Vụ bắt giữ 1 tấn sừng tê, ngà voi: Bằng chứng của 'tính hoang dại còn sót lại của con người'

Thứ Bảy, 15/8/2015, 5:51 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Không thể giết một con vật chỉ để lấy một cái sừng phục vụ cho sức khỏe của con người. Giết hại động vật hoang dã, tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã là những hành vi đáng lên án. Bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ hệ sinh thái nói chung, cũng là giữ gìn lòng Nhân của con người.

Rất nhiều nghệ sĩ hay tin Công an vừa bắt giữ 1 tấn ngà voi và sừng tê giác nhập lậu từ nước ngoài tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) hôm 13/8/2015, đã chia sẻ cảm giác xót xa, vì để có được 1 tấn hàng đó, không biết bao nhiêu con vật vô tội đã bị sát hại.

Nhà sản xuất/diễn viên Hồng Ánh: Đừng đánh mất lòng nhân của con người

Đọc tin các cơ quan chức năng bắt được một tấn sừng tê, ngà voi ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) tôi vô cùng xót xa, cảm thấy những nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân bao nhiêu cũng là chưa đủ. Càng thấm để thay đổi được nhận thức của con người về bảo vệ động vật hoang dã rất khó khăn.


Nhà sản xuất phim Hồng Ánh

Người Việt Nam nói riêng, người châu Á nói chung tin sừng tê, ngà voi là "thần dược". Nhưng tôi cho rằng đó là cách nghĩ yếu cả về mặt thể chất, lẫn tinh thần, lối nghĩ xuất phát từ bản chất sâu sa: nỗi sợ chết của con người. Về mặt khoa học, không có nhiều cơ sở cho thấy sản phẩm từ động vật hoang dã có tác dụng thần kì như vậy. Mà nếu có, là những con người biết suy nghĩ chúng ta cũng không thể đang tâm giết hại những con vật đó để phục vụ cho bản thân mình. Động vật hoang dã nằm trong chuỗi phát triển của tự nhiên, việc hủy hoại chúng sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái. Lũ lụt, hạn hán, thảm họa tự nhiên... mà loài người đang gánh chịu là hậu quả từ những hành động hủy hoại tự nhiên của con người.

Cá nhân Hồng Ánh không bao giờ sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Bảo vệ chúng cũng chính là bảo vệ lòng nhân của con người.

Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng: Cần chấm dứt quan niệm sừng tê là "thần dược"

Con tê giác cuối cùng ở Việt Nam đã bị giết vào năm 2010, cá nhân Thắng cũng chưa bao giờ có cơ hội ra nước ngoài để nhìn tận mắt một con tê giác. Có người nói Việt Nam không còn tê giác, sao phải bảo vệ? Suy nghĩ đó là thiển cận vì động vật hoang dã là một phần của tự nhiên, các loài trong tự nhiên có liên hệ chặt chẽ với nhau, hủy hoại chúng có thể làm ảnh hưởng trầm trọng đến hệ sinh thái.


Ca sĩ Phạm Toàn Thắng

Để bảo vệ được những con vật như tê giác, voi thì nhất thiết phải chấm dứt được quan niệm sừng tê là "thần dược". Giết cả một con vật lớn chỉ để lấy cái sừng, hoặc cái ngà của nó để phục vụ nhu cầu con người là hành động rất dã man. Con người không sống một mình, trong hệ sinh thái của con người còn có cả động vật, nên nhớ điều đó.

Xuân Bắc: Để thay đổi nhận thức là quá trình dài

Là một trong những đại sứ thiện chí bảo vệ động vật hoang dã trong đó có gấu và tê giác, tôi xin chia sẻ những điều tôi được biết: sừng tê giác không phải là phương thuốc thần kỳ, càng không phải là một thứ chữa bách bệnh như mọi người lầm tưởng. Tất cả chỉ theo lời đồn thổi, đồn miệng với nhau từ xưa.


Danh hài Xuân Bắc

Bây giờ các nhà khoa học đã chứng minh những chất có trong sừng tê giác cũng giống như chất có trong sừng trâu, sừng bò và móng tay của chúng ta.

Thế nhưng cuộc chiến bảo vệ tê giác sẽ là một cuộc chiến lâu dài, vì tác dụng của sừng tê đã được truyền miệng cả nghìn năm rồi. Với những sản phẩm từ thiên nhiên cũng vậy, bây giờ chúng ta mới bắt đầu tuyên truyền để thay đổi nhận thức thì phải là cả một quá trình dài, không làm vội vàng được.

Vì thế, nhiều quốc gia đã ban hành luật bảo vệ động vật hoang dã. Việt Nam cũng ký vào hiệp ước để bảo vệ động vật hoang dã. Cần có pháp luật can thiệp, thay là chỉ có tuyên truyền.

Tôi rất muốn mọi người thay đổi nhận thức, nhưng biết là không thể một sớm một chiều.

Ca sĩ Hoàng Bách: Sử dụng sừng tê - tính hoang dã còn sót lại của con người!

Hiện nay nhiều người Việt đang tin vào lý thuyết mơ hồ từ y học Trung Quốc, sừng tê, ngà voi là những thứ có thể chữa được trọng bệnh. Tôi thấy nhiều nước ở vùng Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, dù hệ tư tưởng bị ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc thì họ cũng không có những suy nghĩ và hành động như vậy.

Hoàng Bách và con trai tham gia chiến dịch "Chấm dứt sử dụng Sừng tê giác của WildAid.

Tê giác là một cá thể tự nhiên, sừng tê giác thuộc về con tê giác. Loài người không có quyền tước đi mạng sống của nó chỉ vì cái sừng. Tê giác ra đời trước loài người từ vài chục triệu năm, là thành viên của trái đất trước cả khi có sự xuất hiện và thống trị của loài người. Vì thế, chúng ta không có quyền tách nó ra khỏi hệ sinh thái. Chúng ta không nên "vinh danh" đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới theo cách này.

Rất nhiều người hiện nay ngoài việc tin vào tác dụng "thần kì" của sừng tê mà còn coi đây là món hàng thể hiện "đẳng cấp". Những hành động đó chỉ cho thấy tính hoang dã vẫn còn sót lại ở con người.

Ngọc Diệp - An Như - Lam Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến