(TT&VH) - Chiều hôm qua (8/1), triển lãm trưng bày các đồ án dự thi Ý tưởng quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận đã được khai mạc tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. 9 đồ án được thể hiện bằng những bản vẽ và mô hình rất công phu phần nào cho phép hình dung tương lai của khu vực Hồ Gươm.
Được và chưa được từ 9 phương án
Cả 9 phương án quy hoạch, thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận đều hấp dẫn người xem, bởi có những ý tưởng độc đáo, thú vị để tôn thêm giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ vốn có được nâng lên tầm cao mới, xứng với tầm vóc là trái tim của Thủ đô. Các phương án đều cố gắng tìm giải pháp mở rộng không gian, tạo thêm đất để dành cho công trình công cộng, trồng thêm nhiều cây xanh nhằm bổ sung những cảnh quan thêm phong phú, đáp ứng với yêu cầu sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi, lễ hội và phát triển du lịch cũng như bảo tồn di sản văn hóa - kiến trúc vốn có từ lâu đời.
Phần lớn các phương án đều mở rộng không gian từ Nhà thờ Lớn đâm thẳng ra Hồ Gươm, gắn với cây đa cổ nhất, đẹp nhất Hà Nội, tạo thành dải cây xanh kéo dài ở phía Tây hồ, tạo sự thông thoáng chung cho khu dân cư phố cổ. Một khu đất nữa cũng được tác động nhiều, đó là khu điện lực EVN ở phía Đông của hồ. Với lô đất này hầu như phương án nào cũng tác động đến không ít thì nhiều và chức năng cũng khác nhau.
Phương án của Công ty 1+1>2 Group sử dụng làm khu sân khấu ngoài trời, sân khấu có mái che theo xu hướng kiến trúc sinh thái, tạo thành một thảm xanh rộng từ đền Ngọc Sơn trải ra. Phương án này hầu như giữ lại toàn bộ những công trình đã ổn định và trở nên quen thuộc với người Hà Nội, không xây công trình mới mà chỉ cải tạo cho sạch đẹp hơn.
Phương án của Công ty 1+1>2 Group
Phương án của Công ty THHH Archetype Việt Nam lại kết hợp khu đất EVN và Khu đất của UBND thành phố tạo thành một khối kiến trúc dày đặc theo kiểu cài răng lược nên rất nặng nề. Tháp Thiên niên kỷ tuy có hình khối kiến trúc lạ, song đặt ở vị trí chật hẹp ở phía Bắc hồ, rất hạn chế tầm nhìn.
Tháp Thiên niên kỷ tuy có hình khối lạ, song đặt ở vị trí
chật hẹp ở phía Bắc hồ, rất hạn chế tầm nhìn
Phương án của Công ty Nikken Sekkei Civil (Nhật) lại lặp thêm dãy phố cổ khu từ trụ sở UB qua EVN đến Lò Sũ với chiều dài qua lớn, nên có cảm giác xa lạ. Phá nhiều và làm mới quá nhiều nên dễ làm cho cảnh quan Hồ Gươm lạ lẫm, có những quãng dài đi trên "Bờ Hồ" mà không phải Bờ Hồ!
Khu vực ven đường dọc phố Tràng Tiền - Phương án của Công ty
Nikken Sekkei Civil
Phương án Công ty TNHH Kiến trúc NQH ngoài khu cây đa, trụ sở báo Nhân Dân tạo thành Trung tâm VHTT và sân khấu ngoài trời, thì phần lớn giữ nguyên, trừ khu EVN xây dựng dày đặc quá mức.
Có phương án thiên về khai thác các công trình công cộng, công trình văn hóa, lịch sử, truyền thống, cây xanh... tạo nên môi trường cảnh quan tốt, song phá mất hiện trạng quá nhiều, cả vạt nhà phía Đông, phía Tây - Bắc và phía Bắc (Phương án của Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng CDCC) mất đi, rất tốn kém.
Trên đây chỉ đảo qua một số nét chính của mấy phương án của cá nhân tôi. Tất cả còn chờ ý kiến của Hội đồng Giám khảo và nhân dân.
4 tiêu chí
Ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam |
Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết các đồ án ít nhất phải đáp ứng 4 tiêu chí cơ bản. Một là: cách đối xử với khu vực hồ như thế nào, cách tôn trọng cảnh quan, công trình văn hóa lịch sử ra sao; Hai là: khai thác và sử dụng không gian đó có thích ứng với cuộc sống hiện đại hay không; vì sao giữ hoặc (bỏ) nhưng công trình mà đơn vị thiết kế cho là phù hợp; Ba là: biết sử dụng không gian đó cho du lịch; Bốn là: thiết kế giao thông động và giao thông tĩnh.
Từ ngày 16 đến ngày 18/1 tới, Hội đồng giám khảo sẽ họp và các tác giả ý tưởng sẽ trình bày và trả lời chất vấn trực tiếp của Hội đồng. Ông Nguyễn Tấn Vạn khẳng định: Các thành viên Hội đồng giám khảo sẽ lắng nghe qua đó phát hiện ra những đề xuất sáng tạo, chứ không có chuyện “anh nào giống ý tưởng của tôi, tôi chọn”.
Hải Diệp - KTS Đoàn Đức Thành