Thực tế Vua Tut có ngoại hình trái ngược tưởng tượng đó, với răng hô, hông to như phụ nữ và chân bị tật nguyền. Đây là kết quả cuộc "khám nghiệm tử thi ảo” của vua Tut vừa được diễn ra, trong đó các nhà khoa học đã dùng hơn 2.000 tấm ảnh chụp cắt lớp, kết hợp với việc phân tích gene di truyền, để hé lộ các chi tiết thú vị về ông.
Mắc bệnh vì cha mẹ là anh em ruột
Lâu nay, dựa vào những vết nứt trên hộp sọ và các chỗ gãy xương ở di cốt của ông, người ta đã đặt ra khả năng vị vua trẻ này thiệt mạng do bị giết hại hoặc bị ngã xe ngựa.
Nhưng giờ đây, các nhà khoa học tin rằng ông chết do thể trạng yếu ớt và mang nhiều bệnh tật, hậu quả từ việc cha mẹ đẻ của ông là anh em ruột. Albert Zink thuộc Viện Xác ướp và Người băng ở Italy, đã giải mã sự thật về cha mẹ của Vua Tut, thông qua việc nghiên cứu ADN của gia đình ông.
Zink thấy rằng Tutankhamun được sinh ra sau khi cha ông là Akhenaten có quan hệ tình dục với em gái mình. Người Ai Cập cổ đại thường không phản đối các quan hệ loạn luân như thế. Họ cũng không biết hoạt động hôn nhân cận huyết sẽ gây hại rất lớn cho những đứa trẻ ra đời từ mối quan hệ này.
Hutan Ashrafian, giảng viên phẫu thuật tại trường Đại học London, cho biết nhiều thành viên trong gia đình Vua Tut bị mắc các bệnh do thiếu cân bằng về nội tiết tố - hậu quả từ hoạt động hôn nhân cận huyết.
Còn Ashraf Selim, nhà chẩn đoán hình ảnh người Ai Cập, cho biết: “Khám nghiệm tử thi ảo đã thấy rằng Vua Tut bị khoèo chân và ông phải đi rất khập khiễng". Dường như Vua Tut đã phải dùng gậy để đi lại trong phần lớn cuộc đời của ông. Chứng cứ hạn chế về thể xác của Vua Tut thể hiện qua việc người ta đã tìm thấy 130 cây gậy chống trong lăng mộ của ông.
Các phát hiện mới này đã vừa được công bố trong bộ phim tài liệu Tutankhamun: The Truth Uncovered (Tutankhamun: Sự thật được làm sáng tỏ) phát trên kênh truyền hình BBC One của Anh.
Gương mặt và hình dáng thật của Vua Tuttankhamun qua kết quả khám nghiệm “tử thi ảo”
Hóa thân thành thần chết
Hồi đầu năm, các nhà khảo cổ thuộc trường Đại học America ở Cairo đã làm sáng tỏ được một số nghi lễ chôn cất kỳ lạ được tìm thấy trong lăng mộ Vua Tut. Họ thấy dương vật của Vua được ướp dựng một góc 90 độ so với cơ thể. Đây là xác ướp duy nhất được tìm thấy có đặc trưng này. Được biết khi nhà khảo cổ Howard Carter lần đầu khai quật lăng mộ của Vua Tut, ông còn thấy trong xác ướp của Vua Tut đã không còn quả tim.
Các nhà nghiên cứu đánh giá nhiều khả năng Vua Tut đã được ướp xác cho giống với vị thần âm phủ Osiris. Họ cho biết Bên ngoài lăng mộ Vua Tut có những hình trang trí mô tả ông là Osiris. Hơn nữa, thi hài của Vua Tut còn được ngâm trong chất lỏng màu đen, tương tự với màu da chết chóc của Osiris. Vậy vì đâu Vua Tut lại bị "hô biến" thành thần chết?
Vào thời điểm Vua Tut qua đời hồi năm 1323 trước Công nguyên, cha ông đã lãnh đạo một cuộc cách mạng tôn giáo ở Ai Cập. Tương truyền, Akennaten đã triệt phá tín ngưỡng thờ cúng đa thần và ông muốn người dân trong nước chỉ tôn thờ thần Mặt trời.
Tutanhkhamun đã cố gắng ngăn chặn cuộc cách mạng này. Tuy nhiên một lần ông đã bị ngã gãy chân. Về sau ông qua đời do nhiễm trùng vết thương và thể trạng yếu. Hồi năm 2010, kết quả phân tích ADN cũng tìm thấy những dấu tích cho thấy ông từng bị sốt rét.
Các chuyên gia nói rằng việc Vua Tut được hóa thân thành thần Osiris là để khiến những người muốn làm cách mạng tín ngưỡng ở Ai Cập thấy khiếp sợ.
Tutankhamun là vị pharaoh trong triều đại thứ 18 của Ai Cập, trị vì vào năm 1332-1323 trước Công nguyên. Ông là con trai của Akhenaten và lên ngôi năm mới được 9 hoặc 10 tuổi. Khi trở thành Vua, ông kết hôn với em gái cùng cha khác mẹ là Ankhesenpaaten. Ông qua đời ở tuổi 18.
Năm 1907, huân tước Carnarvon George Herbert đã đề nghị nhà khảo cổ Anh đồng thời là nhà Ai Cập học Howard Carter giám sát các cuộc khai quật ở Thũng lũng của các vị Vua tại thành phố Luxor, miền Nam Ai Cập. Ngày 4/11/1922, nhóm của ông Carter đã tìm thấy các bậc thang dẫn tới lăng mộ Vua Tut. Ông Carter đã mất nhiều tháng để ghi mục lục tiền sảnh của lăng mộ, trước khi mở phòng chôn cất và phát hiện ra quan tài của Vua Tut vào tháng 2/1923.
|
Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa