(TT&VH Cuối tuần) - Có 2 bằng thạc sĩ ngành kinh tế của Pháp và Đức, hiện là trợ lý giảng dạy và nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế tại đại học Hamburg (Đức) song Vũ Mạnh Cường (quen thuộc trên mạng với cái tên Marcus Mạnh Cường Vũ) lại khá nổi tiếng trong giới trẻ yêu điện ảnh ở Việt Nam. Anh là một trong những người đồng sáng lập trang web điện ảnh Yxine. Và bây giờ, trong khi thế giới điện ảnh đang sôi sục với LHP Cannes thì Cường lại khởi xướng một LH Phim ngắn trực tuyến cho những người làm phim ngắn gốc Việt toàn cầu. LH khai mạc vào tối (20/5) tại www. yxineff.com. * Con đường nào đưa một thạc sĩ kinh tế về với những mối quan tâm điện ảnh vậy, thưa anh? - Thật tình cờ, hôm qua tôi vừa được nghe những câu hát sau trong bài Thời gian để yêu của nhạc sĩ Đỗ Bảo: “Giờ đã là lúc mà thời gian để yêu. Giờ đã là lúc sống giấc mơ đời mình”. Tôi nghĩ nó trả lời hoàn hảo cho câu hỏi này. * Nhưng giữa yêu thích và bỏ thời gian, công sức, nghỉ làm, bay đi bay về tốn kém tiền bạc để tổ chức một LHP lại là chuyện, nhất là khi ý tưởng này xuất phát từ một cá nhân, là anh? - Đầu tiên, tôi nhận thấy LHP là một hoạt động rất quan trọng đối với điện ảnh, nhưng với quy mô của YxineFF, chúng tôi chỉ gọi là tiệc phim. Trước đây, khi lập ra Yxine, chúng tôi đã hướng đến việc giúp cho nhiều bạn trẻ nuôi dưỡng niềm đam mê với điện ảnh, biến ước mơ của họ thành hiện thực bằng cách lập thêm phần dành cho người làm phim như viết kịch bản, làm phim ngắn… bên cạnh diễn đàn chia sẻ kiến thức về điện ảnh. Chuyên trang về phim ngắn nhận được rất nhiều sự quan tâm của cả thành viên lẫn không phải thành viên. Từ đó tôi nhận thấy cần có một sân chơi để tập hợp các tác phẩm, giới thiệu đến một lượng khán giả lớn hơn, phát hiện được những nhân tố mới đồng thời hướng họ đến những dự án hợp tác để tạo ra được những tác phẩm dài hơi hơn, có sức nặng hơn. Xa hơn nữa, những tác phẩm đó có thể thực hiện được sứ mệnh giới thiệu tiếng nói của điện ảnh Việt Nam ra thế giới, điều còn đang ở mức độ khá khiêm tốn theo đánh giá chủ quan của tôi. Và giờ đây là thời điểm tôi nhận thấy hội tụ đủ điều kiện để tổ chức tiệc phim. Tôi được sự hỗ trợ của nhiều người tâm huyết với điện ảnh, họ đã tham gia vào công tác tổ chức một cách tự nguyện để tiệc phim ngắn YxineFF ra đời. * Lực lượng tham gia “bữa tiệc” đầu tiên này ra sao, thưa anh? - Chúng tôi hi vọng sẽ chọn được 21 phim của 21 tác giả tham gia mục Tranh giải nhưng cũng có thể chúng tôi chỉ chọn được 15 phim thôi. Ước mơ bao giờ cũng lớn hơn hiện thực mà (cười). Hiện tại chúng tôi đang tiến hành công tác lựa chọn theo hình thức cuốn chiếu. Từ những bộ phim được gửi đến, chúng tôi sẽ chọn cho phù hợp với tiêu chí “rung cảm, độc đáo, nhân văn” và chủ đề “tình yêu”. Bên cạnh đó, YxineFF sẽ có hoạt động chiếu phim Toàn cảnh nhằm giới thiệu đến khán giả tổng quát về phim ngắn Việt Nam trong ba năm trở lại đây. Cũng xin nói thêm, phim ngắn Việt Nam hiện tại cũng chưa thật gần với tiêu chí phim ngắn của thế giới. Tại các LHP quốc tế, độ dài của phim ngắn để lại ấn tượng tốt với người xem thường ở mức tối đa 3 phút, nhưng phim ngắn của Việt Nam thường dài tối thiểu 10 phút còn tối đa thì có thể lên tới… 30 phút. Tiêu chí về độ dài của những bộ phim tranh giải tại YxineFF là 10 phút. Các bộ phim sẽ lần lượt được chiếu hàng tuần trên www.yxineff.com. Tại đây, khán giả có thể xem phim, trao đổi, bình luận. Ngoài ra, tại các buổi chiếu đầu tiên mỗi phim đều có giao lưu trực tuyến với tác giả để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhà làm phim và khán giả. * Còn mục tiêu giới thiệu phim ngắn Việt với quốc tế? - Trước tiên, những bộ phim đó cần có khán giả, làm phim dù là phim thương mại hay phim tác giả thì cũng đều phải có khán giả, nếu không đến được với khán giả là không thành công. Bước thứ hai, tôi muốn tạo dựng một cộng đồng các nhà làm phim người Việt ở khắp nơi. Tôi biết, hiện nay ở TP.HCM, Hà Nội, giữa các bạn làm phim đã có sự hợp tác với nhau nhưng sự hợp tác đó chưa được tổ chức một cách khoa học và hiệu quả. Tôi nghĩ rằng qua YxineFF, các bạn sẽ quen thân nhau hơn, dễ dàng đóng góp cho các dự án của nhau để giảm bớt chi phí, thời gian làm phim, tăng độ cọ xát và khả năng làm việc tập thể, từ đó có được những tác phẩm tốt. Theo quan sát của tôi, điện ảnh Singapore, Thái Lan trong thời kì phát triển gần đây cũng rất cần các cộng đồng làm phim như vậy để tác phẩm của họ được trình chiếu ra quốc tế. Kế hoạch dài hơi của YxineFF là tổ chức hàng năm và tiến tới thành lập cả danh mục dành cho các nhà làm phim quốc tế. * Giám khảo là một phần quan trọng tạo nên uy tín của các LHP. Anh đặt hy vọng gì ở đạo diễn Việt Linh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhà văn Hồ Anh Thái, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn và nhà báo Lê Hồng Lâm khi mời họ vào vị trí giám khảo YxineFF lần thứ nhất? - BGK làm việc độc lập với BTC, đó là tiêu chí đầu tiên chúng tôi hướng đến. Chúng tôi chỉ mời BGK chứ không can thiệp đến công việc của họ, họ làm việc hoàn toàn độc lập với một quy chế được thảo luận kĩ giữa hai bên, họ có quyền quyết định cuối cùng và chúng tôi tôn trọng quan điểm đó. Năm nhân vật kể trên đều rất quan tâm đến điện ảnh, hơn nữa họ hiểu biết về điện ảnh rất sâu sắc và tôi hi vọng họ sẽ tìm được những tác giả xứng đáng để trao giải. * Xin được hỏi, YxineFF có nguồn tài trợ bên ngoài chứ? - Ở Việt Nam, Saigon Media đã đồng ý tài trợ 50 triệu đồng. Tại Paris, CLB YDA cũng giúp đỡ chúng tôi một phần kinh phí tổ chức. Chúng tôi đang tiếp tục vận động tài trợ từ nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm tới điện ảnh. * Tại sao yêu điện ảnh đến thế anh lại không làm phim mà theo đuổi một ngành khô như kinh tế? - Tôi quan tâm đến điện ảnh từ khi còn là học sinh, tiền ăn quà bố mẹ cho, tôi dành dụm mua sách báo về điện ảnh. Đó cũng là thời điểm điện ảnh Việt đang nở rộ dòng phim mì ăn liền, những năm 1990. Giờ nhìn lại thì thấy dù là “mì ăn liền” nhưng dòng phim đó rõ ràng đã thu hút được sự quan tâm của khán giả với điện ảnh và đó là thời kì mà điện ảnh Việt có nhiều ngôi sao nhất đấy chứ?! Theo đuổi ngành kinh tế nhưng tôi không xa rời điện ảnh, bài tốt nghiệp của tôi có đề tài là Cung và cầu của điện ảnh Đức đấy. * Trong tương lai, anh lựa chọn con đường nào: doanh nhân kinh tế và nghệ sĩ điện ảnh? Tôi muốn đi một con đường mà ở đó nghệ sĩ điện ảnh và doanh nhân kinh tế có thể nắm tay nhau cùng tiến trên cơ sở hai bên cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau. Tôi đã từng là một nghệ sĩ kinh tế, giờ đây tôi muốn được làm một doanh nhân điện ảnh. Dự định của tôi sau này là sản xuất phim. * Cảm ơn anhDương Vân Anh (thực hiện)