Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, hiện nay, việc thực hiện kế hoạch quản lý mới chỉ phát huy hiệu quả ở công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản. Các lĩnh vực khác còn gặp nhiều khó khăn hoặc triển khai chưa hiệu quả.
Khi Luật Di sản đứng sau Luật Đất đai và Luật Xây dựng
Theo Luật Di sản Văn hóa và Quy chế quản lý bảo vệ của di sản Thành nhà Hồ thì hiện nay, khu vực 1 là vùng bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, một số hộ dân đang sinh sống trong khu vực này vẫn tiến hành xây dựng nhà cửa và các công trình dân sinh. Điều này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý di sản trên địa bàn. Trung tâm Bảo tồn đã phối hợp với chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp tuyên truyền cho nhân dân, song hiệu quả của công tác này chưa thật sự triệt để.
Thực tế, 142 ha của di tích Thành nội hiện nay vẫn thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương. Nhân dân vẫn canh tác, sản xuất lúa và hoa màu chính trong khu vực bảo vệ đặc biệt của di sản. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới kiến trúc khảo cổ của di sản. Cái khó ở đây là Trung tâm Bảo tồn chỉ có thể áp dụng các biện pháp quản lý theo quy chế của Luật Di sản, trong khi đó, các hoạt động dân sinh lại dựa vào Luật Đất đai và Luật Xây dựng: dân có sổ đỏ sở hữu đất đai thì có quyền tự do sử dụng đất đai, và xây dựng nhà dưới ba tầng thì không cần phải xin giấy phép. Vậy là cứ mạnh ai nấy làm. Và công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn di sản Thành nhà Hồ vẫn cứ loay hoay trong một bài toán khó.
Anh Nguyễn Xuân Toán - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ bức xúc: "Việc dân ngang nhiên canh tác nông nghiệp trong khu vực bảo vệ đặc biệt đã làm bật lộ các kiến trúc dưới đất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới di sản. Chúng tôi đã liên tục phản ánh về tình trạng này suốt thời gian qua nhưng cho đến nay vẫn không thấy có chuyển biến gì".
Nhà mình nhưng không thể tự xử lý
Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ là đơn vị trực thuộc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa. Trong trường hợp xảy ra vi phạm trong khu bảo tồn, Ban Quản lý lại phải chờ phía cơ quan chức năng giải quyết vì "không thuộc thẩm quyền của Ban". Nếu đó là các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, du lịch thì thanh tra ngành lại là cán bộ thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa. Và khi Ban quản lý có phản ánh, đề xuất thì phải trình cấp từ "cấp xã" rồi xã mới trình lên "cấp huyện" để huyện có cơ sở trình lên cấp cao hơn.
Tuy nhiên, theo cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, mọi phản ánh, kiến nghị lên đến cấp huyện đều bị "ngâm" ở đấy. Thành ra, chính những người quản lí lại không có cơ chế, chức năng xử lý những vi phạm xảy ra trong chính “ngôi nhà” của mình. Đây chính là một trong những trở ngại trong quá trình vận hành công việc; sự phối hợp giữa ban quản lý di sản với các ngành hữu quan khác trong quá trình xử lý những vấn đề nảy sinh từ hoạt động thực tiễn còn thiếu chặt chẽ. Âu cũng là "bệnh trầm kha" chung trong việc phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị quản lý ở địa phương trong bảo tồn và phát huy di sản.
Theo PGS-TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, chừng nào Ban quản lý di sản Thành nhà Hồ chưa có một mức độ cao hơn về thẩm quyền và quyền hạn ra quyết định trong thực hiện việc quản lý hàng ngày cũng như việc thi hành các vai trò và trách nhiệm thì bài toán quản lý bảo tồn di sản này vẫn còn nhiều nan giải.
Tại Hội thảo Quản lý Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới vừa diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu đã báo cáo thực trạng quản lý 7 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam. Trong đó, một vấn đề lớn mà các đại biểu trăn trở là quy định, quy chế quản lý di sản thế giới ở Việt Nam chưa đồng bộ. Đặc biệt sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, ngành gây nhiều trở ngại trong quá trình vận hành công việc và xử lý những vấn đề nảy sinh từ hoạt động thực tiễn.
Thành nhà Hồ được xây dựng bằng đá vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Đến nay, Di sản Thành nhà Hồ vẫn trường tồn như một minh chứng bất diệt cho một thời kỳ lịch sử sôi động, bi hùng của Đại Việt.
|
Vũ Đậu
Thể thao & Văn hóa