(Thethaovanhoa.vn) - 20 năm trước, vào tháng 1/1996 nhiều đài phát thanh ở Mỹ đồng loạt mở bài hát To Love You More của Celine Dion. Bài hát với giai điệu nhẹ nhàng, quyến rũ, thắm đượm, tha thiết đã chinh phục ngay công chúng thị trường Bắc Mỹ. Nhưng lạ lùng, bài hát này lại chẳng nằm trong single nào của Celine Dion tại Mỹ, cũng chẳng nằm trong chiến dịch quảng bá nào cho album sắp phát hành lúc ấy của cô, Falling Into You. Tại sao lại thế?
Sự thật sau đó đã được hé mở. Bài này chỉ phát hành tại Nhật và sau đó được Paul Drew, một nhà sản xuất có tiếng tăm trong lúc đi du lịch tại Nhật nghe được và vì quá ấn tượng, đã mua ngay 100 single về Mỹ và tặng cho bạn bè ở các đài phát thanh. Đó là một điều lạ lùng vì chưa bao giờ âm nhạc của Celine Dion lại thắng lớn tại Mỹ nhờ đường “xách tay”. Cũng vì hiệu ứng này mà sau đó To Love You More lan rộng toàn thế giới và tiếp tục khẳng định vị trí diva của Celine Dion.
Thắng nhờ kiên trì
To Love You More được ra đời và thắng toàn diện thì ngoài giọng hát của Celine Dion phải kể đến công của Robi Wada, một ông bầu người Nhật, người từ đầu đến cuối theo đuổi một mục tiêu duy nhất, mời Celinie Dion hát cho một chương trình truyền hình tại Nhật.
Đó là tháng 2/1995, Robi Wada đang quản lý nhóm tam tấu nhạc jazz Kryzler & Company. Nhóm này lúc ấy cũng đã có tên tuổi trong những jazz club nổi tiếng tại Tokyo nhưng ông bầu của họ muốn nhóm đi xa hơn, thu phục nhiều thị phần hơn tại Nhật.
Lúc ấy, ở Nhật, muốn thành công, thì lên truyền hình. Hầu như những giọng ca đều trở thành sao sáng nếu được công chúng truyền hình yêu thích. Đúng lúc ấy, đài truyền hình Fuji, một trong những đài nổi tiếng nhất của Nhật với 50 triệu người xem, đang chuẩn bị khởi động chuyên mục âm nhạc mang tên Koibito Yo (Người yêu dấu, dựa theo tên bài hát rất nổi tiếng của Mayumi Itsuwa). Ngay lập tức, Wada liên hệ với nhà sản xuất để đưa Kryzler & Company vào biểu diễn.
Nhưng nhà sản xuất đòi phải có giọng hát chứ chỉ có nhóm Kryzler & Company chơi nhạc lúc ấy chưa đủ. Đó là một bài toán cực kỳ khó giải cho Robi Wada. Biết tìm ai? Ca sĩ chưa có, bài hát chưa có thì lấy đâu niềm tin mà đưa? Wada nghĩ đến Mariah Carey, lúc ấy đã trở thành một diva toàn cầu. “Đó là điều bất khả. Cô ấy lúc đó đã quá nổi, quá bận rộn và quan trọng là tiền đâu mà trả cho nổi?”, Wada thở dài. Ông lại nghĩ tiếp đến Gloria Estefan, một ngôi sao mới, nhưng cô ấy hơi Latin và công chúng của Whitney Houston hay Barbra Streisand sẽ không thích.
Và bất giác Wada nghĩ tới Celine Dion. Ông vừa nghe album phát hành năm 1993 của cô, The Colour Of My Love, cách đây vài hôm. “Đúng là một giọng hát tuyệt vời, dịu ngọt, tràn đầy cảm xúc và cũng căng tràn năng lượng”, Wada nghĩ và quan trọng hơn, Wada cũng nghĩ rằng Celine đang trên đường trở thành một ngôi sao sáng và đây là dịp thích hợp nhất để mời cô ấy tham gia vào dự án này. Một vài người bạn của Wada sau khi biết suy nghĩ của ông, cũng tán đồng và nảy ra ý tưởng kết hợp giọng hát tuyệt vời ấy với tiếng vĩ cầm của Taro Hakase (một thành viên của Kryzler & Company” thành một dạng “duet” (hát đôi) giữa nhạc cụ và giọng hát là “số dzách”. Điều ấy lại càng làm Wada ám ảnh. Và ông quyết định vào cuộc mà không cần biết rằng, phía trước muôn vàn khó khăn đang chờ đợi còn cao hơn cả đỉnh Phú Sĩ.
Sáng hôm sau, Wada đến hãng đĩa Sony của Nhật để tìm cách liên lạc với Celine Dion. Nhưng hãng đĩa ở Nhật lại không đủ thẩm quyền giải quyết và họ giúp Wada bằng cách gọi sang chi nhánh ở Canada. Ở đó, họ được nối máy đến Rene Angelil, ông bầu của Celine Dion. 5 phút sau, Wada được nhận câu trả lời ngắn gọn “Celine quá bận rộn và không thể tham gia”.
Thật sự thì lúc ấy, trái với suy đoán của Wada, Celion Dion đã trở thành ngôi sao toàn cầu. 2 triệu đĩa The Colour Of My Love đã bán sạch tại Mỹ, Canada và đang chuẩn bị ngấp nghé mức ấy ở Đức, Hà Lan, Anh quốc. Và tại Nhật, album này chuẩn bị được tái phát hành lần 2.
Tối hôm ấy, chán nản và gần như hết hy vọng, Wada leo lên taxi về nhà. Và vào lúc hy vọng gần như đóng cửa thì một khe sáng bỗng lọt ra. Với tay lấy cuốn báo Time vừa phát hành, Wada lật giở vài trang và trố mắt khi thấy một bài viết nói về những diva đương đại và Celine Dion là một trong số ấy. Cái mà ông ngạc nhiên không phải là nội dung mà là một bức ảnh. Ở đó, Celine Dion đứng cạnh nhà quản lý đồng thời cũng là chồng cô, Rene Angelil. “Hóa ra là tay này!”, Wada buột miệng. 20 năm trước (1975) họ đã gặp nhau khi Angelil đến Nhật để úy lạo những ca sĩ trẻ Canada tham gia cuộc thi Yamaha – Những bài hát toàn cầu. “Tóc ông ấy vơi đi, mặt thì tròn lên nhưng ánh mắt thì vẫn vậy”, Wada giống như tìm thấy được phao cứu sinh.
Lật thêm trang sau, Wada như thể tìm thấy vàng rơi. Đó là trang quảng cáo, nói rằng vào tháng 5 tới Celine Dion sẽ có đêm biểu diễn tại Nhật.
Ngày 6/5/1995, Wada đến xem Celine Dion biểu diễn ở Budukan và sau đó lẻn vào hậu trường và tìm gặp Rene Angelil. Họ nhận ra nhau và Angelil sau khi nói chuyện với Wada, đã nói rằng “Sao ông không gọi trực tiếp cho tôi?”.
Nghệ sĩ Taro Hakase Giờ thì chẳng cần gọi nữa, sáng hôm sau tại sảnh khách sạn Capital Tokyu đã chứng kiến một thời khắc lịch sử. Cả 3 người: Celin Dion, Rene Angelil và Robi Wada chăm chú ngồi nghe những nhạc phẩm của Kryzler & Company phát ra từ chiếc máy cassette nhỏ. Im lặng một hồi lâu, cuối cùng Celine lên tiếng trước khi nói rằng cô rất thích giai điệu của nhóm này và đặc biệt là tiếng vĩ cầm của Taro Hakase. Chỉ cần bấy nhiêu, mọi thứ còn lại một mình Rene Angelil lo.
Sang ngày hôm sau, Rene Angelil đưa cuộn băng cassette cho nhà sản xuất David Foster và kể lại câu chuyện hôm qua. Nghe xong câu chuyện và nghe thử âm nhạc của nhóm Kryzler & Company, David rất ấn tượng và ngay lập tức, ông ngồi xuống và sáng tác ngay giai điệu.
Bài hát khi ấy chưa có tên và Foster vẫn chưa biết đặt tên là gì. Bí quá, Foster gửi giai điệu về Mỹ cho ông bạn thân, nhờ đặt giúp. Vài ngày sau, Foster nhận được cả lời lẫn tựa bài hát. Và lúc ấy To Love You More đã chính thức được khai sinh.
Nhiều người đến giờ vẫn không biết đồng tác giả bài hát này với David Foster, được ký Junior Miles, là ai? Đó chính là Edgar Bronfman, Jr, CEO của hãng đĩa MCA, hãng đối thủ truyền kiếp của Sony Music, nơi Celine Dion đang đầu quân. Nhưng vì quá yêu thích giai điệu của David Foster mà Edgar Bronfman, Jr sẵn sàng đổi tên mình để bài hát đầu xuôi đuôi lọt.
Huyền thoại
Tháng 10/1995, To Love You More chính thức phát hành. Giọng hát tuyệt vời của Celine Dion quyện với tiếng violin như tuôn chảy, dập dềnh cảm xúc của Taro Hakase đã khuấy đảo toàn bộ thị trường âm nhạc ở Nhật Bản. Bài hát bán được 1,5 triệu bản, đưa Celine Dion trở thành nghệ sĩ quốc tế thứ 2 đứng đầu Top tại Nhật trong lịch sử. Hàng loạt vinh quang đến với cô tại Nhật.
Hãng Sony, sau đó, khi tái phát hành album To Love You More đã phải đưa thêm bài này vào. Chỉ duy nhất ở thị trường châu Á, bài hát này mới được đính kèm. Và điều đó làm công chúng ở những thị trường khác phẫn nộ. Và họ càng tức điên khi album chuẩn bị phát hành của Celine Dion, Falling Into You, cũng không có bài này. Hãng Sony sau đó phải nói rằng album mới nhất đã được chuẩn bị quá kỹ càng rồi và không thể “nhét” thêm bất kỳ một bài nào khác vào vì sẽ làm ảnh hưởng toàn bộ bố cục nội dung.
Và lịch sử sau đó cũng đã công nhận, Falling Into You, khi phát hành vào tháng 3/1996 đã trở thành album hay nhất trong sự nghiệp của Celine Dion.
Nhưng cũng để thỏa lòng fan Bắc Mỹ và châu Âu, album tiếp theo của Celine Dion, Let’s Talk Albout Love (1997), đã được gắn thêm To Love You More.
Và cho đến tận giờ tất cả các buổi biểu diễn của Celine Dion, dù là quảng bá cho album mới, cũng đều phải đính kèm thêm To Love You More. Bài hát đã góp phần làm tăng thêm danh tiếng của cô và cũng là bài hát có số phận lạ lùng trong sự nghiệp âm nhạc của Celine.
Tại Việt Nam, bài hát này cũng rất được yêu thích và cũng đã từng là bài hit đưa sự nghiệp của một nữ ca sĩ lên đỉnh cao, chính là Mỹ Tâm.
Cùng nghe lại ca khúc To Love You More:
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần