Theo phóng viên TTXVN tại Paris, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Pháp, nghệ sĩ sân khấu Isabelle Genlis thuộc Viện Văn học truyền khẩu đương đại (CLIO) mới đây đã trình bày Truyện Kiều qua một bản cải biên tiếng Pháp có tên "Kim Vân Kiều hay Trò đùa của số phận" trên nền nhạc đệm đàn tranh của nghệ sĩ Hồ Thụy Trang.
Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015) - Danh nhân văn hóa thế giới.
Với cách kể chuyện đặc sắc, từ ngữ đầy hình ảnh, đậm chất nhạc và thơ kết hợp với chất giọng trầm ấm, khi thủ thỉ, tâm tình, khi da diết, mênh mang, khi đau đớn, dữ dội, nghệ sĩ Genlis đã đưa khán giả về với khung cảnh của thế kỷ 17 và câu chuyện xót thương của người con gái tài sắc vẹn toàn Thúy Kiều phải hy sinh tình yêu, bán mình để lấy tiền chuộc cha trong cơn nguy biến.
Nghệ sỹ Isabelle Genlis cuốn hút người nghe bằng giọng nói lên bổng, xuống trầm và cách thể hiện duyên dáng. Ảnh: Bích Hà/Vietnam+Sau khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, nghệ sĩ Genlis đã chinh phục đông đảo kiều bào và bạn bè Pháp có mặt tại đêm diễn tối 30/5 vừa qua. Chính nghệ sĩ Genlis đã viết bản chuyển thể tiếng Pháp từ 3.254 câu thơ lục bát của Nguyễn Du với tên tác phẩm chị đặt là "Kim Vân Kiều hay Trò đùa của số phận". Chị đã mất 3 năm lao động cật lực để hoàn thành công việc đó.
Trao đổi với phóng viên TTXVN sau buổi diễn, nghệ sĩ Genlis cho biết: "Truyện Kiều là một kiệt tác kết tinh nhiều giá trị vĩnh cửu của nhân loại. Tôi đã nỗ lực để giới thiệu nó bằng một hình thức độc đáo và trong một ngôn ngữ khác với tiếng Việt, và tôi còn tiếp tục làm việc đó trong thời gian tới".
Năm 2015 là năm kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du, người mà chị gọi là "Shakespeare" của Việt Nam, nghệ sĩ Genlis sẽ tiếp tục niềm đam mê của mình là giới thiệu Truyện Kiều tới đông đảo công chúng Pháp.
Nghệ sĩ Genlis tốt nghiệp Đại học sân khấu Saint Germain và làm việc cho Trung tâm Fahrenheit của Viện Văn học truyền khẩu đương đại. Chị đã chủ động đề nghị với ban lãnh đạo để được cải biên và kể nhiều chuyện dân gian và cổ tích Việt Nam mà chị đặt tên là "Tiếng nói của Rồng", "Truyện ngụ ngôn cho trẻ em", "Lọ Lem của nước Pháp" hay "Tấm, Cám của Việt Nam"…
TTXVN