh nude nghệ thuật. Đó là cuộc triển lãm do Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh & triển lãm tổ chức, diễn ra từ 20-27/7 tại Hà Nội, với 52 tác phẩm ảnh nude của 10 nghệ sĩ. Trước đó, trong một thời gian dài, ảnh nude luôn là một lĩnh vực nhạy cảm, và tạo nên sự e dè đối với giới quản lý.
Dù đa phần là những bức ảnh cũ và không quá “mạnh bạo” trong tạo hình, cuộc triển lãm này vẫn thu hút một lượng lớn khán giả, đồng thời được coi là một sự kiện mang tính “cởi nút thắt” cho ảnh nude, khi được ngành văn hóa cấp phép. Theo những nhà quản lý, triển lãm được tổ chức với mục đích giúp người thưởng lãm có khái niệm cơ bản về ảnh nude, đặc biệt là biết phân biệt giữa ảnh nghệ thuật và những bức ảnh khỏa thân dung tục đang trổi nổi trên mạng xã hội.
8. Thành lập Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Trung tâm trực thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL), đóng vai trò “trọng tài” trong việc thẩm định, giám định các tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh, qua đó xác nhận những tác phẩm tốt, phát hiện tranh đạo, tranh nhái, tranh giả.... Đây được xem là mắt xích quan trọng bậc nhất để vận hành thị trường nghệ thuật theo hướng chuyên nghiệp.
9. Báo động về sự xuống cấp nghiêm trọng trong văn hóa ứng xử. Dù đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng văn hóa ứng xử, nhưng trong năm 2018 vẫn xảy ra nhiều vụ việc rất đáng tiếc, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đó là các vụ việc thể hiện sự thiếu chuẩn mực trong quan hệ ứng xử từ trong môi trường giáo dục, đến nơi công cộng, và đặc biệt là trên không gian mạng xã hội.
10. Vấn đề bản quyền diễn biến phức tạp trên môi trường mạng. Đó là vụ FPT Telecom bị tố vi phạm bản quyền của NSX bộ phim Gạo nếp gạo tẻ. Công ty Sky Music bị tố vi phạm bản quyền thuộc quyền bảo vệ của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Ngoài ra còn một số vụ việc khác như: các trang web lậu ở Việt Nam, ca sĩ Noo Phước Thịnh và trang điện tử Hdonline vi phạm bản quyền của chủ sở hữu quyền ở nước ngoài làm hình ảnh thực thi bản quyền ở Việt Nam “xấu xí” trong mắt bạn bè quốc tế.
Báo Thể thao & Văn hóa