Vì sao phim Việt khó 'bén mảng' tới Oscar?

Thứ Năm, 1/10/2015, 13:30 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam gửi phim đi Oscar để làm gì? Truyền thông từng đặt câu nỏi này, xuất phát từ thực tế chất lượng phim ảnh nước nhà.

Dẫu vậy, với điện ảnh luôn có yếu tố bất ngờ. Thời điện ảnh Việt vẫn ở “ao nhà” xuất hiện Trần Anh Hùng từ Pháp về làm thơm lây cho điện ảnh Việt. Và có ai ngờ một ngày điện ảnh Campuchia được đề cử Oscar. Tuy nhiên căn cứ trên thực lực sản xuất phim của Việt Nam 2014 và 2015, khó có thể có bất ngờ xảy ra.

Phim Việt chất lượng không cao

Trúng số của Việt Nam đơn thuần là phim thương mại, không phải phim doanh thu khủng, không có bất cứ danh hiệu quốc tế đáng giá nào. Xét về mặt hồ sơ, Trúng số nên “kính nhi viễn chi” Oscar.

Từ khoảng 20/9/2015 trở đi, các trang báo quốc tế như Variety, The Hollywood Reporter đã thông báo Thái Lan, Philippines, Campuchia đã chọn phim gửi tới Oscar. Với nền điện ảnh lớn như Trung Quốc, vùng lãnh thổ Hong Kong (Trung Quốc), mức độ quan tâm của truyền thông thế giới còn lớn hơn nữa.


Xét về mặt hồ sơ, “Trúng số” nên “kính nhi viễn chi” Oscar

Dù Việt Nam cũng đã từng gửi Chuyện của Pao (2007), Áo lụa Hà Đông (2008), Đừng đốt (2010), Khát vọng Thăng Long (2012), Mùi cỏ cháy (2013), năm nay là Trúng số... nhưng chưa bao giờ được nhắc tới. Vì xét về danh tiếng, những bộ phim này chỉ người Việt biết, xét về chất lượng, chưa thuyết phục được người làm nghề và đông đảo khán giả Việt thì nói gì đến thuyết phục Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ?

Lấy đơn cử, bộ phim tài liệu Missing Picture của Campuchia, được đề cử Phim nước ngoài xuất sắc tại Oscar 2014. Đề tài tội ác diệt chủng Khmer Đỏ không chỉ là vấn đề của riêng Campuchia mà còn là vấn đề của nhân loại. Phim có ngôn ngữ điện ảnh độc đáo (với nhân vật, bối cảnh bằng đất nặn), có câu chuyện, cách kể khiến khán giả xúc động tận tâm can.

Điện ảnh Việt trong những năm gần đây chưa phim nào đạt tầm như vậy.

Các đối thủ “khủng” ở châu Á

Phim của các nước châu Á được gửi đến Oscar 2015, nếu không đạt doanh thu cao ở nước bản địa, thì cũng gặt hái thành công tại các LHP quốc tế. Năm nay châu Á có xu hướng chọn phim có yếu tố nước ngoài đi dự Oscar.

Thái Lan chọn phim How To Win At Checkers (Every Time), của đạo diễn mang hai dòng máu Hàn - Mỹ, Josh Kim. Phim này đã được chiếu Toàn cảnh ở LHP Berlin tháng 2 năm nay, nhận được nhiều lời khen tích cực từ truyền thông Thái Lan và quốc tế.

Campuchia chọn The Last Reel của nữ đạo diễn Sotho Kulikar, kịch bản do một người Anh viết. Bộ phim này đã tham dự LHP tại Tokyo và Udine. Nữ đạo diễn phim truyện đầu tiên của Campuchia rất tự tin cho biết: "Bộ phim này do một người Campuchia làm, và làm cho khán giả Campuchia, nhưng chủ đề thì mang tính toàn cầu".

Năm nay, thay vì chọn phim của các đạo diễn đại lục, Trung Quốc đã chọn Nightingale (phim hợp tác giữa Trung Quốc và Pháp). Tờ Los Angeles Times đánh giá đây là một “lựa chọn rất khác” cho thấy “sự cởi mở” của giới chức Trung Quốc, mặt khác cũng là lựa chọn mang tính “chính trị” và “an toàn”.

Hong Kong (Trung Quốc) chọn phim To The Fore. Phim do đạo diễn Đài Loan Eddy Peng thực hiện với diễn xuất của diễn viên Hàn Quốc Choi Si Won. Phim thu về 23,6 triệu USD sau khi khởi chiếu vào tháng 8/2015 ở Trung Quốc.

Còn vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã chọn Nhiếp ẩn nương, bộ phim đã mang về cho đạo diễn Hầu Hiếu Hiền danh hiệu Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes vừa qua.

Ở các nước, muốn được chọn đi Oscar cũng phải tốn tiền quảng bá phim, phải cạnh tranh khá gay go. Phim nào được cử đi thực sự vinh dự. Còn ở Việt Nam, việc lựa chọn phó thác hết cho Cục Điện ảnh, kết quả như thế nào cũng không ai kêu ca vì các nhà sản xuất biết thực lực phim của họ không thể vươn tới Oscar.

Dẫu vậy, căn cứ vào sự phát triển của thị trường Việt Nam (sắp đạt mức 100 triệu USD/năm), sự phát triển của lực lượng làm phim, nhiều nhà làm phim cho rằng điện ảnh Việt nên tính tới đầu tư phim “ra tấm ra món” để thi thố quốc tế. Cú bắt tay giữa nhà nước và tư nhân với sản phẩm gần nhất Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã mở ra hy vọng cho các nhà làm phim tư nhân, nhà làm phim độc lập. Tương lai, muốn tiếp cận Oscar, sẽ cần nhiều cú bắt tay như thế này hơn nữa.

(Còn tiếp)

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến