(Thethaovanhoa.vn) - K-pop đã trở thành làn sóng âm nhạc có sức lan tỏa vượt khỏi biên giới Hàn Quốc từ lâu, thậm chí được đánh giá là một trong những công cụ quan trọng thuộc hệ thống sức mạnh mềm của quốc gia này.
Hiện nay, những chàng trai, cô gái của các nhóm nhạc Hàn Quốc như Girls Generation và BTS... đang tạo ra khối lợi nhuận trị giá nhiều tỷ đô la trên thị trường âm nhạc toàn cầu. Với những điệu nhảy hấp dẫn, trang phục kết hợp ăn ý và rất trẻ trung, các ngôi sao xứ kim chi cũng đang khẳng định tầm ảnh hưởng nhất định đến xu hướng ăn mặc, trang điểm, làm tóc… thậm chí ứng xử của giới trẻ tại nhiều nước, đặc biệt là châu Á.
Bước đi tiếp theo sau khi lên đỉnh
Nhưng ngành công nghiệp này không còn có thể chỉ dựa vào các công dân Hàn Quốc nếu muốn phát triển hơn nữa trên bình diện toàn cầu, Park Jin-young, nhà sáng lập của công ty đào tạo tài năng, hãng thu, sản xuất và xuất bản âm nhạc JYP, cảnh báo.
Park Jin-young, 44 tuổi, đưa ra nhận định này khi bản thân ông vừa là một nghệ sĩ, nhà sản xuất và kiêm doanh nhân có tiếng của làng giải trí Hàn sau khi chuyển mục tiêu sự nghiệp từ ca sĩ sang doanh nhân. Kể từ đó, ông đã tạo ra và quản lý vô số các ban nhạc thành công, trog đó có Rain và 2AM.
Các cô gái Girls’ Generation và các chàng trai nhóm BTS
"Chúng tôi đang cố gắng tìm ra hướng đi trong giai đoạn tiếp theo... vì không thể cứ tiếp tục gửi các ngôi sao Hàn Quốc ra quốc tế mãi. Cái chúng tôi cần bây giờ là tìm ra bước tiếp theo để phát triển. Hiện tại, chúng tôi đang muốn kết hợp đào tạo các tài năng đến từ nước ngoài như Nhật Bản và Trung Quốc" - ông nói với trang tin CNBC.
Bản thân Park Jin-young đã nhanh tay đưa ý tưởng này vào thử nghiệm với TWICE, một ban nhạc nữ gồm 9 thành viên, trong đó có 3 công dân Nhật, một thành viên đến từ Đài Loan (Trung Quôc) và 5 người Hàn Quốc.
Sau khi ký hợp đồng với JYP, TWICE hiện đang là một trong những cái tên gây được chú ý lớntrong cộng đồng yêu K-pop. Các cô gáithậm chí đã có buổi diễn ra mắt tại Mỹ hồi tháng 8 năm nay, chưa đầy 1 năm kể từ ngày phát hành đĩa đơn đầu tay.
Tìm kiếm tài năng ở những nơi “ngọa hổ tàng long”
Trong tháng qua, Park đã đích thân tới Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - để “trinh sát” về tiềm năng tìm kiếm những nghệ sĩ trẻ, với ước mơ ấp ủ là thành lập một ban nhạc nam toàn người Trung Quốc. Thuê một chiếc xe cắm trại và tự mình rong ruổi, ông tập trung vào các thành phố nhỏ, ít được biết đến, thay vì Bắc Kinh và Thượng Hải.
Nhiều người lo ngại việc tích hợp các tài năng nước ngoài sẽ khiến K-pop mất đi cái chất của mình, trong khi đây chính là điều khiến các nghệ sĩ trở nên hấp dẫn và mới lạ đối với công chúng quốc tế. Nhưng có lẽ thực tế sẽ không quá tệ đến thế.
Chỉ vài năm trước, khi các nhóm nhạc 'má hồng' của K-pop như Wonder Girls, 2NE1… tạo nên 'cơn sốt nhóm nữ' (Girl Group Fever), thì bây giờ những thế hệ đàn em còn làm được nhiều hơn thế.
"Chúng ta không thể cứ mãi cố gắng để khán giả ở các nền văn hóa khác yêu những thứ thuộc về Hàn Quốc. Hiện giờ, chúng ta phải cố gắng hiểu họ, và làm một cái gì đó cùng nhau. Chúng tôi nợ họ điều đó, bởi vì họ đã luôn đón nhận nền văn hóa Hàn Quốc suốt một thời gian dài" - Park Jin-young, một nghệ sĩ cống hiến hết mình vì sự phát triển của K-pop, nhưng cũng có rất nhiều các ca khúc của nghệ sĩ phương Tây như Rihanna, Bruno Mars và Drake trong playlist cá nhân của mình, chia sẻ.
K-pop chỉ là một khía cạnh trong nền văn hóa đại chúng của đất nước chúng tôi, mà vẫn hay được gọi là “làn sóng Hàn Quốc”, cùng với các bộ phim truyền hình (K-drama), đồ ăn nhanh và các sản phẩm tiêu dùng.
Và trong khi mảng giải trí, thời trang và văn hóa Hàn Quốc vẫn luôn giữ được một lượng khán giả trung thành ở châu Á, chính những yếu tố mới lạ, như khi Psy phát hành bản hit đình đámGangnam Style, mới là điều giúp dấu ấn Hàn Quốc in sâu hơn trên thị trường toàn cầu. Nói vậy để hiểu về tầm quan trọng của sự cải tiến và những ý tưởng hay ho, dù có thể bị nhiều người cho là điên rồ.
Ông Park cũng chia sẻ thêm về công thức thành công của K-pop: Quá trình công nghiệp hóa mảng giải trí.
"Chúng tôi đã phát triển thành một hệ thống. Các công ty như chúng tôi đã mở học viện, một loại hệ thống đào tạo để tìm kiếm những đứa trẻ và thanh niên tài năng rồi trang bị cho họ những kiến thức bài bản nhấttrước khi bước vào làng giải trí. Mọi thứ bắt đầu một cách tự nhiên, nhưng chúng tôi đã hệ thống hóa nó".
Duy An (Theo CNBC)
Thể thao & Văn hóa