Tác quyền âm nhạc cứ xới là nóng: Tận thu & khoảng trống

Thứ Bảy, 23/8/2014, 12:12 (GMT+7)
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện bản quyền luôn phức tạp trong nhiều lĩnh vực, nhưng ở Việt Nam, có lẽ bản quyền âm nhạc luôn nóng nhất, có lẽ vì một lý do đơn giản và thực tế: đây là lĩnh vực kiếm tiền sôi động, có vẻ càng ngày càng sôi động hơn, bất chấp tình hình kinh tế chung có bất ổn ra sao.

Đây cũng là lĩnh vực duy nhất có trung tâm thu tiền tác quyền hoạt động khá bài bản và hiệu quả - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Tuy nhiên, cứ mỗi lần “có chuyện” (ồn ào mới nhất là vụ lùm xùm bản quyền giữa ban tổ chức live show Khánh Ly với VCPMC, đỉnh điểm là “cuộc săn đuổi” của ông giám đốc VCPMC, nhạc sĩ Phó Đức Phương, tới tận sân khấu chương trình), là những bất cập lại được phơi bày cho thấy “cuộc chiến đấu còn tiếp diễn”.

Sau 11 năm thành lập, từ con số 0, đến năm 2013, VCPMC đã mang về hơn 58 tỷ đồng (trước thuế) cho các nhạc sĩ từ việc thu tác quyền. Tuy nhiên, việc thu phí bản quyền âm nhạc ở Việt Nam của VCPMC còn khá nhiều bất cập.


Sau 11 năm thành lập, từ con số 0, đến năm 2013, VCPMC đã mang về hơn 58 tỷ đồng (trước thuế) cho các nhạc sĩ từ việc thu tác quyền. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, con số này rơi vào khoảng 24, 25 tỉ đồng.

1. Tại các phòng trà ca nhạc, VCPMC đang áp dụng hình thức thu khoán. Các phòng trà có trách nhiệm cung cấp danh sách tác phẩm được sử dụng trong các chương trình biểu diễn hoặc các tác phẩm được phát tại phòng trà định kỳ 6 tháng hoặc 12 tháng một lần. Theo đó, VCPMC sẽ phân phối số tiền tác quyền thu được (sau khi trích hành chính phí) cho các tác giả.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra hàng đêm ở các phòng trà là thiên hình vạn trạng. Một chủ phòng trà ở TP.HCM cho biết, danh sách tác phẩm biểu diễn đối với các phòng trà đa số là “cho có lệ”, vì không ai có thể thống kê cả ngàn bài hát sẽ biểu diễn trong 6 tháng hoặc 1 năm, chưa kể là những bài mới sáng tác trong các album của ca sĩ mới trình làng chưa cập nhật vào danh sách đăng ký. Ngoài ra, khi ca sĩ hát theo yêu cầu khán giả, thì họ hát những gì đôi lúc rất khó lường đối với chủ phòng trà. Vì vậy, danh sách ca khúc đăng ký sử dụng với VCPMC (nếu có) so với thực tế sử dụng rất khác nhau, nhưng tiền tác quyền thì chia đều theo danh sách đăng ký.

Ca sĩ - MC Phan Anh, phòng trà Opera (số 5 Đặng Thái Thân, Hà Nội) cho biết, mỗi năm phòng trà này đóng phí tác quyền cho VCPMC một lần khoảng hơn chục triệu đồng. Danh sách sử dụng các tác phẩm tại phòng trà được cung cấp đầy đủ, thi thoảng thanh tra ngành đi “kiểm định” bất ngờ. “Họ đến nghe xem có diễn đúng ca khúc đã đăng ký với trung tâm không và áng chừng số lượng ca khúc biểu diễn để tính toán với số tiền đóng phí của phòng trà”.

Tại các cơ sở karaoke, chuyện thu tiền trên thực tế sử dụng bài hát không thể thực hiện được. Trên thế giới các nước tiên tiến có các phần mềm kỹ thuật đối soát tần suất, nhưng ở Việt Nam thì chưa. Vì vậy, VCPMC vẫn dựa vào danh mục bài hát có trong từng loại đầu máy karaoke để phân phối đều cho các tác giả, chứ chưa đối soát và phân phối được theo tần suất sử dụng thực tế.  

2. VCPMC bảo vệ quyền tác giả cho nhạc sĩ, tuy nhiên cách thu tác quyền của trung tâm vô tình lại gây ra bức xúc với “người tri kỷ” là giới ca sĩ. Ca sĩ Ánh Tuyết bày tỏ: “Thật ra một ca khúc của nhạc sĩ muốn thu tác quyền, thường thì phải có ca sĩ trình diễn hoặc thu âm. Với các hình thức mà VCPMC thu tác quyền hiện nay ở các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, rạp chiếu phim, siêu thị… thông qua việc sử dụng băng đĩa của ca sĩ.

Ca sĩ đầu tư nhiều tiền để làm ra sản phẩm băng đĩa và cũng nhờ sản phẩm đó mà VCPMC thu được tiền. Thế nhưng trong gói “quyền liên quan” đó (gồm nhạc sĩ, ca sĩ, phối khí, đầu tư sản xuất - mà hiện nay đa số ca sĩ bao luôn phần phối khí, đầu tư sản xuất), VCPMC chỉ thu riêng tiền tác giả còn lại thì “sống chết mặc bay”.

VCPMC chỉ biết quyền lợi của mình mà không nghĩ đến người khác. Chưa kể là điều này còn tạo ra tình trạng “lập lờ” cho người sử dụng, các ca sĩ có lên tiếng thì các đơn vị nêu trên họ nói đã trả bản quyền cho VCPMC”.

3. Khu vực “xài nhạc chùa” lớn nhất hiện nay là từ Internet. Năm 2009, trong loạt bài Những nhạc sĩ tỷ phú… hụt đăng trên TT&VH, thống kê cho thấy rằng: Chỉ tính riêng trang nhạc chờ Imuzik, với Top 10 bài hát được download nhiều nhất, nếu tính 3 ngàn đồng một lượt và tác quyền là 15% trên giá bán (tỷ lệ trong bảng giá của VCPMP thời điểm đó), thì tiền tác quyền sẽ là hơn 5,5 tỷ đồng. Số tiền này lớn hơn tổng thu tác quyền năm 2005 và 2006, hoặc bằng khoảng 1/3 tổng thu tác quyền năm 2008 của VCPMC. Tuy nhiên, cho tới hiện nay VCPMC vẫn chưa có hệ thống kiểm soát lượng download trên các trang web âm nhạc để bảo vệ quyền lợi của nhạc sĩ.

Hải Long - Lam Anh
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến