(Thethaovanhoa.vn) - Vậy là mùa thứ 3 liên tiếp Giọng hát Việt lại tiếp tục tôn vinh những người trẻ. Hương Tràm và Vũ Thảo My đoạt quán quân khi tuổi mới chỉ vừa 17 và năm nay Đức Phúc cũng chỉ mới 18. Một nền âm nhạc tôn vinh những người trẻ như thế là tín hiệu đáng mừng. Nhưng…
Một cuộc thi lấy tinh thần là tôn vinh giọng hát nhưng thật ra giọng hát thật sự nào đã được tôn vinh?
Của lạ?
HLV Mỹ Tâm đã “tổng kết” về sự đặc biệt của học trò trong đêm gala trao giải, như sau: “Con phải cảm ơn khán giả vì so với các bạn, con không có ngoại hình, không biết sáng tác, không biết nhảy, nói chung là không được gì hết, chỉ có duy nhất giọng hát. Bù lại giọng hát của con đã mang lại cảm xúc cho người nghe”.
Cảm xúc của người nghe là một trạng thái không thể định nghĩa. Nhưng ít nhiều, nó phải có cớ để vin vào. Trong trường hợp của Đức Phúc, giọng hát của anh vin vào đâu để chiếm được đến 49.25% tổng phiếu bình bầu? Hãy nhìn lại chặng đường của Phúc mùa này.
Ở vòng Giấu mặt, Đức Phúc xuất hiện ở tập 5 và tạo ngay ấn tượng. Nhưng ấn tượng không phải ở bài hát nước ngoài, I’m Not The Only One anh đã thể hiện, mà ở sự cố “ngô nghê” khi HLV Tuấn Hưng hỏi Đức Phúc: “Em hay hát bài gì của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng?” thì Đức Phúc trả lời ngay: “Dạ, em hay hát bài Nắm lấy tay anh”, mà bài này ai cũng biết là bài hit nổi tiếng của… Tuấn Hưng.
HLV Mỹ Tâm (giữa) rạng rỡ với chiến thắng của học trò, còn Đức Phúc thì khóc không dứt
Kết quả là HLV Đàm Vĩnh Hưng kêu trời và quỳ xuống đập đầu xuống đất. Ngay lần đầu tiên chạm ngõ, Đức Phúc đã trở thành người “đáng yêu” nhất của vòng Giấu mặt.
Đến vòng Đối đầu, Phúc song ca cùng Hoàng Phong ca khúc Try. Tiết mục này không thật sự ấn tượng và thậm chí có những chỗ, Hoàng Phong hát “nuột” hơn Phúc. Kết quả cuối cùng, Mỹ Tâm chọn Đức Phúc với lý do “giọng hát của em đã làm lay động trái tim người nghe”.
Vòng live show 2, lần đầu tiên Đức Phúc hát một bài tiếng Việt, Chắc ai đó sẽ về. Và đến lúc này sở đoản của chàng trai 18 tuổi lộ ra, anh hát bị cứng, diễn tả tinh thần không ra, giọng hát lập cập. Đêm hôm ấy, Đức Phúc vẫn đi tiếp vì được khán giả bầu chọn.
Đến vòng live show 4, Đức Phúc trở lại với sở trường, hát bài nước ngoài Hello. Cho dù Mỹ Tâm khen nhưng thực chất đây là một màn trình diễn trung bình khi giọng của Phúc vẫn bị chênh như những lần trước và cột hơi bị lạc, vẫn là vấn đề tâm lý, không làm chủ được cột hơi. Nhưng Phúc vẫn đi tiếp, và người chọn vẫn là khán giả.
Qua live show 6: Đức Phúc biểu diễn 2 tiết mục. Tiết mục đầu tiên là solo bài Nếu như anh đến. Ở bài này, những đoạn cao của Phúc bị mờ, những đoạn trầm xử lý khá khéo nhưng đây vẫn là một bài hát quá sức với Đức Phúc. Đến phần song ca giữa Đức Phức và Vân Anh trong mashup Ngày mai, Ban mai tình yêu thì giọng hát của Vân Anh vẫn cho thấy nội lực hơn. Vòng này khán giả lại tiếp tục đưa Đức Phúc vào trong.
Đến live show 7, tình hình được cải thiện đôi chút khi Phúc hát Huyền thoại mẹ với tâm lý vững vàng hơn nhưng điều đó không làm anh nổi trội hơn các giọng khác trong đêm thi. Đến vòng này, Mỹ Tâm bắt đầu ra tay. Bảo Uyên được khán giả chọn còn Mỹ Tâm chọn Đức Phúc, loại Vân Anh.
Live show 8, Đức Phúc tiếp tục trở lại với nhạc nước ngoài, I Believe I Can Fly. Đó là một phần trình diễn thu hút nhưng không nổi trội bởi nổi nhất đêm đó là phần trình diễn của Yến Lê.
Bước vào chung kết, cả 3 phần trình diễn của Đức Phúc đều nhạt nhòa so với những đội còn lại. Những bài như Yêu xa, Chảy đi sông ơi đều không tạo sự ấn tượng qua giọng hát. Và liên khúc được xem là bùng nổ với Mỹ Tâm, nói một cách công bằng, chỉ thu hút được thị giác hơn là thính giác.
Nhìn lại quãng đường đi của Đức Phúc tại Giọng hát Việt năm nay, ai dám khẳng định đây là giọng hát nổi trội nhất? Bởi đây không phải là giọng hát lạ, làn gió lạ, bởi sự “lạ” ấy lại đến từ những nguyên nhân không xuất phát từ giọng hát.
Không ai có quyền để phán về đường đi của một giọng ca khi họ không có sáng tác, không sáng sân khấu, không biết vũ đạo. Quan trọng vẫn là giọng hát. Nhưng ngay cả cái quan trọng nhất ấy cũng không nổi trội thì tại sao giọng hát ấy lại được tôn vinh?
Hào quang người khác
Với 49.25% số phiếu bầu, xem như một mình Đức Phúc “chấp” cả 3 người còn lại.
Với tất cả những gì đã diễn ra có thể thấy rõ một vấn đề, giá trị thật sự độc lập với hiệu ứng bình bầu. Bản chất của thị trường ngày càng lộ rõ, giá cả không liên quan đến giá trị. Tuyên ngôn nghệ thuật không được cất ra từ giọng hát mà từ vẻ hấp dẫn giải trí.
Đức Phúc có xứng đáng hay không thì phải sau này mới rõ nhưng vào lúc này, cậu đang sống bằng hào quang của người khác, mà cụ thể là từ HLV Mỹ Tâm.
Sau khi đêm chung kết hạ màn, gần 20 phút liên tục cả trăm giọng hò reo cất lên như nổ tung nhà thi đấu Tân Bình “Mỹ Tâm! Mỹ Tâm! Mỹ Tâm!”. Trong khi đó, người thắng cuộc đang cầm hoa cười tươi trên sân khấu, lại chẳng được một fan nào réo gọi khi chính họ đã cầm điện thoại nhắn tin bình bầu trước đó.
Vậy họ bầu cho ai? Cho Mỹ Tâm hay Đức Phúc? Đây là chiến thắng của Mỹ Tâm hay Đức Phúc?
Vấn đề lúc này là có quyền đặt ra những nghi ngại. Quyền lực thuộc về công chúng, điều này ai cũng hiểu rồi. Sự bầu chọn của công chúng không tỉ lệ thuận với những nhận xét chuyên môn. Chuyện xưa cũ rích.
Ở đây, vào lúc này, quyền lực của công chúng lại không hướng vào giọng hát mà họ nghe, bất chấp những cái chau mày của giới chuyên môn, mà lại hướng vào thần tượng mà họ đang mê mẩn.
Hấp lực của Giọng hát Việt cuối cùng lộ ra bản chất mới của nó, không phải vì giọng hát mà là vì thần tượng của công chúng.
Đức Phúc là nạn nhân của một cuộc chơi có tên thật sự là “Ai mới là thần tượng?”. Sự nhập nhèm ấy đã biến một cậu bé ngô nghê, đáng yêu, theo một cách nào đấy, trở thành một thần tượng bất đắc dĩ.
Đức Phúc hát không hay. Nhưng HLV của cậu thì lại quá hay.
Sau khi đêm chung kết hạ màn, gần 20 phút liên tục cả trăm giọng hò reo cất lên như nổ tung nhà thi đấu Tân Bình “Mỹ Tâm! Mỹ Tâm! Mỹ Tâm!”. Trong khi đó, người thắng cuộc đang cầm hoa cười tươi trên sân khấu, lại chẳng được một fan nào réo gọi khi chính họ đã cầm điện thoại nhắn tin bình bầu trước đó. |
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa