Hồi năm 2009, Ủy ban Thương mại công bằng (FTC) của Hàn Quốc đã giới thiệu các mẫu hợp đồng được tiêu chuẩn hóa cho nền công nghiệp giải trí nội địa, nhằm cải thiện các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng giữa giới nghệ sĩ với công ty quản lý.
Chịu hết nổi hợp đồng nô lệ
Đây là sự cải cách cần thiết nhằm chấm dứt các “hợp đồng nô lệ”, vốn bó buộc các nghệ sĩ phải thực hiện hợp đồng làm việc kéo dài tới cả chục năm với một công ty.
Không chịu nổi áp lực và sự bất công của dạng hợp đồng nô lệ kiểu này, năm 2008, nhóm nhạc pop nam nổi tiếng TVXQ đã kiện công ty quản lý của mình. Giờ đây, vấn đề này lại bị xới lên một lần nữa khi ngày 27/11 ban nhạc B.A.P đâm đơn kiện công ty quản lý TS Entertainment. Ban nhạc yêu cầu được chấm dứt “hợp đồng nô lệ” mà họ đã ký với công ty này hồi tháng 3/2011.
Trong đơn kiện, 6 thành viên của ban nhạc là Bang Yong Guk, Kim Him Chan, Jung Dae Hyun, Yoo Young Jae, Moon Jong Up và Zelo, “tố” rằng hợp đồng làm việc không hề công bằng, chỉ mang lại lợi nhuận cho công ty TS Entertainment. Các thành viên ban nhạc cho rằng bản hợp đồng dài 7 năm hết sức vô lý, xâm phạm quyền riêng tư, bóc lột các quyền cơ bản và phân chia lợi nhuận không công bằng.
Ban nhạc nam Hàn Quốc B.A.P đang kiện công ty quản lý của mình, TS Entertainment, nhằm chấm dứt “hợp đồng nô lệ”
Ban nhạc này tuyên bố, kể từ khi ra mắt làng nhạc hồi tháng 1/2012, mỗi thành viên mới chỉ nhận được 18 triệu won, trong khi họ đã thu về được 10 tỷ won từ các màn diễn.
Theo quy định của FTC, không có hợp đồng nào được phép kéo dài quá 7 năm. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng nhiều vấn đề khác trong hợp đồng giữa nghệ sĩ và công ty quản lý cũng cần phải được thay đổi. “Các hợp đồng vẫn chia lợi nhuận lớn hơn cho các công ty quản lý" - Lee Choong Hun, Giáo sư Luật thuộc trường Đại học Incheon, nói - "Phải nghiêm cấm việc đưa ra hình phạt đối với các nghệ sĩ muốn chấm dứt hợp đồng sớm".
Theo quy định hiện nay, nếu muốn chấm dứt hợp đồng sớm trước khi hết hạn, các nghệ sĩ phải trả cho các công ty quản lý của mình một khoản tiền phạt, tính dựa trên lợi nhuận trung bình thu được từ các màn diễn và lượng đĩa bán ra. Khoản tiền phạt lớn đã khiến nhiều sao K-pop không dám phá hợp đồng và vẫn buộc phải làm việc với công ty quản lý, dù bất bình vì bị bóc lột sức lao động.
Chính phủ Hàn Quốc có lỗi?
Mặc dù quan ngại vẫn còn tồn tại, một quan chức giấu tên của FTC gần đây cho rằng hợp đồng của các ngôi sao K-pop giờ không còn là vấn đề cần bàn bạc nữa. “Chúng tôi không có kế hoạch sửa đổi các quy định về soạn thảo hợp đồng hay giám sát việc thực thi hợp đồng trong thị trường giải trí” – vị quan chức này nói.
Hồi năm 2013, FTC đã thảo luận một số nội dung sửa đổi mẫu hợp đồng tiêu chuẩn. Song kể từ đó đến nay đã không có sự thay đổi nào xuất hiện.
“Hiện nay, trong hợp đồng không hề có điều khoản thương lượng giữa các nghệ sĩ và công ty quản lý” - Kang Sun Hwan, một quan chức thuộc Liên đoàn các nghệ sĩ trình diễn âm nhạc Hàn Quốc, nói - “Tồi tệ hơn, trong thực tế, nhiều công ty sử dụng hợp đồng riêng của họ chứ không dùng mẫu hợp đồng được tiêu chuẩn hóa. Nguyên nhân do họ bị ràng buộc về mặt pháp lý trong việc dùng hợp đồng tiêu chuẩn".
Người phát ngôn của công ty JYP thừa nhận, các điều khoản trong hợp đồng tiêu chuẩn là ông bằng hơn nhiều, song chỉ có khoảng 40% các công ty quản lý sử dụng mẫu hợp đồng chuẩn này.
Các nhà phê bình cho rằng lý do để tình trạng sai trái này diễn ra phổ biến trong nền công nghiệp giải trí một phần do Chính phủ Hàn Quốc ủng hộ các hãng quản lý, muốn nhờ họ để thúc đẩy làn sóng Hàn (Hallyu). Để sửa sai, hồi tháng 7 năm nay, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập hệ thống đăng ký hãng quản lý để giám sát chặt chẽ hơn các công ty quản lý nghệ sĩ. Tuy nhiên hệ thống này bị cho là gây khó khăn cho các công ty quản lý nhỏ và chẳng ảnh hưởng nhiều tới các công ty lớn.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa