Từ bao giờ, người Hà Nội bắt đầu đón giao thừa tại Hồ Gươm?

Chủ Nhật, 3/2/2019, 15:41 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Từ rất nhiều  năm nay, vào đêm 30 tháng Chạp, những dòng người tại Hà Nội vẫn đổ dồn về không gian quanh Hồ Gươm để chào đón phút giaothừa bắt đầu Tết Nguyên đán. Vậy, tập tục ấy bắt đầu hình thành từ bao giờ?

Đêm giao thừa Tết Kỷ Hợi xem bắn pháo hoa trên cả nước ở đâu?

Đêm giao thừa Tết Kỷ Hợi xem bắn pháo hoa trên cả nước ở đâu?

Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, những màn pháo hoa rực rỡ sẽ đồng loạt bung nở trên bầu trời cả nước, chia tay năm Mậu Tất và đón chào năm mới Kỷ Hợi.

Được hình thành một cách tự nhiên từ đời sống, điều này rất khó để xác định một cách quá chính xác và cụ thể. Tuy nhiên, theo các tài liệu cũ, ở thời điểm…. trước khi  Hồ Gươm được người Pháp quy hoạch xong, người Hà Nội ở thị thành ít khi có chuyện rời khỏi nhà trong đêm giao thừa và ngày mùng một tết mà thường chỉ sinh hoạt trong gia đình.

Chú thích ảnh
Hồ Gươm trong thời Pháp thuộc
  

Còn theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, người chuyên nghiên cứu về Hà Nôi, vào Tết nguyên đán năm 1893, sau khi làm xong đường vòng quanh Hồ Gươm, công sứ Hà Nội cùng thống sứ Bắc Kỳ đã lập tức tổ chức một buổi đón giao thừa tại đây với các hình thức lướt ván, đốt pháo bông, đua thuyền thúng… Đến tận sáng mùng Một hôm sau, những trò chơi cho cộng đồng quanh Hồ Gươm cũng được tổ chức tiếp. Như vậy, đây có thể coi là một dấu mốc quan trọng trong việc hình thành thói quen ra Hồ Gươm vào ngày Tết của người Hà Nội.

Trong nửa thế kỷ trước 1945, thói quen này bắt đầu phát triển khá mạnh. Một số tư liệu từ các sách cũ cho thấy trong thời Pháp thuộc, người Hà Nội đã thường xuyên ra Hồ Hoàn Kiếm trong đêm Giao thừa và các ngày Tết. Đặc biệt, khi ra đây, hầu hết mọi người đều ăn mặc lịch sự, thậm chí những người bán hàng rong cũng mặc áo dài, áo tứ thân, đội nón quai thao…

Chú thích ảnh
Cầu Thê Húc xưa

  Đáng nói, Giao thừa 1946, Giao thừa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, lượng người đổ về Hồ Gươm tăng vọt rất nhiều. Theo các tư liệu được lưu giữ, Hồ Chủ tịch cũng có mặt tại đây để chung vui với đồng bào trong bộ trang phục áo dài nam và khăn xếp truyền thống, đi cùng với người là một khách mời đặc biệt: nhà báo Mỹ tiến bộ Harold R. Isaacs.

Tuy nhiên, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, dù ra Bờ Hồ, người Hà Nội cũ vẫn thường trở về nhà ở thời điểm gần Giao thừa. Chỉ những ai “hợp tuổi” hay “nhẹ vía” mới tìm đến một ngôi chùa hay ngôi đền nào đó gần nhất hoặc thiêng nhất thắp hương cúng trời đất, hái một cảnh cây nhỏ làm lộc rồi về nhà để trở thành người xông đất mang lại sự tốt lành suốt năm mới cho gia đình mình.
Chú thích ảnh
Cảnh Hồ Gươm cũ
  
 

Ông Quốc cho biết: phải sau thời điểm giải phóng thủ đô năm 1954, việc có mặt tại Hồ Gươm để chứng kiến phút Giao thừa mới nhộn nhịp hơn, với sự xuất hiện của một nhân tố mới: những cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc sinh sống, công tác và học tập.Thông thường, họ đến sinh hoạt trong Câu lạc bộ Thống Nhất được thiết lập tại trụ sở cũ của Hội Khai Trí Tiến Đức, hiện nằm trên phố Lê Thái Tổ.

Gặp hoàn cảnh ấy, với tình nghĩa Bắc Nam một nhà, nhiều gia đình ở những khu phổ cổ gần đó được vận động ra thăm hỏi bà con miền Nam. Tuy theo cổ tục không mấy ai đón người lạ về nhà mình trước giao thừa, nhiều gia đình quanh Hồ Gươm vẫn đền chia vui rồi lưu lại để nghe lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết bao giờ cũng được phát ngay sau tiếng chuông và tiếng pháo báo hiệu đã bước sang năm mới.
Chú thích ảnh
Việc đón giao thừa tại Hồ Gươm hiện nay đã rất phổ biến
 

“Ở thời điểm ấy, đài phát thanh chưa phổ biến trong các gia đình. Quanh Hồ Gươm lại có nhiều chiếc loa phóng thanh khổ lớn treo trên các cành cây. Trong đêm giao thừa, phút quan trọng nhất là nghe lời Chúc đầu Xuân và thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch” – ông Dương Trung Quốc kể. Thói quen rồi trở thành tập quán kéo nhau ra Bờ Hồ đón giao thừa ngày càng trở nên phổ biến kể từ đó.”

Chú thích ảnh
Pháo hoa thường được bắn tại giao thừa ở Hồ Gươm. 

Cũng theo lời nhà sử học này, lần bắn pháo hoa đầu tiên tại Hồ Gươm diễn ra vào giao thừa xuân Quý Sửu 1973, khi Hiệp định Paris vừa được ký kết, còn Hà Nội vừa trải qua 18 ngày đêm ngút trời khói lửa của trận tập kích bằng máy bay B52 của Mỹ. Trong đêm Giao thừa đặc biệt này, ngoài những loạt pháo hoa được bắn trên bầu trời, bài hát Việt Nam trên đường chúng ta đi của nhạc sĩ Huy Du cũng được phát qua những chiếc loa đặt quanh Hồ và trở thành một ký ức đặc biệt với những người dân thủ đô.

Kể từ đó đến nay, qua nhiều giai đoạn phát triển, Hồ Gươm đã trở thành một điểm hẹn đặc biệt với người dân Hà Nội trong đêm Giao thừa, với hình ảnh những dòng người chen vai thích cánh quanh hồ để đón mừng năm mới.

Sơn Tùng

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến