Y Moan đang bay trong ngàn vì sao
Thứ Tư, 6/10/2010, 11:2 (GMT+7)
(Ban tổ chức) -
Một đám tang đông chưa từng thấy ở Tây Nguyên sáng qua (5/10), để tiễn đưa người con ưu tú của dân tộc Ê Đê về với “Yàng”. Đó là đám tang NSND Y Moan ENuol.
(TT&VH) - Một đám tang đông chưa từng thấy ở Tây Nguyên sáng qua (5/10), để tiễn đưa người con ưu tú của dân tộc Ê Đê về với “Yàng”. Đó là đám tang NSND Y Moan ENuol. Hàng ngàn bà con vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk và tỉnh lân cận đã về gặp lần cuối chàng ca sĩ như ruột thịt của các buôn làng.1. Tục lệ “ăn đám” thể hiện tình cảm lớn lao của nhân dân dành cho Y Moan. Hai bên dọc đường về nhà nghệ sĩ người ta đem gạo, thức ăn, dựng lều nấu cơm mấy hôm tang lễ. Đám tang kết hợp nghi lễ người Kinh và Ê Đê. Dàn chiêng 9 chiếc gõ mỗi khi có người đến viếng.
Y Moan và Nguyễn Cường tại đêm nhạc ở Hà Nội năm 1992 khi Y Moan 35 tuổi
TS Nguyễn Văn Lạng - Thứ trưởng Bộ KHCN (nguyên Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk từ 1999 - 2006) được Y Moan gọi là anh Hai, biết Y Moan từ 1979, khi ông đang là Giám đốc Nông trường Đắk Nông. Ông Lạng cùng nhạc sĩ Nguyễn Cường, NSƯT Rơ Chăm Pheng, ca sĩ quân đội Kim Tiến, NS nhiếp ảnh Nguyễn Á cùng bay chuyến 18h tối 4/10. Ca sĩ Siu Black về đây từ 3/10. Ca sĩ Phương Thanh từ TP.HCM tới từ sớm 5/10. Lúc 21h30 tối 4/10, chờ “anh Hai” Lạng và NS Nguyễn Cường viếng xong, gia đình mới đóng nắp quan tài.
Lần cuối nhìn Y Moan, Nguyễn Cường thấy một gương mặt thanh thản... Cũng đã tròn hai tháng sau live show của Y Moan, cũng ngót 2 tháng, Y Moan được ký quyết định phong danh hiệu NSND. 2. Buôn Dhăprong, nơi Y Moan và gia đình sinh sống họp và quyết định dành 500m2 đất giữa nghĩa trang cho Y Moan. Ngoài mộ có thể xây nhà tưởng niệm cho người yêu mến anh tìm đến. Bà con đến viếng mang theo hoa cúc, họ khóc bằng tiếng Ê Đê . 7h30 sáng lễ truy điệu bắt đầu. Sau khi ông Y D’hăm đọc điếu văn, NS Nguyễn Cường phát biểu: “Y Moan sống 53 năm ngắn ngủi nhưng đã làm nên nhiều điều kỳ diệu: 1. Huyền thoại Cao nguyên với giọng ca nồng cháy đầy tính dương. Đây là điểm đặc biệt quý giá khi thực tế nhạc ảo não thất tình và các giọng ca ẻo lả lan tràn. 2. Anh là biểu hiện sinh động của sự thống nhất trong đa dạng, cống hiến tiếng hát và đem những bài hát cao nguyên hòa vào nền âm nhạc VN. 3. Giọng ca, con người Y Moan không chết”.
Đám tang Y Moan. Ảnh do NS Nguyễn Cường chụp
Theo nguyện vọng của Y Moan, đoàn xe tang qua ngã 6 trung tâm TP Buôn Ma Thuột, qua Đoàn ca múa Đắk Lắk, rồi qua nhà và ra nơi an nghỉ cuối cùng. Đường Lê Thị Hồng Gấm kéo dài, nơi có nhà Y Moan, như dài thêm bởi đoàn người xe dài 2km. Suốt lễ tang và dọc đường, băng nhạc Y Moan được bật, với 3 bài: Đến với Cao nguyên, Giấc mơ Chapi, nhất là Ơi M’Drắk.
Bàn tay, đôi chân trần của Y Moan không chỉ cầm mic, ôm đàn và bước trên sân khấu, anh còn phát nương rẫy, băng rừng, trồng cà phê rất cừ. Mùa dã quỳ đã tàn, Tây Nguyên đang mùa mưa. Song trời đã trải nắng đẹp tiễn Y Moan. Cà phê trồng xen muồng đen, sầu riêng, bơ, na, mít ... rợp bóng con đường đất đỏ. Phong tục Ê Đê không bốc mộ. Hôm nay 6/10, gia đình sẽ xây mộ cho Y Moan. Thân xác về với đất, song linh hồn Y Moan vẫn hát, chu du khắp xứ sở nắng gió đến những nơi cần anh, nơi anh mong chờ. Bởi anh là một ca sĩ, nghệ sĩ đích thực, khác thường và hiếm biệt. 3. Chiều 5/10, NS Nguyễn Cường đi taxi trở lại nhà Y Moan lấy DVD Trở lại buôn làng xưa, không còn đĩa nào. Ông nói: “Bây giờ tôi thấy trống rỗng. Anh tài xế taxi hỏi tôi Y Moan chết rồi, anh viết bài hát cho ai? Tôi vẫn còn nhiều đệ tử, vẫn còn Siu Black nhưng không ai hát bằng Y Moan. Bá Nha phải có Tử Kỳ. Khi Y Moan qua đời, tôi nhận được rất nhiều lời chia buồn. Mọi người đã coi Y Moan như ruột thịt anh em tôi, chia sẻ mất mát của tôi”. Vẫn còn nguyên lời Y Moan giữa Cao nguyên mênh mang đại ngàn. Chàng Đam San đang bay theo chính lời anh hát: “Tôi mơ bay trong ngàn vì sao lung linh màu thảo nguyên, Ơi M’ Drăk....M’ Drăk”.
Vi Thùy Linh
GỬI Ý KIẾN (Vui lòng gõ tiếng
việt có đấu)