(TT&VH Online) - Cảm giác đầu tiên rồi còn ám ảnh người đọc “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” là sự thừa nhận Toán học như một thế giới trong vắt, không gợn những toan tính vật chất, thiệt hơn, được thua, … như các lĩnh vực khoa học xã hội và tự nhiên khác.
Ở đây, tại xứ sở những con số tàng hình, chỉ có tư duy người mà ngay cả những cuộc thi, ngay cả phiên tòa, cũng chỉ là những cuộc vui trí tuệ. Câu chuyện hai tác giả Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn kể cho thấy một phiên tòa dựa trên một hệ quy chiếu Toán học thì không đủ để “xử” hệ quy chiếu khác. Cả quan tòa, bồi thẩm đoàn, và “tù nhân” cuối cùng đều đi về một hướng biển xanh. Và muốn đi xa, thì phải như Steve Jobs (được dẫn thẳng trong câu chuyện kể ở đây) Stay hungry – “hãy giữ lòng mình không bao giờ hết khát khao và không bao giờ hết thơ dại”.
Một số tranh minh họa trong tập sách, họa sĩ Thái Mỹ Phương
Trong chuyến viễn du Toán học bất tận, dù ta có định vươn tới những chân trời hiện đại tới đâu chăng nữa, dù có muốn đến với hệ phương trình bậc 5 đa nghiệm, thì vẫn sẽ không thể thiếu bộ hành trang ban đầu (bộ “đồ nghề”) mẫu mực, kinh điển tạo thành bởi những định đề Euclid, những định luật Thales - Pythagore, và cả lối tư duy hệ thống Descartes, ấy là mới chỉ ra một vài điều cơ bản.
Nhân vật trong câu chuyện luôn luôn hình thành từng bộ ba: chú bé Ai ở đây như là nhân vật Tôi (You and I) khát khao học hỏi, chú bé Ky ở đây như là nhân vật “ai khác” (Qui?) đầy đủ những hiểu biết tròn trịa, và chú Dế Jim (Jiminey Cricket) như là niềm vui sống mãi mãi trẻ thơ để nào chúng ta cùng nhau đi tìm chân lý Toán học.
Câu chuyện cho ta thấy người kể chuyện là một nhà toán học trẻ Ngô Bảo Châu mãi mãi tuơi trẻ đem một niềm vui tư duy Toán học đến người đồng tác giả Nguyễn Phương Văn, qua đó cùng đem câu chuyện viết chung tới vô vàn số hữu tỉ bạn đọc - tất cả cùng rủ nhau đi vào một thế giới trong vắt – thế giới của tình yêu Toán học.
Sách do Cty Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành.
Giáo sư Phạm Toàn