(Thethaovanhoa.vn) - Phòng trưng bày chuyên đề Trang sức cổ Việt Namvừa được khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ( số 1 -Tràng Tiền, Hà Nội).
Tại đây, công chúng trong và ngoài nước lần đầu tiên cơ hội thưởng lãm gần 140 tài liệu, hiện vật quý hiếm trong bộ sưu tập trang sức cổ Việt Nam đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Theo TS Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, sưu tập hiện vật này được giới thiệu theo các thời kỳ lịch sử từ thời Tiền - Sơ sử (thuộc văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai, Óc Eo) cho đến đầu thế kỷ 20.
Đặc biệt, ngay từ thời tiền sơ sử, cư dân các nền văn hóa cổ đã biết chế tác và sử dụng đồ trang sức. Đồ trang sức thời kỳ này chủ yếu được làm từ chất liệu đá, xương, răng, sừng động vật và vỏ nhuyễn thể.Loại hình chủ yếu là hạt chuỗi, các loại vòng tay, vật đeo… Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều công xưởng chế tác đồ trang sức thể hiện kỹ thuật rất tinh xảo. Thời kỳ này ý nghĩa chủ yếu của đồ trang sức là chỉ dấu cho biết địa vị, quyền lực của người mang nó.
Mũ xung thiên - mũ vua Triều Nguyễn thế kỷ 19 - 20.
Bước sang thời dựng nước đầu tiên, cách ngày nay khoảng 2.000 - 2.500 năm, đồ trang sức khá phong phú về hình dáng, chất liệu và mang tính mỹ thuật cao. Đặc trưng cho văn hóa Đông Sơn là các loại vòng đeo tay (thiết diện tròn, lòng máng, sống trâu), vòng đeo chân, lục lạc, khóa thắt lưng, trâm cài đầu... bằng đồng; vòng đeo tai và hạt chuỗi bằng thủy tinh; vòng đeo tay, khuyên tai, hạt chuỗi bằng đá với kích thước từ nhỏ đến lớn.
Trong trưng bày chuyên đề lần này, công chúng còn được chiêm ngưỡng sưu tập trang sức cung đình thời Nguyễn. Đây là một sưu tập quý hiếm và hoàn mỹ thể hiện trình độ kỹ thuật, nghệ thuật chế tác đạt tới đỉnh cao. Chất liệu để chế tác đồ trang sức thuộc vào loại quý hiếm bậc nhất thời bấy giờ đó là vàng, bạc, ngọc, ngà voi, đồi mồi... Loại hình chủ yếu là dây chuyền, mặt dây chuyền, vòng tay, bao tay, khuyên tai, trâm cài đầu...
Có thể nói, trang sức là một loại hình di vật đặc biệt, không chỉ với mục đích làm đẹp cho con người mà còn biểu thị trình độ thẩm mỹ và kỹ thuật chế tác đạt tới đỉnh cao. Qua đó chúng ta có thể hình dung được sự phát triển của tư duy thẩm mỹ người Việt qua từng thời kỳ lịch sử.
Trưng bày kéo dài đến hết tháng 12/2013.
Hoa Chanh