(Thethaovanhoa.vn) - Trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ XIX, sáng 2/12, tại khách sạn Rex (141 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM) đã diễn ra hội thảo “Xây dựng thương hiệu, vị thế của phim Việt Nam”, với những phân tích, phản biện khá thiết thực.
Có thể nói không quá lời, chỉ đến hội thảo này, dù quy mô còn khá bình thường, thì những cơ sở để thực hiện một ước mơ hơn nửa thế kỷ mới dần lộ diện. Từ hội thảo này, báo Thể thao & Văn hóa đã lấy ý kiến riêng từ các chuyên gia để giới thiệu đến độc giả những góc nhìn sâu hơn về một vấn đề mà chắc chắn thời gian tới sẽ còn được nhắc lại nhiều lần. Nói như TS Ngô Phương Lan (Cục trưởng Cục Điện ảnh): Có đủ số phim cơ bản thì mới dám nói đến thương hiệu, và có thương hiệu được nhận diện rộng rãi thì mới nói đến vị thế.
Phim “Lửa Phật” được bán bản quyền ra nước ngoài với giá 200 ngàn USD
“Từ LHPVN lần thứ XVIII đến nay, Việt Nam đã có một số phim cạnh tranh ngang hàng, thậm chí lấn át bom tấn Hollywood về mặt bán vé tại thị trường nội địa. Điều này cho thấy sự ủng hộ của khán giả Việt với phim Việt vẫn rất lớn, nó trở thành cơ sở niềm tin để nhiều nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư để làm nên những tác phẩm bài bản, chất lượng hơn nữa. Chúng ta có cơ sở để hi vọng việc tìm lại thương hiệu và vị thế cho phim Việt”, TS Ngô Phương Lan nói.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Cần thêm những đột phá
Nhìn lại suốt lịch sử điện ảnh Việt Nam, nếu tự hỏi chúng ta đã có thương hiệu hay chưa, tôi nghĩ câu trả lời là rất khó, vì nó vừa có vừa không. Có, đó là những phim chủ đề chiến tranh thời kỳ đầu, chúng ta đã tạo được ấn tượng nhất định với quốc tế. Còn không, đó là mấy chục năm cuối thế kỷ 20, chúng ta chưa thật sự tạo được ấn tượng tốt.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát
Ngay cả với 15 năm đầu thế kỷ 21 này, chúng ta ngày càng có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng phim và số vé bán ra, nhưng thương hiệu thì chưa hẳn đã đồng hành với số lượng phim và số vé. Chúng ta vẫn cần thêm những bộ phim thật sự đột phá về mọi mặt, tạo được sức hút lớn thì thương hiệu mới bền vững.
Theo tôi, một phim có thương hiệu phải hội tụ được ít nhất hai tiêu chí: đoạt giải uy tín của quốc tế, và bán ra được nước ngoài. Nền điện ảnh có thương hiệu và vị thế thì phải có được nhiều như vậy. Đến nay, tôi nghĩ các mô hình từ điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã rất rõ ràng, cởi mở để chúng ta có thể chắt lọc được những bài học thiết thực cho mình.
Nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hiền: “Hoa vàng cỏ xanh” là một thương hiệu
Công ty của chúng tôi đã đại diện bán gần 50 phim Việt ra thị trường quốc tế, nhưng thực sự hiệu quả chưa cao, lý do thì có nhiều, nhưng tựu trung do thiếu thương hiệu và vị thế. Để chen chân vào các rạp chiếu màn ảnh rộng không hề dễ, bởi họ chưa biết chúng ta là ai, nên rất e dè.
Ngay cả nền điện ảnh khổng lồ như Bollywood (Ấn Độ), về số lượng phim là nhiều nhất thế giới, tại sao mỗi năm chẳng có mấy phim ra rạp tại Việt Nam? Đơn giản vì thương hiệu Bollywood chưa có đủ vị thế và hấp lực với các nhà phát hành tại Việt Nam.
Nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hiền Nhiều phim hài Việt chiếu trong nước thu về 3-4 triệu USD, nhưng chưa chắc bán ra nước ngoài được, vì khi chuyển ngữ để làm phụ đề, sự hài hước đó bị giảm sút, rồi quan niệm về cái hài mỗi nền văn hóa mỗi khác nhau. Trong các phim mà chúng tôi đã bán, Lửa Phật thu về hơn 200 ngàn USD, là con số cao nhất, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu nếu so với kinh phí sản xuất hơn 1 triệu USD, rồi việc đi giới thiệu để bán cũng rất tốn tiền, một cuộc họp báo giới thiệu phim ở nước ngoài tốn khoảng 50-70 ngàn USD.
Điều này cho thấy với các nhà sản xuất trong nước hiện nay, thị trường nội địa vẫn là định hướng chính. Tuy nhiên, việc kiên trì giới thiệu như vậy cũng là cách góp phần tạo dựng thói quen và thương hiệu. Những phim có chủ đề, bản sắc và thành công nội địa như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tôi nghĩ cơ hội để bán ra quốc tế thuận lợi hơn, vì việc chuyển ngữ không ảnh hưởng nhiều đến câu chuyện.
Diễn viên Trương Ngọc Ánh: Thương hiệu cho phim Việt không quá xa vời
Gắn bó với một số kỳ LHP gần đây, tôi thấy chưa khi nào công tác chuẩn bị, thực hiện lại tươm tất như lần này, dù kinh phí thực hiện vẫn rất giới hạn, đó là điều rất đáng khích lệ. LHP đã có nhiều sự kiện song hành mà mục đích chính vẫn để bắc nhịp cầu với công chúng, với quốc tế.
Bên cạnh những sự kiện chính thức, LHP đã thu hút giới làm nghề quốc tế, nhiều người đã chủ động đến tham dự, tìm hiểu và đặt các quan hệ cho tương lai.
Diễn viên Trương Ngọc Ánh
Hội thảo “Xây dựng thương hiệu, vị thế của phim Việt Nam” theo tôi là đúng lúc, vì mấy năm gần đây số lượng phim Việt đã gia tăng mạnh mẽ, rất cần sự tổng kết, nhìn lại, để vạch ra các định hướng về xây dựng thương hiệu cho tương lai. Với bối cảnh phim ảnh như hiện nay, một thương hiệu thu hút và uy tín cũng đồng nghĩa với sức mạnh, với giá trị.
Tôi cũng hi vọng BGK sẽ công bằng và không bị hạn chế bởi định kiến phim nhà nước - phim tư nhân để chọn và trao những giải thưởng đúng người, đúng việc. Trước đây chúng ta không có phim và không có điều kiện để làm được việc này, nhưng đến nay thì cơ hội đó đã rõ ràng hơn, một giải thưởng công minh sẽ có tính kích cầu giới sản xuất, sáng tạo.
Tôi tin rằng nếu chúng ta cùng nỗ lực, có chính sách hợp lý, cởi mở để liên minh nhà nước và tư nhân, trong và ngoài nước thì việc tìm kiếm một thương hiệu cho phim Việt không phải là quá xa vời. Khi điện ảnh Việt có thương hiệu thì quyền lợi thu về chẳng của riêng ai. Chúng ta hãy cho BTC lần này những tràng pháo tay tán thưởng với hi vọng điều này còn được nhân rộng hơn nữa.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa